Để hạn chế rủi ro: Nông dân nên đưa nông sản lên sàn giao dịch

16/07/2010

AGROINFO - Khi “cơn lốc” vỡ nợ của các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản có liên quan đến kinh doanh ký gửi càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều người điêu đứng mới làm người trồng càphê bừng tỉnh. Phương thức giao dịch truyền thống, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro đã dẫn đến hậu quả này

Đã đến lúc bà con phải thay đổi tư duy: lên sàn để cùng tham gia sân chơi an toàn, sòng phẳng, phương thức mà thế giới đã thực hiện hàng chục năm nay.

Bà Nguyễn Thị Hòe ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, một trong những nạn nhân bị vỡ nợ càphê, chua xót nói: “Hai bên giao dịch chủ yếu dựa trên sự tin tưởng, không có gì bảo đảm ngoài một tờ biên nhận ký tên của chủ đại lý. Mặc dù cũng có doanh nghiệp Nhà nước như Công ty Càphê Phước An nhưng do đã quen với đại lý nhiều năm, hơn nữa phương thức thanh toán của đại lý bao giờ cũng thoáng hơn nên tôi cũng như nhiều người trồng càphê ở đây đều chọn các đại lý để ký gửi càphê. Khi tình trạng vỡ nợ xảy ra, lực lượng chức năng vào cuộc điều tra làm rõ mới biết mình bị lừa”. Điều này cho thấy cung cách làm ăn, mua bán quá lỏng lẻo, thiếu sự quản lý của Nhà nước đã dẫn đến hệ quả đau lòng này.

Theo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chủ trì, đầu năm 2010 có 24 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ, hoặc có dấu hiệu xù nợ, trong đó đã xác định được 14 doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi càphê hoặc vay tiền của nông dân còn nợ trên 1.800 tấn càphê (trị giá gần 50 tỷ đồng) cùng 37 tỷ đồng tiền mặt. Nguyên nhân xuất phát từ kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì” của doanh nghiệp, sự cả tin của người dân cũng như sự buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp. Chính điều này tạo nên “kẽ hở” để cho các doanh nghiệp, đại lý, cơ sở thu mua càphê, nông sản lợi dụng. Trong khi đó, một sàn giao dịch càphê được đầu tư xây dựng ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột và đã đi vào hoạt động mấy năm nay nhưng người dân vẫn còn khá thờ ơ với nó.

 
Cà phê là trong những mặt hàng nông sản cần đưa lên sàn giao dịch (ảnh minh họa - nguồn Internet)

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Trung tâm Giao dịch càphê Buôn Ma Thuột (BCEC) cho biết: “Kể từ khi BCEC ra đời cho đến nay, để thu hút thành viên, Trung tâm đã có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp hơn với thực tế: hạ thấp lượng càphê ký gửi để làm thành viên từ 5 tấn xuống còn 1 tấn; từ 1 tấn trở lên là có thể thực hiện một phiên giao dịch; giản lược các thủ tục hành chính không cần thiết. Tuy nhiên, số lượng thành viên được thu hút cũng không đáng kể, hiện mới dừng ở con số khiêm tốn... hơn 20 thành viên”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khó thay đổi tập quán giao dịch của nông dân. Họ đã quen với “cơ chế thoáng” ở thị trường tự do thông qua hệ thống thu mua, nên khi tiếp cận phương thức mới giao dịch qua sàn với các yêu cầu, điều kiện (đăng ký trở thành thành viên, phải có hàng trong kho, ký quỹ, đặt lệnh) nên còn e ngại, dè dặt. Hơn nữa, BCEC lại là sân chơi quá mới nên người trồng càphê vẫn chưa thực sự am hiểu. Vấn đề đặt ra hiện nay của Trung tâm là, ngoài việc cải thiện, thay đổi phương thức hoạt động làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút sự tham gia của nông dân, việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ đến người dân và toàn xã hội cần được quan tâm đúng mức.

Vùng sản xuất càphê của tỉnh Đắk Lắk khá rộng, tập trung ở các huyện, nên để tạo thuận lợi cho nông dân, BCEC đang có kế hoạch phát triển thêm hệ thống kho hàng vệ tinh ở các huyện; tổ chức đội xe chuyên chở, nông dân muốn bán hàng chỉ cần gọi điện thông báo là có xe đến chở, kèm nhân viên kiểm định chất lượng kiểm định tại chỗ; có chính sách mua càphê chất lượng cao, cho vay vốn đối với thành viên... Đồng thời BCEC cũng đã và đang thường xuyên tổ chức các hội thảo, mở lớp tập huấn cho người sản xuất - kinh doanh càphê trên địa bàn với kỳ vọng thay đổi tư duy mua bán, giao dịch càphê theo lối truyền thống vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro để người trồng càphê sớm chuyển sang sàn giao dịch an toàn, hiện đại hơn.

Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác