Nhập đường để bình ổn thị trường

21/07/2010

AGROINFO - Giá đường trong nước những ngày vừa qua "nhảy múa" liên tục do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường đường thế giới. Trong khi đường trong kho vẫn tồn hơn 170.000 tấn thì mới đây, Bộ NNPTNT lại đề nghị Chính phủ nhập bổ sung thêm 150.000 tấn. Trước sự lo ngại về thời điểm nhập đường liệu có hợp lý, cơ quan này vẫn khẳng định như đinh đóng cột việc nhập đường là rất cần thiết trong thời điểm này.

 
Giá đường trong nước sẽ được bình ổn trong thời gian tới ?

Hết tắng, đến giảm

Hai tháng trở lại đây, thị trường đường thế giới biến động khá thất thường. Nếu như chỉ cách đây một tuần, giá đường thế giới đã tăng ở mức đỉnh điểm với 610,8USD/tấn (đường kính trắng London) thì hôm 19.7, con số này đã hạ nhiệt xuống còn hơn 530USD/tấn. Trước đó vào đầu tháng 6, mức giá mới chỉ dừng ở 500USD/tấn thì sau 1 tháng đã chênh lệch hơn 110USD.

Nhận định về điều này, Tổng Thư ký HH Mía đường - ông Hà Hữu Phái cho biết: “Không chỉ VN mà với thế giới, năm nay là một năm mất mùa đối với mía đường. Nguồn cung giảm đáng kể trong khi nhu cầu tăng mạnh khiến không ít DN đầu cơ, chưa kể đây là thời điểm giáp vụ nên DN càng khan đường. Điều này càng có cớ khiến thị trường đường thay đổi liên tục”.

Chính điều này là lý do khiến thị trường đường VN “nhảy múa” theo. Cụ thể tại Hà Nội, hiện giá đường kính trắng (giá bán buôn) đã đội giá từ 15.600 - 17.500đ/kg, TPHCM tăng từ 15.400 - 17.600đ/kg. Cũng theo HH Mía đường, đến 19.7 lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường là 172.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 31.600 tấn. Đường tồn kho nhiều, song việc đề xuất nhập bổ sung 150.000 tấn đường vào VN (ngoài lượng đường 200.000 tấn nhập theo hạn ngạch) khiến không ít người nghi ngờ việc DN “găm” hàng chờ tung ra vào cuối năm.

Về điều này, ông Phái tính toán: “Niên vụ mía vừa qua do thời tiết thất thường nên năng suất đường chỉ đạt 900.000 tấn. Trong khi đó mỗi năm nước ta phải tiêu thụ từ 1,2 - 1,4 triệu tấn đường thì mới đảm bảo đủ nhu cầu. Việc nhập thêm 150.000 tấn đường bổ sung ngoài quota là hoàn toàn hợp lý, nhằm bình ổn thị trường và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ”. Theo kế hoạch, trong số 150.000 tấn sẽ có khoảng 100.000 tấn sẽ được phân bổ ngay cho DN (75.000 tấn đường thành phẩm và 25.000 tấn đường tinh luyện), 50.000 tấn dự phòng.

Nhập để bình ổn thị trường ?

Lượng đường tồn kho năm nay cao hơn năm ngoái, song điều này không hề khiến quan chức ngành mía đường lo ngại về khả năng tiêu thụ. Đúng kiểu “xuân, thu, nhị, kỳ”, thời điểm từ tháng 8 đến cuối năm là mùa cao điểm tiêu thụ đường nhằm phục vụ thực phẩm bánh kẹo cho tết trung thu, lễ, Tết Nguyên đán...

Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối Đoàn Xuân Hoà khẳng định: “Lượng đường tồn kho tuy cao hơn năm ngoái, song thực chất đều đã có chủ. Với các DN lớn, hầu hết đều đã ký hợp đồng định kỳ cho các đầu ra béo bở như Kinh Đô, CocaCola... nên việc găm hàng của DN là không hề có”. Thực chất, DN dù muốn “găm” hàng để đầu cơ tung ra cuối năm cũng là điều khó thực hiện vì hầu hết các nhà máy đường đều cần vốn để quay vòng và chi trả nhân công, thu mua nguyên liệu...

Về việc nhập đường bổ sung, ông Hà Hữu Phái nhấn mạnh thêm: “Riêng 100.000 tấn thì cần phải bổ sung ngay và càng sớm chủ động, càng tốt để sớm bình ổn thị trường. Vẫn phải cần một lượng đường nhất định để điều tiết thị trường bởi khi cung lệch cầu thì sớm muộn gì giá cả cũng biến động khó lường”.

Tuy nhiên, ông Phái cũng cảnh báo không nên nhập quá ồ ạt một thời điểm, bởi điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tiêu thụ. Theo nhận định, nhu cầu tiêu thụ đường từ tháng 8 trở đi sẽ tăng cao và nếu nhập khẩu 150.00 tấn bổ sung như kế hoạch, nguồn cung sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Giá đường trong nước theo đó sẽ tiếp tục có khả năng duy trì ở mức cao như hiện tại và khó có thể đội lên thêm. HH Mía đường cũng kỳ vọng vào một niên vụ “tươi sáng” hơn cho cây mía vào tháng 9 tới.

 


Phạm Khánh (Theo Báo Lao Động)

Tin khác