Sống vội, sống mòn

23/07/2010

AGROINFO - Những tưởng những thanh niên nông thôn xa thành phố, xa nơi đô hội mới gặp những khó khăn, bế tắc nhưng thực thế không phải vậy. Ngay ven thủ đô hoa lệ, suy nghĩ của những “rường cột nước nhà” cũng quá nhiều điều phải quan tâm.

 
               Biết mình đã khó, cần gì biết ai

Sự ổn định đáng buồn 

Quán nước bà Thủy nằm trong KCN An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), là nơi tập trung của những thanh niên sau khi tan ca làm việc. Ngồi ở nơi này gần như có thể nghe hết những câu chuyện của những chàng trai cô gái khoác lên mình chiếc áo công nhân. Họ ra đây vừa để nghỉ ngơi, vừa để tìm cho mình một chỗ có thể trải lòng trước khi về nhà.

Tiền thân của KCN An Khánh là ruộng đồng của hàng trăm hộ nông dân các xã An Khánh, Lại Yên… Khi các nhà máy đổ bộ về cũng là lúc hàng ngàn lao động buộc phải từ bỏ ruộng đồng. Họ đi đâu? Người thì bỏ làng đi làm ăn xa, người bỏ ruộng kiếm cho mình một nghề để lót thân. Còn phần lớn đều muốn xin vào làm công nhân như lời hứa của các chủ dự án trước khi thu hồi đất. Với họ đó là phương án khả thi vì có việc làm ổn định và ít nhất cũng có một chỗ để đi về.  

Gia đình của chàng trai trẻ Nguyễn Đình Tuấn (28 tuổi, xã Lại Yên) cũng nằm trong danh sách chuyển đổi đất nông nghiệp thành công nghiệp. Trước đây Tuấn cũng làm ruộng, nhưng khi KCN tràn về, ruộng mất nên anh thất nghiệp. Loay hoay mãi Tuấn cùng đám bạn cùng trang lứa mang lời hứa của các chủ dự án gõ cửa tất cả các DN trên địa bàn kiếm việc. Cuối cùng thì xin được vào làm ở nhà máy sản xuất ống nhựa của một DN đến từ Hàn Quốc. Lương tháng 1,5 triệu đồng, nếu so với mức sinh hoạt hiện tại khó đủ để trang trải, nhưng không còn cách nào khá hơn. Nếu chia đều mỗi ngày Tuấn có 50 ngàn. Số tiền mà cậu bảo là chỉ đủ đánh vài con đề cầu may.

Gần 5 năm làm cho Cty là chừng ấy thời gian Tuấn lầm lũi đi về mòn mỏi. Đến tháng nhận lương là thời điểm vui nhất thì đồng tiền cũng chẳng ở trong túi được bao lâu. Ra khỏi cổng Cty thì bà bán trà đá cũng đòi, bà cửa hàng ăn sáng cũng đòi. Lại còn những khoản nợ chi tiêu vặt vãnh, trả xong là vừa hết. Thành thử, dù mang tiếng có con đi làm Cty này Cty nọ nhưng bố mẹ Tuấn nào đã biết đồng lương ông con trai nhận được mặt mũi ra sao. Không những thế, cứ dăm bữa nửa tháng thử hỏi tiền lại thấy con xòe tay… "Thế có việc gì cần đến số tiền lớn thì làm sao?"- tôi hổi.  "Cái đó anh đừng hỏi bọn tôi, cỡ chúng tôi thì mơ gì làm được việc lớn. Kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày đã cật lực rồi thì hơi sức đâu mà nghĩ ngợi nữa. Đi khắp cái xã này tôi đố anh tìm được một thằng mà cưới vợ, mua xe không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, vay mượn ngân hàng…"- Tuấn khẳng định.

Có một điều lạ là hầu hết những thanh niên tôi gặp ở Hoài Đức khi được hỏi rằng có quan tâm đến chính trị xã hội như việc ông này làm Chủ tịch, ông kia làm Bí thư ở xã mình không thì họ đều lắc đầu. “Ai làm cũng thế. Mình cũng chỉ là lao động phổ thông. Biết được mình đã khó, cần gì biết ai”.

Mấy hôm nay rảnh vì Cty chưa mở đợt sản xuất mới, Tuấn càng có cớ để la cà quán xá. Cậu đang nhờ bạn bè dò xem có Cty nào khá hơn không để "bùng". “Chán lắm anh à. Không chỉ em mà phần lớn anh em đều chỉ làm cho có nghề, có việc thế thôi chứ thu nhập chẳng bằng mấy tay lái xe ôm”.  

