Thái Bình: Chuột đồng hoành hành, nông dân điêu đứng

04/08/2010

AGROINFO - Chuột đồng hoành hành, phá lúa, đang đe doạ nghiêm trọng đến sản lượng thu hoạch vụ hè thu sắp tới khiến khó khăn càng chồng chất khó khăn cho người nông dân Thái Bình.

Chuột tung sức hoành hành

Trên khắp các cánh đồng tại các xã của huyện Đông Hưng (Thái Bình), đâu đâu cũng thấy một màu trắng của vải bạt nhựa chăng vây xung quanh ruộng, ngăn không cho chuột đồng vào phá lúa. Có mặt trên cánh đồng của xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, anh Đoàn Xuân Dược phân trần: “Đây là khu chuột phá đêm qua vì nhà tôi chưa kịp chăng áo mưa. Cứ qua đêm là một phần ruộng đã không còn. Thu nhập của nông dân chẳng đáng là bao, bây giờ mỗi sào lại phải mất 50.000 đồng tiền áo mưa và 30.000 đồng tiền tre, luồng để dựng cọc. Cực lắm nhưng chúng tôi vẫn phải bám lấy đồng ruộng”. Bác Đặng Ngạch (thôn 4 xã Hồng Giang) cho biết: “Nhà tôi có 6 sào thì cả 6 đều phải căng áo mưa chắn chuột. Ra đồng bây giờ chỉ toàn thấy người già còn thanh niên nản quá, bỏ làm ruộng hết cả vì lãi chẳng được là bao”.

 
                                  Nhiều cánh đồng lúa tại Thái Bình đang bị chuột cắn phá

Các xã Hồng Giang, Minh Tân, Bạch Đằng, Hoa Lư, Hồng Việt… của huyện Đông Hưng đều đang bị chuột phá nặng nề. Tốc độ lây lan của vùng bị ảnh hưởng ngày càng lan rộng khi số chuột sinh sản ngày một nhiều.

Thời điểm hoạt động của chuột là ban đêm nên thiệt hại vì thế ngày càng tăng. Anh Nguyễn Tiến Chính (xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng) - cho biết: “Vụ trước sản lượng của gia đình tôi đã giảm gần 50% vì sâu hại, ốc bươu và chuột đồng. Nhìn chung tính tất cả chi phí bỏ vào đồng ruộng hết 3 phần thì nông dân chỉ được 1 phần”. Không chỉ ở huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà kế bên cũng đang có chuột hoành hành. Đi dọc các cánh đồng của thị trấn Lý Nhân cũng toàn một màu trắng của áo mưa để chặn chuột đồng xâm hại, phá lúa.

Diệt chuột bằng mọi cách

Ông Lã Quý Thắng - Phó Phòng NN&PTNT huyện Đông Hưng – cho biết: “Chuột đang là dịch đáng lo ngại nhất của người nông dân hiện nay và diễn biến hết sức phức tạp. Những vùng bị chuột phá, sản lượng thường giảm từ 30-40%. Nhìn bà con dùng áo mưa để chắn chuột mà chúng tôi thấy đau lòng”. Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn đến việc chuột ngày càng sinh sôi nảy nở là do môi trường bị mất cân bằng, các con vật kỵ chuột như rắn, mèo ngày càng giảm”.

Điều đáng lo ngại là hiện tại, lúa đang vào thời điểm đứng cái làm đòng, đang độ phát triển. Nếu bị chuột cắn là cây lúa sẽ chết, không còn khả năng mọc lại. Trước hiện tượng chuột đang hoành hành, ngoài biện pháp dùng áo mưa che chắn, nông dân còn dùng các biện pháp khác như vẩy luyn, nước nhớt ra đồng, dùng chó để săn, đặt bẫy, phun thuốc diệt chuột… Tuy nhiên, phương pháp dùng vải bạt nhựa để chắn chuột chỉ là tạm thời và cũng chưa thực sự hiệu quả. Qua đêm, nhiều “hàng rào nhựa” đều bị đổ rạp vì gió to và do chuột phá.

Để diệt chuột hiệu quả, theo ông Lã Quyết Thắng - Phó Phòng NN&PTNT huyện Đông Hưng, cần làm quyết liệt, phối hợp phun thuốc và dùng các phương pháp thủ công bắt chuột, khuyến khích các hợp tác xã hình thành các tổ đội diệt chuột, thuê “vua chuột” về tập huấn cách diệt chuột.


Phạm Khánh (Theo Báo Lao Động)

Tin khác