Lâm Đồng: Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác đào tạo nghề khu vực nông thôn

10/08/2010

AGROINFO - Lâm Đồng là một trong những địa phương được Trung ương đánh giá là đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo. Trong đó, lĩnh vực đào tạo nghề cho người nghèo ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được coi là khâu then chốt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 
Lớp may thêu thường được lao động trẻ lựa chọn theo học

Có chính sách hợp lý để hỗ trợ học nghề

Theo ông Lê Quang Hân- Trưởng Phòng nghề, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng:  thời gian đầu, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dạy nghề cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ. Trong đó, một số khó khăn lớn phải kể đến như kinh phí dành cho công tác này còn thấp; hệ thống cơ sở dạy nghề và đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề tại các địa bàn nghèo không có hoặc không đủ sức để tổ chức các lớp nghề... Đặc biệt, tâm lý chung của nông dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn e ngại về việc đi học, hầu hết người dân phụ thuộc thời gian mùa vụ nên khó tập trung để đi học....

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp vớingành đoàn thể có liên quan đã tiến hành điều tra, thăm dò nhu cầu học nghề của người dân, qua đó tham mưu giúp UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương nghèo (thuộc Chương trình 30a) đi học nghề. Tỉnh cũng quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho bà con sau khi học nghề; hiện đã có một bộ phận lao động sau khi học nghề về đã vận dụng kiến thức tiếp thu được để phát triển kinh tế gia đình, một bộ phận khác tham gia đề án xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm tại các thành phố lớn trong cả nước.

Dạy những nghề mà người dân và địa phương có nhu cầu

Đánh giá về công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 30a của Chính phủ, ông Ngô Hữu Hay- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tuy tiềm lực không nhiều như các địa phương khác, lại có những khó khăn khá đặc thù, nhưng Lâm Đồng đã nỗ lực cho công tác này, đặc biệt là đã có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhận thức của người dân về học nghề và áp dụng kiến thức học được để phát triển kinh tế gia đình đã có sự thay đổi tích cực, từ đó đã góp phần rất lớn đem lại thành công cho địa phương.

Ông Ngô Hữu Hay cho biết thêm, trên cơ sở Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Kế hoạch triển khai và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho nông thôn Lâm Đồng, đến nay 11/12 huyện, thành phố trong tỉnh (trừ Tp Đà Lạt) đã triển khai Quyết định 1956 và Kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo đào tạo nghề nông thôn cấp mình để giúp UBND cùng cấp lãnh chỉ đạo công tác này một cách hiệu quả, sát với yêu cầu. Theo đó, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 120 lớp dạy nghề cho gần 3.500 lao động nông thôn, người nghèo và ở các xã nghèo (trong đó có 1.600 người là đồng bào dân tộc thiểu số).

Tuy nhiên, điểm nổi bật của Lâm Đồng là không chỉ tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề cho khu vực nông thôn và các đối tượng có liên quan mà địa phương đã tính đến đầu ra cho người học nên chủ động tổ chức khảo sát nhu cầu của người học lẫn yêu cầu của thị trường. Vì vậy, các lớp được mở thường theo các lĩnh vực mà người lao động quan tâm (chủ yếu là du lịch) hoặc theo định hướng nghề tại các huyện, xã nghèo (các lớp về may thêu, đan, kỹ thuật chăm bón cà phê...)... và đã thu hút đông đảo người học. Cụ thể, trong tổng số 120 lớp được mở, Lâm Đồng đã tổ chức 66 lớp về các nghề liên quan đến lĩnh vực hoạt động du lịch, thu hút gần 2.000 lao động nông thôn tham gia; 23 lớp nghề tại 4 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a có nhu cầu lao động là Lạc Dương, Đam Rông, Đạ Tẻ, Bảo Lộc, thu hút hơn 760 người học; 31 lớp cho các xã nghèo thuộc huyện Lâm Hà, Đạ Huoai, Đam Rông, thu hút gần 800 học viên tham gia.

Theo ông Ngô Hữu Hay, tổng kinh phí cho các lớp học này là hơn 1 tỷ 234 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 1.121 người tự học nghề từ nguồn kinh phí địa phương (1.706 triệu đồng); 578 người học nghề để làm việc tại Dự án bauxit- nhôm Bảo Lâm (996 triệu đồng); hỗ trợ 02 doanh nghiệp đào tạo nghề cho 172 lao động (96 triệu đồng).

Khẳng định tính đúng đắn của Quyết định 1956

Trên cơ sở những kết quả bước đầu về đào tạo nghề cho khu vực nông thôn nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, ông Trương Ngọc Lý- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Chính Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã tạo bước đột phá cho Lâm Đồng về công tác này. Bởi thực tế đã qua, tại Lâm Đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tích cực tham gia của xã hội, nhất là các doanh nghiệp và người dân đã cho thấy dạy nghề cho nông thôn nói chung và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang là một chủ trương đúng và trúng với yêu cầu thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân.

Theo phân tích của ông Trương Ngọc Lý, công tác này ngay từ đầu triển khai đã thể hiện được quyết tâm chính trị rất cao của địa phương. Trong suốt quá trình thực hiện, từng cơ sở dạy nghề, từng địa bàn đã nâng cao tính chủ động và nỗ lực của mình. Đối với mỗi người học, nhận thức về học nghề và vận dụng kiến thức học được vào đời sống đã tích cực hơn.... Những kết quả trên là cơ sở để chúng ta tin rằng: Quyết định 1956 thực sự đi vào đời sống của người dân tỉnh Lâm Đồng, là nền tảng cơ sở để địa phương hướng đến một nền sản xuất mới với nguồn nhân lực lao động có cơ cấu hợp lý và từng bước được nâng cao hơn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chuyển dịch kinh tế cho khu vực nông thôn và cả tỉnh trong những năm sắp tới.


Phạm Khánh (Theo Báo ĐCSVN)

Tin khác