Thế chẳng lẽ cứ chấp nhận cảnh này mãi à? Câu hỏi của tôi đưa ra Tuấn không thể trả lời. Cậu gọi thêm bạn bè cùng trang lứa đến để xem tương lai chúng định tính thế nào, nhưng tất cả đều nhìn nhau bất lực. Họ bảo rằng, từ dạo đất nông nghiệp chuyển thành các khu đô thị đến bây giờ, anh em đều thành... ruồi cả. Cứ thấy Cty nào lương cao hơn một chút là bay vào làm, còn sau đó thế nào cũng chẳng cần biết. “Mình tính cũng có được đâu, việc ít người đông, mình cần Cty nhưng họ không cần mình. Thất nghiệp đầy ra đấy, mình không làm thì đói thôi. Khi thu hồi đất làm KCN họ bảo rằng sẽ tạo điều kiện cho lao động phương, nhưng cuối cùng đều tuyển như nhau cả. Anh nào không đáp ứng được thì biến. Có được chỗ làm cho nó yên tâm cái đã, còn thu nhập thì đâu chả thế”. Việc làm thì có nhưng tiền thì không, ngày ngày Tuấn cùng đám bạn rủ nhau lấy bài bạc, đánh đề giết thời gian. “Bây giờ làm ở các KCN ổn định đấy, nhưng là sự ổn định chết mòn. Lương đều đặn tuy nhiên chẳng đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân chứ đừng nói đến gia đình”. 

Ráo mồ hôi là hết tiền 

Phải chăng thanh niên nông thôn ở những vùng bị dự án thu hồi đất đều rơi vào hoàn cảnh của Tuấn cả? Không. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết có những vùng quê họ có đủ điều kiện để đổi đời thật. Nhưng rốt cục đều giống nhau về hoàn cảnh đáng buồn.

Chúng tôi tiếp tục tìm về xã An Khánh, Trung tâm của KCN vào loại bậc nhất ở Hoài Đức. Bí thư Đoàn xã- anh Bùi Quang Ất tỏ ra chán nản: “KCN tràn về cũng mở ra một số cơ hội cho anh em thanh niên, nhưng mặt trái cũng không ít”.

Xã An Khánh có 5 thôn thì 100% đất nông nghiệp đều bị thu hồi. Điều đó cũng có nghĩa là phần lớn thanh niên lớn lên đều không thể tiếp bước cha ông bám ruộng. Nhưng trong khi ở những nơi khác thanh niên đổ xô đi kiếm việc thời kỳ hậu mất đất thì những thanh niên tôi gặp ở An Khánh lại tỏ ra thản nhiên. Họ vô tâm? Có thể, nhưng cái chính như lời một thanh niên tên Nguyễn Danh Ngọc ở An Thọ thì “không cần việc họ vẫn có tiền”.  

Thấy lạ, tối đó tôi vào mấy điểm ở An Thọ, thanh niên vẫn thường tụ tập. Xe máy đời mới rú ga ầm ầm, thuốc lá phì phèo khói mù mịt. Một thanh niên tên Thanh, chủ thầu xây dựng ở An Khánh, giải thích đó là biểu hiện của những thanh niên nhà nhiều đất nhiều ruộng vừa mới được đền bù. Có mặt ở vùng quê này từ hồi các dự án KCN mới đổ về, Thanh chứng kiến những sự chuyển mình của vùng đất mà hắn gọi là “đang trở về máng lợn”. Những nhà nông bỗng dưng có tiền thay đổi hẳn. Tất nhiên con cái họ thay vì đến các trường dạy nghề như những vùng quê chuyển đổi thành KCN khác thì ngày ngày cưỡi xe máy đi chơi. Họ tụ tập nhau thành từng nhóm và chỉ mỗi việc là bàn cách…tiêu tiền.  

Mặt trái mà Ất nhìn thấy từ ngày KCN tràn về là số thanh niên dính vào các tệ nạn xã hội tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân, anh bảo rằng chủ yếu là do nhận thức của thanh niên nông thôn chưa bắt kịp với sự phát triển của xã hội.

Thế tương lai họ sẽ làm gì? Tôi mang câu hỏi đó vào những quán cà phê ở An Khánh tìm trả lời ở những thanh niên bây giờ đã mang mác "đại gia". “Ôi dào. Học nghề gì? Học để rồi như mấy ông chôn đời trong các nhà máy độc hại ấy à? Thanh niên vùng này không học cao được thì đi làm công nhân. Mình thì làm công nhân không được rồi, học cao cũng chịu. Thôi thì sướng được ngày nào cứ sướng đã. Chừng nào bố mẹ còn tiền thì chừng đó mình chưa phải đi làm. Còn sau đó thế nào thì cũng chẳng cần tính vì chắc là khả năng ấy còn lâu lắm”. Chẳng lẽ không có điều gì khiến lớp thanh niên này quan tâm? “Có. Chúng tôi chỉ quan tâm là tiền đền bù lúc nào hết thôi. Còn mấy chuyện vớ vẩn thì quan tâm làm gì”.

Tôi trở lại nhà bí thư Ất, định bụng hỏi thêm về tương lai của phần lớn thanh niên ở An Khánh. Nhưng khi nghe câu giải thích kiểu “vùng quê nào chả thế, quá trình phát triển đều có 2 mặt cả”, nên thôi.  Nhưng nghe Ất cố khoe rằng ở An Khánh bây giờ lao động phổ thông vẫn kiếm khá nhất. Họ không chấp nhận an phận ở các KCN mà đi làm thuê ở bên ngoài. Nếu chịu khó ngày cũng kiếm được tiền trăm. Theo lời Ất, tôi đi tìm lớp thanh niên này với hi vọng họ có một ước mơ nào đó. Nhưng họ chỉ bảo rằng “bọn em ráo mồ hôi là hết tiền thì mơ gì hả anh”.


Phạm Khanh (Theo Báo Nông Nghiệp - Còn nữa)

Tin khác