Xu hướng giảm giá cà phê thế giới diễn ra suốt cả năm 2009 nhưng xen kẽ giữa các giai đoạn giảm giá luôn có khoảng phục hồi trong thời gian ngắn. Bắt đầu từ tháng 11/2009 giai đoạn giảm giá kéo dài liên tục sang tới nửa đầu năm 2010. Giá cà phê Robusta thế giới chạm tới mốc thấp nhất trong vòng 5 năm vào thời điểm tháng 2/2010, chỉ đạt khoảng 1.500 USD/tấn. Tương ứng, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm mạnh và chạm mốc thấp nhất trong vòng 5 năm vào tháng 3/2010, chỉ đạt 1.256USD/tấn.
Cùng với sự sụt giảm giá cà phê Robusta thế giới và giá xuất khẩu, giá thu mua trong nước năm 2009 giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 24.649 đồng/kg, giảm tới 31% so với mức giá trung bình năm 2008. Tháng 3/2010 giá thu mua trong nước tụt xuống mức thấp nhấtcòn 22.350 đồng/kg.
Đứng trước tình trạng giá cà phê xuất khẩu xuống đến mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm và giá cà phê thu mua trong nước cũng giảm tương ứng khiến người trồng cà phê lâm vào tình trạng lao đao, chính sách thu mua tạm trữ cà phê đã được bộ NN và PTNT cùng VICOFA đề xuất như một biện pháp nhằm chặn đà giảm giá cà phê. Chính sách này được duyệt vào tháng 4/2010 và các hỗ trợ đi kèm như cơ chế cho vay ưu đãi cũng được tiến hành dù đôi chút chậm trễ.
Dường như vị thế nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đã tăng thêm sức nặng cho chính sách tạm trữ cà phê của Việt Nam. Không chỉ giá cà phê trong nước có phản hồi tích cực sau khi tin tức về chính sách này được đưa ra mà giá cà phê Robusta thế giới cũng quay đầu tăng mạnh.
Giá cà phê thu mua trong nước đã tăng từ mức trung bình 22.500đ/kg trong tháng 3 lên tới trên 23.500đ/kg vào tháng 4 và tiếp tục tăng đến trên 27.000đ/kg, tương ứng, mức giá cà phê xuất khẩu cũng tăng từ trung bình 1.250 USD/tấn lên tới trên 1.500 USD/tấn và vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng.
Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới trong khoảng thời gian tương ứng cũng tăng từ 67,25 cent/lb (1494 USD/tấn) lên 71,52 cent/lb (1589 USD/tấn) vào tháng 4, hiện nay là 85.36 cent/lb (1.897 USD/tấn) và vẫn đang tiếp tục tăng.
Biến động giá cà phê và các động thái chính sách
Trên thực tế, trong sáu tháng đầu niên vụ (tháng 10/2009- tháng 3/2010) Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 69% tổng sản lượng toàn niên vụ 09/10 (ước tính vào khoảng 900.000 tấn). Tức là tính đến thời điểm dự thảo chính sách tạm trữ được đưa ra trình thủ tướng thì gần 2/3 tổng sản lượng cà phê của Việt Nam đã được đưa ra thị trường thế giới. Lượng xuất khẩu trong tháng 4/10 tiếp tục đạt 117,7 nghìn tấn (13% tổng sản lượng).
Như vậy, vào tháng 4/2010 khi thủ tướng chính phủ chính thức ban hành QĐ 841với các chỉ tiêu cụ thể: tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê, thời hạn tạm trữ 3 tháng, lãi suất hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thu mua tạm trữ là 6%... thì lượng cà phê niên vụ 09/10 xuất khẩu ra thế giới đã đạt 743.000 tấn/900.000 tấn hay lượng cà phê tồn lại trong nước chỉ còn khoảng 150.000 tấn.
Con số này có nghĩa là phần lớn cà phê đã được thu mua và xuất khẩu trong giai đoạn giá thấp. Chỉ một thiểu số người trồng cà phê có cơ hội được đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 30%.
Điều này cũng có nghĩa là niên vụ vừa qua bước đi sai lầm của các năm trước tiếp tục lặp lại: xuất khẩu ồ ạt ngay khi vừa thu hoạch xong. Giá cà phê thế giới giảm sâu trong giai đoạn tháng 11- tháng 4 phần nào cũng là do động thái tăng cung này của Việt Nam. Nếu như chính sách tạm trữ được bắt đầu sớm hơn, và việc điều tiết thời điểm xả hàng/xuất khẩu phù hợp thì ngược lại, ngành cà phê Việt Nam còn có thể tạo ra áp lực trở lại với các biến động cung và giá trên thị trường thế giới, đặc biệt là trong những thời điểm khi các quốc gia sản xuất cà phê theo niên vụ tháng 4 chưa bước vào thời vụ thu hoạch khiến nguồn cung cà phê thế giới còn hạn chế.
Chính sách tạm trữ cà phê, dù đi liền với nó là các giải pháp hỗ trợ tài chính như cho vay với lãi suất ưu đãi cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của các doanh nghiệp cà phê hiện nay đó là năng lực tài chính yếu. Do năng lực tài chính thấp, các doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng dự trữ cà phê mà thường xuất khẩu ngay khi có hợp đồng và thực hiện theo các các nguyên tắc trừ lùi và chưa chốt giá để quay vòng vốn nhanh. Kết quả là, cà phê Việt Nam trên các sàn giao dịch hàng hóa London và NewYork luôn bị ép giá.
Có chăng, hiệu quả của chính sách này chính là tác động tâm lý phần nào tới người sản xuất cà phê Việt Nam và thị trường thế giới.
Sau khi tin tức về chính sách tạm trữ cà phê được công bố, tháng 5/2010 giá cà phê thu mua trên thị trường Việt Nam đã nhích lên. Giá cà phê thế giới cũng bắt đầu hồi phục gần như cùng thời điểm. Thực chất đây chỉ là tác động tâm lý, vì lượng cà phê còn tồn của Việt Nam vào thời điểm này là không đáng kể.
Tóm lại, chính sách tạm trữ cà phê đã ra đời quá muộn so với diễn biến thực tế nên không đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu coi đây là một thử nghiệm để đi đến hoàn thiện cơ chế điều tiết ngành hàng thì thử nghiệm này đã đem lại nhiều bài học với những người làm chính sách và cả các doanh nghiệp.
Thứ nhất, đó là cần nắm chắc trạng thái và biến động cung/cầu của thị trường thế giới để có các động thái xuất khẩu phù hợp, tránh tình trạng làm tăng áp lực cung khiến giá giảm sâu như niên vụ vừa qua.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình sản xuất, cung, cầu và giá trên thị trường nội địa. Đặc biệt lưu ý tới các diễn biến xuất khẩu để có các hành động cụ thể như giãn tiến độ xuất khẩu khi giá giảm bất lợi hay tăng cường xuất khẩu nếu được giá.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần dự báo được xu hướng cung/cầu thế giới và xu hướng cung/cầu trên thị trường nội địa để có các đối sách phù hợp, tránh tình trạng tìm mọi cách ký hợp đồng xuất khẩu trong khi không dự đoán được xu hướng giá tương lai dẫn đến khi chốt hợp đồng thì bị ép giá như hiện nay.
Các thông tin nêu trên, bao gồm cả các phân tích chuyên sâu và dự báo được cung cấp chi tiết, đầy đủ, và cập nhật trong báo cáo Ngành hàng Cà phê phát hành định kỳ của AGROINFO. Đây sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp trong quá trình ra lập kế hoạch và ra quyết định.