AGROINFO - Sau một thời gian “hạ nhiệt” do các bộ, ngành chức năng vào cuộc siết lại giá sữa, mới đây, các hãng sữa ngoại lại bắt đầu có thông báo về đợt tăng giá mới.
|
Thời gian qua giá các loại sữa trên thị trường có xu hướng tăng mạnh (Ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Nhiều “lý” để tăng giá
Theo thông báo của Công ty Danone Việt Nam, từ ngày 19/7, mức giá bán lẻ trên thị trường tăng đến 10% trên 17 loại sản phẩm. Cụ thể: sữa Dumex Mama Gold step 0 loại hộp 800 gam tăng từ 212.000 đồng lên 233.000 đồng/hộp; sữa Dugro Gold 2 hộp 800 gam tăng từ 298.000 đồng lên 328.000 đồng/hộp; Công ty TNHH Nam Dương, nhà phân phối sản phẩm sữa XO (Hàn Quốc) cũng đã quyết định từ ngày 1/8, sẽ áp dụng giá bán mới cho 14 sản phẩm sữa, với mức tăng từ 2,5-5%. Không chỉ có sữa bột tăng giá, sữa nước cũng được điều chỉnh tăng. Sữa nước Cô gái Hà Lan của Công ty FrieslandCampina Việt Nam trước đây giá nhập vào chỉ là 204.000 đồng/thùng 48 hộp (180ml/hộp) thì từ ngày 15/7 đã tăng lên 216.000 đồng/thùng…
Theo báo cáo kết quả kiểm tra thị trường sữa những tháng đầu năm 2010 của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), các hãng sữa (cả nhập khẩu và sản xuất trong nước) đều tăng giá 5-15%. Nhiều ý kiến cho rằng, chính tâm lý tiêu dùng của người Việt đã gián tiếp đẩy giá sữa lên cao. Với tâm lý lựa chọn “sản phẩm đắt nhất là tốt nhất”, người tiêu dùng Việt đã tạo điều kiện cho các đại lý, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu lợi dụng để tăng giá, tăng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, lý do tăng giá đợt này mà các nhà sản xuất, cung ứng đưa ra vẫn do tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu tăng nên bắt buộc phải tăng giá thành phẩm. Tuy nhiên, những lý do này khó thuyết phục người tiêu dùng. Bởi, nhiều tháng nay, giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem trên thị trường châu Âu và Australia luôn ổn định ở mức 3.400-3.600 USD/ tấn, thậm chí mức giá này còn giảm so với tháng 5/2010 từ 100-300 USD/tấn. Bên cạnh đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng không có biến động mạnh, mà chỉ xê dịch khoảng 2,2%. Ngoài ra, hiện nay, sau khi các cơ quan quản lý ráo riết với việc kiểm soát, kiểm tra giá cả, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường có vẻ thông thoáng hơn, nên các doanh nghiệp lại tìm cách tăng giá sữa trước khi có quy định mới.
Lại câu chuyện Quản giá sữa
Bộ Công Thương dự báo, năm 2010, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 750 triệu USD sữa và sản phẩm sữa, tăng 45,4% so với năm 2009 (tương ứng với mức tăng 234 triệu USD). Nhu cầu sữa và sản phẩm sữa tại thị trường Việt Nam hàng năm cao hơn so với sức tăng về sản lượng sữa sản xuất trong nước. Sản lượng sữa bò nguyên liệu hiện nay chỉ đảm bảo được khoảng 28% tổng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sữa. Bởi vậy, các doanh nghiệp sữa trong nước vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu.
Theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp ngành sữa lợi dụng mọi kẽ hở để tìm kiếm lợi nhuận, nên khi các cơ quan quản lý nhà nước vừa buông là các doanh nghiệp lại tìm lý do tăng giá. Để quản lý giá, phải liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát các yếu tố hình thành giá. Nếu không, quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị xâm phạm. Đồng thời, cần sớm ban hành Thông tư 104/2008/TT-BTC sửa đổi các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá. Theo đó, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài, khi sản xuất kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá do Chính phủ quy định đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá. Các hành vi tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt với mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi lại phần chênh lệch mà doanh nghiệp thu được từ việc tăng giá bất hợp lý.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiểm soát được chi chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp sữa. Chi phí quảng cáo các mặt hàng sữa hiện nay rất lớn. Các bộ, ngành hoàn toàn có thể thống kê được số liệu về chi phí quảng cáo bình quân của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra quy định về mức quảng cáo hợp lý trong cùng một ngành hàng. Bên cạnh đó cần có những cuộc điều tra, nghiên cứu cụ thể.
Hiện nay, trong khi giá sữa tăng mạnh thì giá thu mua sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước lại tăng rất chậm. Các công ty sản xuất sữa trong nước đang đặt giá thu mua sữa tươi trung bình 6.600 - 7.440 đồng/kg. Trong khi đó, giá nguyên liệu cho sản xuất thức ăn cho bò sữa tăng dẫn đến giá thành sản xuất một kilôgam sữa tươi nguyên liệu khoảng 6.500-7.500 đồng, khiến người chăn nuôi gặp khó.
Phạm Khánh (Theo Báo Công Thương)