T.P Thái Nguyên: Khó khăn trong phát triển chăn nuôi

16/07/2010

AGROINFO - Trong những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có những phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, do dịch bệnh xảy ra thường xuyên cùng với biến động của thị trường, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao… nên ngành chăn nuôi của địa phương này gặp không ít khó khăn…

Nhằm đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt 31,35% năm 2010, UBND T.P đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc, lai tạo đàn bò theo hướng chăn nuôi bò thịt; hỗ trợ đầu tư xây dựng mới trang trại tập trung chăn nuôi lợn ngoại và gia cầm nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiệu quả, an toàn dịch bệnh và phát triển bền vững. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 7,06%/năm; chất lượng con giống tiếp tục được cải thiện mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô, từ 15 trang trại chăn nuôi năm 2005 tăng lên 59 trang trại năm 2010. Trong đó có 18 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô từ 100 đến 2.000 con; 38 trang trại chăn nuôi gia cầm, quy mô từ 2.000 đến 16.000 con. Tính đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm có khoảng 780 nghìn con, tăng 126 nghìn con so với năm 2005, trong đó lợn tăng 12.000 con; gia cầm trên 154.000 con; riêng đàn trâu, bò giảm 1 nghìn con.

Trang trại của gia đình chị Vũ Thị Hường, T.P Thái Nguyên với quy mô 50 lợn nái sinh sản, trên 400 lợn thương phẩm

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động, song việc phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phát triển các mô hình trang trại vẫn còn khá nhiều hạn chế. Bởi, hiện nay hầu hết các hộ dân chăn nuôi theo hướng tự phát, phân tán, quy mô chăn nuôi nhỏ, hiệu quả và hệ số quay vòng chăn nuôi thấp. Do việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn nhiều khó khăn, do vậy các trang trại hiện nay chủ yếu ở gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, khi có hiệu quả kinh tế thì nhiều thành phần kinh tế tập trung đầu tư vào chăn nuôi dẫn đến dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu. Cùng với đó, con giống chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức nên phần nhiều được người dân chọn là những giống gia súc, gia cầm có năng suất thấp, ngoại trừ một số trang trại tập trung… Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh, cúm gia cầm xảy ra cùng với biến động của thị trường kéo theo giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm chăn nuôi trên thị trường lại lên xuống thất thường khiến cho ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn.


Tìm hiểu về những khó khăn trong chăn nuôi, chúng tôi đến trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Vũ Thị Hường, ở xóm Tung, xã Tích Lương (T.P Thái Nguyên). Chị Hường cho biết: “Ngoài 50 con lợn nái sinh sản, trong chuồng của gia đình tôi luôn nuôi dao động khoảng 400 đến 450 con lợn thương phẩm. Chăn nuôi lợn, nhất là chăn nuôi theo hình thức trang trại lớn như gia đình tôi, có thời điểm gặp rất nhiều khó khăn. Lắm lúc lo “thắt tim” khi lợn chuẩn bị xuất chuồng thì giá lợn hơi trên thị trường lại đột ngột xuống thấp. Nhiều lần phải chịu hòa vốn, thậm chí là thua lỗ khi giá cả xuống quá thấp, do đó gia đình tôi không dám phát triển thêm số lượng lợn nái cũng như lợn thương phẩm.”. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thời gian qua diễn biến khá phức tạp như dịch bệnh tai xanh ở lợn, cúm gia cầm… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Khi có dịch bệnh xảy ra, các gia đình có gia súc, gia cầm chết thường ngừng hoạt động chăn nuôi do không có vốn để tiếp tục đầu tư mua con giống. Nếu tiếp tục chăn nuôi thì lượng gia súc, gia cầm cũng giảm đi nhiều. Hoặc có những hộ thường xuyên chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên vẫn gặp cảnh “dở khóc, dở cười” khi lợn, gà lăn ra chết hoặc phải mang đi tiêu huỷ. Ông Nguyễn Văn Liễn, xóm Nhị Hòa (Đồng Bẩm) vẫn chưa hết “xót” khi nói với chúng tôi: “Mặc dù số lượng gà của gia đình tôi bị chết và bị tiêu huỷ vì bị cúm A/H5N1 không nhiều so với những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, chỉ 146 con, nhưng với người nông dân như chúng tôi thì đó là cả một số tiền lớn”…


Không chỉ vậy, việc cắt điện luân phiên cũng khiến cho nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn rơi vào tình cảnh khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Thảo, ở xóm Đức Hòa (Thịnh Đức) - hiện đang nhận nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam thì: nuôi theo hình thức công nghiệp, lợn chịu nóng kém, việc cắt điện luân phiên đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống làm mát, cung cấp nước uống cho lợn. Với quy mô nuôi 2.000 con/lứa, do đó mỗi ngày mất điện Công ty phải bỏ ra 400 đến 500 nghìn đồng mua dầu chạy máy phát điện. Vì chỉ ngưng các hệ thống trong nửa ngày là lợn không chịu được nóng sẽ sinh bệnh và có thể chết hàng loạt.


Bên cạnh đó, tổng đàn trâu, bò cũng giảm do hiện nay diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhiều địa phương đang thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên nhu cầu sức kéo giảm; chăn nuôi trâu, bò chủ yếu vẫn mang tính quảng canh, tận dụng đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên… Bởi vậy, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại chưa thực sự phát triển.


Khi nói về giải pháp, định hướng để ngành chăn nuôi của thành phố phát triển theo hướng bền vững, đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Kinh tế (T.P Thái Nguyên) cho biết: Thành phố cũng như ngành chức năng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án về chăn nuôi; chủ động nguồn con giống tốt, an toàn dịch bệnh; tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao khả năng sinh sản của đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là chú trọng đến số lượng và quy mô chăn nuôi lợn siêu nạc và gia cầm; khuyến khích phát triển chăn nuôi ở những vùng ngoại thành còn nhiều quỹ đất để dần xóa bỏ chăn nuôi trong vùng nội thành; di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư… Cùng với đó, thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn và xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Một vấn đề rất quan trọng nữa là phát triển chăn nuôi phải gắn với thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững…


Phạm Khánh (Theo Báo Thái Nguyên)

Tin khác