Đưa KH - CN vào phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi: Đã hiệu quả song khó nhân rộng

20/07/2010

AGROINFO -Sau năm 6 năm triển khai chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2004 – 2010, kinh tế nhiều địa phương đã thay đổi, đạt được thành tựu nhất định trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, các sản phẩm nông nghiệp được đa dạng hóa, các lợi thế từng vùng đã được phát huy, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn như: khó nhân rộng mô hình, thiếu vốn để phát triển, thiếu cơ chế, kinh phí đầu tư cho khoa học còn quá ít.

Đầu tư quá ít

Để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi trong 6 năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính triển khai 288 dự án tại 60 tỉnh thành với tổng kinh phí là 743.917 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương là 293.325 triệu đồng chiếm 39,7% và huy động từ dân, doanh nghiệp, ngân sách địa phương là 448.592 triệu đồng, chiếm 60,3%. Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề về: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có tại địa phương; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như cây ăn quả có múi đặc sản, hoa quả; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; sản xuất giống và nuôi thuỷ sản...

Thế nhưng, theo khẳng định của các lãnh đạo địa phương, các mô hình khoa học - công nghệ dù đã được truyển khai tốt nhưng để nhân rộng ra rất khó. Ông Huỳnh Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu dù có nhiều ưu đãi như thiên nhiên, đất, khả năng canh tác để phát triển khoa học - công nghệ nhưng vấn đề quan trọng là cơ chế: nhà nước hỗ trợ vốn, nhà khoa học đến với nông dân như thế nào? “Bạc Liêu thành công với dự án xây dựng mô hình sản xuất Chitin công nghiệp từ phế liệu vỏ tôm; nuôi tôm sinh thái nhưng muốn với xa đến nhân rộng mô hình thì rất khó”.

Tại nhiều vùng nông thôn miền núi, người dân vẫn đang phải canh tác và sản xuât nông nghiệp theo phương thức cổ truyền (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Vướng mắc từ cơ chế, chính sách

Đánh giá về việc triển khai quá trình thực hiện Chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển kinh tế xã hội, Ông Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN&MT, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thừa nhận rằng: hầu hết các mô hình được triển khai ở quy mô chưa lớn, số lượng mô hình được thực hiện trên một tỉnh, thành phố còn ít, cơ chế khuyến khích nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc chưa được các địa phương thực sự quan tâm, do vậy ảnh hưởng lan tỏa của các mô hình trên diện rộng còn khiêm tốn. Quá trình chuyển giao các dự án liên quan đến xây dựng cơ bản do địa phương chưa chủ động và chậm trong các thủ tục như cân đối phần lớn kinh phí đối ứng, giao đất, giải phóng mặt bằng... dẫn đến triển khai chậm.

Hiện nay kinh phí hỗ trợ cho xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN không được chuyển trực tiếp đến cơ quan khoa học, mà phải đi một con đường vòng từ Bộ Tài chính về Sở Tài chính, qua sở KH-CN&MT để đến cơ quan chuyển giao công nghệ. Khi nguồn tiền đến được mô hình thường bị quá thời vụ sản xuất. Các đơn vị thực hiện chuyển giao công nghệ cũng không có kinh phí dự phòng dẫn đến khó khăn khi có sự cố. Ông Nguyễn Định, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) đưa ra dẫn chứng cụ thể khi Trung tâm phải hỗ trợ người nông dân từ giống, đến chi phí vận chuyển, tiêu thụ loại nấm ăn. Nhiều địa phương muốn nhân rộng mô hình trồng nấm nhưng bị vướng mắc ở cơ chế, chính sách.

Trao đổi về khả năng nhân rộng các mô hình ứng dụng, nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ gì cho nông dân, Thứ trưởng Bộ KH-CN&MT, ông Nguyễn Quân cho rằng: Người nông dân có sự đam mê với khoa học. Bộ sẽ có những cách riêng để huy động nguồn kinh phí phát triển mô hình trên diện rộng. Chẳng hạn như yêu cầu doanh nghiệp thực hiện Luật Doanh nghiệp, tức là trích 10% lợi nhuận trước thuế. Đối với những doanh nghiệp miền núi thì việc đầu tư này cần phải huy động triệt để


Phạm Khánh (Theo Báo Đại Đoàn Kết)

Tin khác