AGROINFO -Nam bộ đang trong mùa thu hoạch rộ rất nhiều loại trái cây. Tuy nhiên, các chủ vườn không mấy vui mừng vì giá trái cây sụt giảm liên tục. Cả ở miền Tây cũng như miền Đông Nam bộ, nhiều vườn cây trĩu quả mà không thu được là bao. Có những loại cây như chôm chôm, bơ… nhiều nhà vườn không muốn hái, để mặc cho rụng xuống đất.
Giá măng cụt tại miền Tây Nam bộ thời kỳ đầu vụ được mua tại vườn với giá từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, vậy mà nay xuống chỉ còn 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Tại tỉnh Tiền Giang hồi đầu vụ giá sầu riêng cơm vàng hạt lép là 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20.000 đồng/kg; sầu riêng khổ qua xanh từ 9.000 đồng đến 12.000 đồng/kg nay sụt xuống còn 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Những vườn chôm chôm đỏ rực từ miền Tây đến miền Đông, có lúc giá lên từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg vậy mà hiện nay chỉ còn bán được với giá từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg. Dù giá đã giảm khá mạnh nhưng nhiều nhà vườn còn lo ngại chôm chôm sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Ông Phạm Văn Lịch, ở thị xã Long Khánh, nơi được mệnh danh là đất của chôm chôm của tỉnh Đồng Nai cho biết: Giá chôm chôm xuống quá thấp khiến nhiều nhà vườn không còn muốn hái để bán nữa. Chôm chôm của gia đình ông chỉ biết để rụng đầy gốc hoặc đem cho. Nhiều hộ ở Long Khánh tính chặt bớt chôm chôm đi để trồng loại cây khác. |
Trái cây Nam Bộ với điệp khúc được mùa mất giá (Ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Với giá cả như trên thì nhà vườn hầu như không lãi hoặc lãi rất ít, coi như chỉ lấy công làm lãi. Thế nhưng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lại cho rằng giá trái cây của Việt Nam vẫn cao so với một số nước trong khu vực. Ví dụ, giá măng cụt ở Thái Lan chỉ khoảng từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Trái cây Trung Quốc cũng đang cạnh tranh giá khốc liệt với Việt Nam và hầu như loại nào cũng rẻ hơn của ta. Chính vì lẽ đó trái cây nhập ngoại đang áp đảo trái cây trong nước. Không chỉ ở các cửa khẩu phía Bắc, các cửa khẩu ở miền Nam, miền Trung cũng đang tràn ngập hoa quả của Thái Lan và các nước trong khu vực. Anh Nguyễn Văn Nam, một lái xe vận tải Bắc - Nam cho biết, mấy năm nay anh cùng nhiều chủ xe chuyển hẳn sang chạy hoa quả từ các cửa khẩu miền Trung về cho các chợ đầu mối hoa quả. Hoa quả được cho là mua từ Thái Lan về, với đa dạng chủng loại: Dưa hấu, cam, quýt, nhãn…giá rẻ hơn trong nước rất nhiều.Các nhà chuyên môn cho rằng: Nguyên nhân khiến giá trái cây Việt Nam không thể cạnh tranh được với một số nước trong khu vực là do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo dạng kinh tế hộ, chưa đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã dẫn đến chất lượng không đồng đều, cùng với đó là giá thành sản xuất lại khá cao nên đã dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Từ lâu nay, các nhà vườn Việt Nam chưa chú trọng đến mẫu mã, qui cách đóng gói sản phẩm cho trái cây. Việc tiếp thị, quảng bá cho trái cây cũng không được chú trọng, nên hầu như các sản phẩm trái cây của Việt Nam chưa được nhiều nơi biết đến.
