|
DN đưa hàng về nông thôn, ngoài lợi nhận còn là trách nhiệm với cộng đồng (Ảnh minh họa - Nguồn Internet) |
Khó trụ vững
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong quá trình triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, lúc đầu chỉ có 13 doanh nghiệp tham gia, con số này dần tăng lên và hiện đã có 35 doanh nghiệp hình thành bộ máy chuyên trách, đầu tư nghiêm túc cho thị trường nông thôn.
Tuy nhiên, trên thực tế những công ty được xem là thành công trong việc khai thác thị trường nông thôn chỉ có 10-15 đơn vị, điển hình là Unilever, P&G, PepsiCo Việt Nam, CocaCo Việt Nam, Tân Hiệp Phát, Nestle, Dutch Lady, Vinamilk, Vina Acecook, Kinh Đô, Mỹ Hảo, dược Hậu Giang... Không chỉ chiếm thị phần lớn, các công ty này còn đưa hàng hóa bao phủ vùng sâu, vùng xa của cả nước. Song doanh số thu được từ khu vực nông thôn cũng chỉ chiếm 20-25% tổng doanh thu của các công ty này.
Theo BSA, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà và xem nhẹ vai trò của thị trường nông thôn là do thị trường này phân tán, địa bàn rộng lớn, chi phí xây dựng và duy trì mạng lưới phân phối cao, trong khi sức mua thấp, dẫn tới chậm thu hồi vốn và lãi ít. Ngoài ra, còn có khó khăn từ tâm lý khi một số doanh nghiệp cho rằng, việc đưa hàng về khu vực nông thôn sẽ làm thương hiệu của họ giảm giá trị. Do vậy, cũng dễ hiểu khi hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung sức lực cho xuất khẩu.
Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó trụ vững và thờ ơ với thị trường nông thôn là khả năng vận chuyển và phân phối còn nhiều hạn chế. Tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại Cà Mau và Bạc Liêu mới đây, người dân đổ xô đi mua sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan về dùng do sản phẩm này thích hợp với những vùng bị nhiễm phèn. Bà con mua nhiều đến nỗi cháy hàng, song nhà cung cấp đành phải cáo lỗi vì vận chuyển được một xe hàng về đây mất rất nhiều thời gian.
Ông Bùi Đức Huệ, Tổng giám đốc Công ty Sao Việt cho biết: “Vấn đề các doanh nghiệp còn hạn chế khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn là họ vẫn tách bạch giữa việc marketing với bán hàng, nghĩa là lấy nhân viên kinh doanh để đi bán hàng thuần túy chứ chưa lập được đội ngũ marketing phù hợp với địa bàn nông thôn”.
Bà Vũ Kim HạnhB, Chủ tịch BSA nhận định, người tiêu dùng nông thôn luôn có nhu cầu dùng hàng Việt, sẵn sàng ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt với điều kiện hàng phải đảm bảo chất lượng, có mức giá chấp nhận được và dễ mua. Về phía doanh nghiệp, họ cũng có nhu cầu bán hàng, có khả năng đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, thực tế tiếp cận và chinh phục thị trường nông thôn không hề đơn giản vì bài toán chi phí và tính chuyên nghiệp. Việc xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có chuyên môn để đo dung lượng, tiềm năng thị trường để từ đó có chiến lược và giải pháp tiếp cận hiệu quả. Sau xây dựng, vấn đề quản lý và hỗ trợ hệ thống phân phối lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, chỉ cần lơ là là mất thị phần về tay đối thủ, phải làm lại từ đầu.
Bà Trương Thị Xuân Lộc, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn: “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn mới được thực hiện, nhiều doanh nghiệp cứ đem hàng đến bán hết rồi lại về chứ không có phương án dài hơi, chưa xây dựng được hệ thống phân phối chân rết ở thị trường nông thôn để phục vụ người tiêu dùng một cách liên tục. Chúng tôi tự hỏi, sau năm 2010 liệu chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có còn tiếp tục triển khai?”.
DN cần tiếp sức
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trăn trở: “Nếu chúng ta không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chỉ dừng lại ở mức phong trào. Vì vậy, Nhà nước và các ban ngành liên quan cần tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước để họ tiếp tục đưa hàng nhiều hơn về nông thôn. Đó cũng là cách để góp phần nâng cao mức sống của người dân khu vực này”.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty Giày Việt, do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, khả năng thanh toán không cao nên họ không phải là đối tượng khách hàng hấp dẫn doanh nghiệp. Để doanh nghiệp mặn mà hơn với thị trường nông thôn, bà Hạnh đề nghị: “Điều cần làm hiện nay là phải nâng cao đời sống người dân nông thôn, tăng khả năng và mức tiêu dùng của họ thì doanh nghiệp mới bán được nhiều hàng. Về lâu dài, Nhà nước cần có những thay đổi căn cơ về hệ thống hạ tầng cho nông thôn, hỗ trợ nhiều hơn và dài hơi để doanh nghiệp thay đổi cách đối xử với thị trường này, từ kiểu “ăn xổi“ sang lâu dài, ổn định”.