AGROINFO - Sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của nước ta đều tăng, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi ra sân chơi toàn cầu
|
Nông sản VN khi vươn ra thị trường thế giới còn yếu sức cạnh tranh (Ảnh minh họa - Nguồn Internet) |
Không chỉ tay cuốc tay cày
Nhìn vườn thanh long chín đỏ, ông Nguyễn Văn Trung ở xã Bông Trang (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) phấn khởi khoe: “Mấy vụ thanh long gần đây, nhờ áp dụng biện pháp chong đèn xử lý cho cây ra hoa trái vụ, năng suất vườn thanh long nhà tôi tăng đáng kể, từ 10-12 tấn/ha lên hơn 20 tấn/ha”. Không chỉ tăng năng suất, chất lượng, giá bán thanh long nghịch vụ cũng cao gấp 3-4 lần. “Làm nông nghiệp thời nay, nếu không đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì coi như thua”, ông Trung nói.
Lâu nay, người nông dân chỉ quen cầm cuốc, cầm cày, song để thích ứng với cơ chế thị trường, họ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không những thế, họ còn phải tự tìm cách tiếp cận thị trường. Chuyện lão nông Đào Văn Hiếu, nguyên Chủ nhiệm HTX Nhân Tâm cùng nhiều nông dân khác khăn gói đi gõ cửa các siêu thị như Co.op Mart, Metro để đưa trái cây của nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) đến chào hàng và ký hợp đồng tiêu thụ khiến không ít người ngạc nhiên. Nhưng đây cũng là điều tất yếu. Bởi khi hội nhập, nông dân không những phải sản xuất giỏi mà còn phải biết tìm ra phương cách làm ăn mới, hiệu quả cao hơn, biến khó khăn, thử thách thành cơ hội.
Ông Hiếu tâm sự: “Nông sản muốn bán được giá cao, ổn định thì phải hướng tới những thị trường lớn và xuất khẩu. Vì vậy, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu”.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, gia nhập WTO giúp nông dân chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, chú trọng hơn tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vùng chuyên canh cũng bắt đầu được hình thành, nhiều nông dân còn dự đoán trước được những biến động về giá cả thị trường do được tiếp cận internet.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, 80% nông dân trong tỉnh đã được tiếp cận các bản tin khoa học công nghệ, được tư vấn kỹ thuật nuôi trồng. Qua đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình năng suất xanh (huyện Đất Đỏ); phát triển đàn dê lai Bách Thảo; sản xuất rau an toàn tại HTX Phước Hải (huyện Tân Thành)... Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang triển khai các dự án phát triển sản xuất nông - lâm gắn với chế biến và tiêu thụ.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do chúng ta chưa sản xuất tập trung, chưa mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, chưa kết nối được giữa sản xuất và tiêu thụ... Đến nay, 90% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ ở dạng thô, 60% sản phẩm bị ép bán với giá thấp. Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến đời sống của nông dân ngày càng khó khăn. So với trước đây, chi phí đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi đã tăng hơn 40%.
Nhìn đàn gà chuẩn bị xuất chuồng, ông Nguyễn Văn Trường ở xã Suối Rao (huyện Châu Đức) cho biết: “Giá gà công nghiệp hiện nay là 23.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành. Trong khi đó, giá gà công nghiệp nhập khẩu hiện chỉ 20.000 đồng/kg, khiến việc tiêu thụ càng khó khăn”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) than thở: “Năm nay trái cây vừa mất mùa vừa rớt giá do ngày càng có nhiều loại trái cây nhập từ Trung Quốc, Thái Lan với số lượng lớn, giá rẻ, dẫn tới hàng nội bị lép vế”.
Theo ông Trịnh Văn Tiến, cán bộ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, vấn đề mấu chốt hiện nay là nông sản trong nước bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Trong khi nông sản ở các nước luôn được bảo quản tốt, các ngành chức năng luôn can thiệp kịp thời để chặn đà giảm giá thì chúng ta chưa làm được điều này.
Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp nhằm hỗ trợ nông dân như thu mua tạm trữ, nhưng chính sách này chưa mấy hiệu quả. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần định hướng cho nông dân sản xuất theo quy hoạch, tập trung nâng cao chất lượng, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Có như vậy, nông dân mới không bị thiệt thòi trong “sân chơi” lớn.
Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)