Lễ hội trái cây vừa được tổ chức tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cách đây không lâu. Tại Lễ hội, có rất nhiều hội thảo tập trung vào việc thúc đẩy quảng bá thương hiệu cho trái cây Việt Nam. Không những thế các nhà khoa học, các nhà vườn còn đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng trái cây trong nước. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp của các tham luận vẫn nằm trên giấy. Người nông dân vẫn đang đối mặt với một vụ trái cây rớt giá nữa mà loay hoay không biết đâu là đường đi cho mình, bởi bấy lâu nay, người nông dân cứ thấy cây trồng nào trên thị trường đang có giá thì lập tức chuyển sang trồng cây đó, đưa đến tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dư thừa làm giảm chất lượng không tiêu thụ được. Không lẽ, bao nhiêu năm rồi mà các ngành chức năng vẫn để cho nhà nông quẩn quanh mãi với chuyện trồng cây rồi lại chặt cây, cứ như vậy để rồi mãi không tìm được cây nào là cây giúp mình xóa đói giảm nghèo? Chúng ta không thiếu những thương hiệu trái cây ngon nổi tiếng. Đó là bưởi năm roi; Tân Triều; da xanh, sầu riêng cơm vàng hạt lép, bơ sáp Đăk lăk, quýt Hậu Giang… nhưng đầu ra cùng với bảo đảm chất lượng cho trái cây vẫn là gánh nặng đè lên vai người nông dân và chính họ phải trăn trở tìm lối thoát.
Có thể khẳng định, thị trường tiêu thụ trái cây hiện nay là rất rộng lớn và nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vuờn cây ăn trái. Đồng thời, trái cây Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế. Chỉ tính riêng diện tích trồng cây ăn trái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực diện tích lớn nhất cả nước đã có khoảng trên 262 nghìn ha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 3 triệu tấn, chiếm 35,1% về diện tích và 46,1% về sản lượng. Trong đó, Vĩnh Long là tỉnh có diện tích đất cây ăn trái khá lớn với hơn 38.000 ha, hàng năm cung ứng cho thị trường trên 300.000 tấn trái cây các loại. Tiếp đó là các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp…Đã đến lúc chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Theo đó cần tăng cường đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực trái cây, chú trọng các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng như Global GAP, VietGAP. Theo một chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp thì ở nước ngoài các hiệp hội trái cây thường theo dõi mùa vụ rất sát sao và có biện pháp kịp thời. Tại Pháp, nếu theo dõi đầu vụ táo quá trúng mùa, hiệp hội có đề nghị nông dân hủy bỏ 20-30% trái để cân đối thị trường và chất lượng trái tốt, tránh tình trạng rớt giá nặng nề, thiệt hại cho nông dân. Ngoài ra, việc chế biến như táo khô, ép nước, đóng hộp... cũng là cách tránh giảm giá gây thiệt hại cho nông dân. Rõ ràng khâu bảo quản sau thu hoạch cũng là vấn đề cấp thiết bởi ở nước ta có rất nhiều loại trái cây thu hoạch ồ ạt theo thời vụ, diễn ra trong thời gian ngắn, ví dụ như: vải, nhãn, dứa…Bao năm qua chúng ta đều đã chứng kiến cảnh trái cây chất đống sau thu hoạch để rồi rớt giá không bán được đành phải bỏ đi. Tuy nhiên vẫn chưa có doanh nghiệp và địa phương nào quan tâm sâu sắc vấn đề này. Việc qui hoạch vườn theo hướng trồng cây chất lượng cao, sản phẩm sạch phục vụ xuất khẩu cũng là một cách tránh tình trạng rớt giá trái cây ào ạt khi vào mùa như hiện nay.
Để sớm giải quyết được các vấn đề trên, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho những nhà vườn có nhu cầu cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế; rất cần một sự đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến, xuất khẩu; củng cố khối liên kết bốn nhà mà bấy lâu nay vẫn còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy đi. Có như vậy mới hy vọng trái cây Việt Nam không thua trên sân nhà, tạo cơ hội tham gia thương trường khu vực và quốc tế.
Phạm Khánh (Theo Báo ĐT Đảng cộng sản Việt Nam)