Cảnh báo hành vi lừa đảo trong giao dịch thương mại

10/08/2010

AGROINFO - Tin từ Bộ Công Thương ngày 9.8 cho biết, gần đây một số Cty của VN có hạn ngạch nhập khẩu (NK) đường đã liên hệ trực tiếp với một số doanh nghiệp (DN) tại Thái Lan, ký hợp đồng NK đường. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Thương vụ VN tại Thái Lan đã phát hiện bộ hồ sơ giả và kịp thời phối hợp điều tra với các cơ quan hữu quan của phía Thái Lan, có công văn trả lời cảnh báo DN ngăn chặn tổn thất đáng tiếc xảy ra.

 
Các doanh nghiệp cần cảnh giác khi giao dịch nhập khẩu đường với đối tác nước ngoài (ảnh minh hoạ - nguồn Internet)

Thương vụ VN tại Thái Lan cho biết, Thái Lan là một trong những nước sản xuất và XK đường trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều năm trước, một số Cty của VN đã NK đường từ các DN của Thái Lan. Quốc gia này có chính sách quản lý XK đường công khai. Hằng năm, khoảng tháng 10 - tháng 11, Bộ Thương mại Thái Lan công bố kế hoạch và số lượng đường XK cho cả năm sau. Giấy phép (quota) XK đường được cấp cho các nhà máy sản xuất và một số DN XK đường.

Năm 2010, sản lượng đường năm 2009-2010 của Thái Lan là 6,92 triệu tấn. Hạn ngạch dành cho XK ấn định là 0,8 triệu tấn/năm, và mức hạn ngạch của năm 2010 đã XK hết. Hạn ngạch C - là hạn ngạch dành cho các nhà sản xuất mía đường XK trực tiếp. Năm 2010, số lượng đường dành cho các nhà máy này là 3,92 triệu tấn.

Theo Giám đốc Văn phòng mía đường Thái Lan, ông Prang xit - do nhu cầu đường năm 2010 ở mức cao nên khối lượng còn lại trong hạn ngạch có thể XK không nhiều. Văn phòng mía đường có bố trí các cán bộ làm việc tại cảng, những điểm XK đường để thống kê và kiểm tra việc XK đường phù hợp với hạn ngạch được giao.

Theo đó, Thương vụ VN tại Thái Lan cảnh báo tới các DN trong nước có nhu cầu NK đường tại Thái Lan không giao dịch mua đường với DN không có giấy phép XK đường tại Thái Lan; cần cảnh giác trong việc giao dịch tìm đối tác XK đường qua mạng; DN có nhu cầu NK đường từ Thái Lan nên trao đổi, phối hợp với Thương vụ VN tại Thái Lan để hỗ trợ tìm nhà XK và cập nhật chính sách về XK đường của Thái Lan.

Thương vụ VN tại Indonesia cũng đã nhiều lần cảnh báo các DN trong nước nên thận trọng khi thực hiện các giao dịch thương mại với các DN Indonesia. Tuy nhiên, vẫn có một số DN VN ký hợp đồng mua hàng với các DN địa phương Indonesia thông qua giao dịch trên mạng Internet và thông tin liên lạc bằng điện thoại di động. Sau khi bên mua chuyển tiền trước qua ngân hàng (khoảng 40%-50% giá trị lô hàng NK), bên bán không giao hàng và cắt liên lạc. Việc giải quyết khiếu nại đòi lại tiền hết sức khó khăn. Một số trường hợp không đòi lại được vì khi thương vụ giúp đi điều tra thực tế thì người giao dịch đã trốn, văn phòng không có thực hoặc đã chuyển.

Thủ đoạn lừa đảo của một số đối tượng khi chào bán hàng khá tinh vi, chủ yếu đánh vào tâm lý người mua hàng để gây lòng tin, khai thác tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong giao dịch, thanh toán.

Hiện tại, Thương vụ và Đại sứ quán VN tại Indonesia tiếp tục nhận được thư của một số DN VN đề nghị giúp giải quyết đòi lại tiền mua hàng. Indonesia là một quốc đảo rộng lớn, việc điều tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, đòi lại tiền là công việc hoàn toàn không đơn giản...


Phạm Khánh (Theo Báo Lao Động)

Tin khác