Hà Nội: Phát triển du lịch làng nghề còn ngổn ngang nhiều bề

10/08/2010

AGROINFO - Làng nghề được biết đến nhiều nhất là làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, còn lại hơn 200 làng nghề khác hầu như bị bỏ quên

Kể từ khi mở rộng, Hà Nội đã có tới 256 làng nghề truyền thống. Trong đó, gần 1/4 là những làng nghề lâu đời trên 100 năm tuổi có giá trị văn hoá - lịch sử. Đó là một nguồn tài nguyên du lịch dồi dào có thể thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thế nhưng, ngoại trừ hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, các làng nghề khác gần như bị bỏ quên như cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái… Dù được đầu tư phát triển du lịch từ những năm 2003 – 2004, dù có tên trong sản phẩm tour của các hãng lữ hành, song đến nay tình hình du lịch tại những địa điểm này không có biến chuyển tích cực, lượng tour thưa thớt, khách hàng thờ ơ.

Hội thảo “Làng nghề Hà Nội – Tiềm năng phát triển và du lịch” mới đây được xem như cơ hội để các làng nghề của Thủ đô được chia sẻ những khó khăn.

 
         Thiếu kiến thức du lịch là tình trạng chung của nhiều làng nghề

Có nhiều làng nghề cho rằng, do vị trí nằm xa trung tâm thủ đô, giao thông chưa thuận tiện nên rất khó thu hút khách. Cũng với suy nghĩ ấy, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường dẫn từ quốc lộ vào làng nghề, nhà chợ, nhà trưng bày triển lãm song “quả ngọt” vẫn chưa thấy đâu. Điển hình như làng mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ) khu trưng bày sản phẩm được xây dựng 8 năm nay cho khách tham quan, đến giờ vẫn hoang vắng.

Thiếu kiến thức về du lịch là tình trạng chung của người dân ở các làng nghề. Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch, không được hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm hấp dẫn giá rẻ để “mua chuộc” khách. Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hoá cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ.

Nghệ nhân làm nón làng Chuông, ông Trần Văn Canh thấy làm lạ từ sau khi sát nhập về Hà Nội, phòng Công thương nay là phòng kinh tế huyện hầu như không hoạt động và ít sát xao hơn với làng nghề.

Nhiều làng nghề lo rằng, trước đây nếu chỉ làm nghề và bán sản phẩm thì chỉ hoạt động theo các phiên chợ, còn nếu đã làm du lịch thì phải mở cửa thường xuyên, vậy thì phải bảo vệ môi trường thế nào khi mức độ làm việc tăng? Hiện, mới chỉ quảng cáo du lịch một chiều đó là tại các văn phòng du lịch, trong khi người dân lại muốn được quảng cáo du lịch ngay tại làng nghề với du khách, thì phải làm sao? Đặc biệt, sản phẩm làng nghề cần phải ghi rõ xuất xứ để tránh giả mạo, tăng giá quá cao làm mất uy tín của làng nghề… Đồng thời, họ cũng muốn được tập huấn để mỗi làng nghề đều có hướng dẫn viên cho mình.

Hiện, mới chỉ có 5 làng nghề được tập huấn kỹ năng du lịch là: Vân Hà, Hạ Thái, Chuôn Ngọ, Bát Tràng và Phú Vinh. Năm nay, Hà Nội tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút lượng khách khổng lồ tới thủ đô và nhu cầu của du khách đi thăm các làng nghề truyền thống là điều tất yếu. Nhưng nếu chỉ có 5 làng nghề được tập huấn kỹ năng du lịch thì còn quá ít và liệu chúng ta có đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách du lịch?


Phạm Khánh (Theo Báo Lao Động)

Tin khác