“Cẩm nang” thoát đói nghèo của đồng bào vùng cao Lào Cai

10/08/2010

AGROINFO - Trước khi đưa chúng tôi lên các xã vùng cao, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai - Ma Quang Trung giới thiệu: Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều hộ đồng bào DTTS đang khao khát làm giàu...

Chợ trâu Cán Cấu - tỉnh Lào Cai được đánh giá là chợ gia súc lớn nhất vùng Tây Bắc (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

Khát vọng


“Con U-oát” chở chúng tôi ngược đường rừng núi chênh vênh lên huyện Mường Khương.
Đến thăm gia đình ông Giàng Bình, dân tộc Mông ở thôn Na Lốc, quả thật, tiếng đồn ông Bình là người trồng cây ăn quả có duyên nhất vùng không sai. Tận mắt chứng kiến trang trại 10ha trồng vải, nhãn, xoài, mận, mơ xanh tốt, tôi hỏi: “Làm thế nào mà ông lại “ôm” được cả rừng cây ăn quả rộng lớn này?” - “Tôi khát… làm giàu - ông Bình nói - khi mới bắt tay vào làm, tôi tính toán đến nát óc mới dám quyết.


Trung tâm Khuyến nông, Hội ND giúp đỡ khâu kỹ thuật, chính quyền giúp vay vốn...”. Cái cơ nghiệp của gia đình ông được bà con trong bản lấy làm gương: Hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ vườn cây ăn quả, ông xây “tổ ấm” sang cỡ nhất nhì trong xã.

Ông Ma Quang Trung: Xa rồi quá khứ nhọc nhằn từng hằn sâu trong ký ức mỗi người dân. Ngồi quanh mâm cơm bên góc nhà sàn, bà con không còn sợ cái đói, cái khát tháng Ba ngày Tám những năm nào. Họ đang khao khát làm giàu.


Rời nhà ông Bình, chúng tôi xuyên rừng, cắt đồi về xã Bản Lầu, thăm trang trại VACR của gia đình ông Hoàng Huy Hùng, dân tộc Dáy. Ông Hùng bộc bạch: “Tôi có máu… “ăn thua”, hễ thấy nghề gì “xơi” được là làm tới liền”. Ông kể, hồi đầu khát vốn, phải đi “gõ cửa” NHNo&PTNT, vay mượn bạn bè, bà con.


Có tiền, tôi đập ngay vào canh tác 14ha rừng. Trong lúc chờ rừng lên xanh, tôi trồng lúa, màu; chăn nuôi lợn, bò, gà, ngan; đào ao, đắp đập thả cá, lấy nước tưới tiêu… Rừng cho thu hoạch, tôi tiếp tục đầu tư trồng mới, phát triển chăn nuôi, mở dịch vụ xay xát thóc, ngô, sắn”. Hỏi về thu nhập, ông tiết lộ: “Về lâu về dài có thể được hàng trăm triệu đồng, chứ nay mới chỉ hơn 50 triệu đồng/năm”.


Chúng tôi tới trang trại của gia đình ông Lò A Quáng, dân tộc Dáy (xã Bản Lầu) khi ông đang xoay trần bên cái máy xay xát ngoài lán trại.
Ông kể, hồi mới nhận 10ha đất đồi rừng, gia đình ông lo không đủ sức cày, nhà lại neo người, vốn không có. Nhận rồi thì phải xốc lên mà cày. Ông trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi “lấy ngắn nuôi dài”. Ông cũng không quên dành những vuông đất ít ỏi để cấy lúa. Bây giờ, công việc như cái máy, cứ thế mà guồng... Để rồi đất, cây không phụ công người, thu nhập chừng 70 triệu đồng/năm.


Luồng gió mới


Ông Ma Quang Trung chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ nhiều rồi, đã đến lúc Lào Cai phải tự tìm cho mình một “cẩm nang” chữa cho bà con hết đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Theo đó, nông - lâm - công - thương mại dịch vụ là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Mô hình canh tác trên đất dốc bước đầu đã có hàng trăm hộ tham gia; mô hình trang trại 2.038 hộ; mô hình SXKD giỏi trên 14.000 hộ; mô hình trình diễn khuyến nông 69.097 hộ. Dự án phát triển vùng cao được thực hiện tại 2.749 hộ ở 42 thôn, bản thuộc 4 huyện (Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương)...


Kỹ sư Lê Duy Hàn- cán bộ Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á- Thái Bình Dương (IAP) cho biết, tỉnh có 2.038 trang trại, trong đó cho kết quả khá có 652 mô hình VRAC (32%), 454 mô hình VR (22,28%), 406 mô hình VC (19,9%)… Tổng vốn đầu tư của trang trại là 23.083 triệu đồng; trong đó vốn tự có 15.077 triệu đồng (65%), vay tín dụng 3.483,5 triệu đồng (15,1%), vay các chương trình dự án 3.470 triệu đồng (15%)...


Theo ông Trung, khó khăn lớn nhất của vùng sâu, vùng xa, vùng cao là trình độ dân trí thấp. Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề: Năng lực quản lý yếu kém, chậm tiếp thu KHKT, dẫn đến tình trạng thiếu tích luỹ vốn, vốn đầu tư cho sản xuất, cơ sở hạ tầng; tài nguyên, môi trường suy thoái, cạn kiệt dịch bệnh ngày càng gia tăng... Giải quyết vấn đề này là phải “thổi” một luồng gió mới để dân hiểu, dần dần có tư duy mới, cách làm mới...


Phạm Khánh (Theo báo Dân Việt)

Tin khác