Cùng với chính quyền địa phương, nhiều DN ở ĐBSCL đã và đang xúc tiến các kế hoạch thu mua lúa gạo. Nhờ đó, giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu bắt đầu tăng nhẹ trở lại sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa bán được lúa do sức tiêu thụ của thị trường còn chậm, giá vẫn còn thấp…
CHÍNH QUYỀN, DOANH NGHIỆP CÙNG VÀO CUỘC
UBND TP Cần Thơ vừa có Công văn số 3157/UBND-KT chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, các sở, ngành có liên quan và các địa phương chủ động phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam giám sát để bảo đảm việc thu mua lúa, gạo tạm trữ và việc hỗ trợ lãi suất trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 993/QĐ-TTg). Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã công bố giá mua lúa hàng hóa vụ hè thu năm 2010 trên địa bàn thành phố với mức 4.500-4.600 đồng/kg (mức giá này đã bao gồm thuế). Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ so với mặt bằng giá cả toàn vùng, giá lúa UBND TP Cần Thơ đưa ra tương đối cao. Bởi giá lúa này dựa vào tình hình sản xuất lúa của thành phố là những giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và lúa thơm. Giá bình quân của các loại lúa này trong những tháng qua luôn ở mức giá từ 4.800-5.200 đồng/kg. Với giá lúa qui định trên, đối với những vùng sản xuất lúa cấp thấp của thành phố như Thới Lai, Ô Môn khó có thể đạt được giá này, nhưng đối với vùng sản xuất lúa thơm như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thốt Nốt hiện giá lúa vẫn giữ ở mức trên 4.000 đồng/kg... |
Giá lúa, gạo ở ĐBSCL đã nhích lên khi chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo của Chính phủ được triển khai (Ảnh minh họa - Nguồn Internet) |
Các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng đã triển khai việc thu mua lúa tạm trữ theo tinh thần Quyết định số 993/QĐ-TTg. Hiện nay, nhiều DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã sẵn sàng với việc thu mua lúa tạm trữ. Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết: “Theo chỉ tiêu được giao, Công ty sẽ thu mua 20.000 tấn gạo quy lúa. Ngày 15 - 7 tới đây, việc thu mua sẽ được Công ty triển khai cho các đại lý và thông tin cho nông dân trong tỉnh được biết”. Cũng theo ông Quốc, hiện hệ thống kho chứa của công ty có sức chứa khoảng 30.000 tấn, cộng với số kho chứa của 4 DN xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang làm đại lý cho công ty thì việc tạm trữ không mấy khó khăn. Bên cạnh đó, công ty còn có hệ thống trên 30 đại lý chuyên thu mua sơ chế cung ứng gạo thô nên có thể đảm bảo thu mua từ đạt tới vượt chỉ tiêu tạm trữ được giao. Ông Quốc cho biết thêm: Vấn đề số lượng không quan trọng vì trong đợt mua tạm trữ ở vụ đông xuân, công ty đã thu mua vượt 3.000 tấn.
GIÁ LÚA GẠO TĂNG NHẸ, NHƯNG...
So với cách nay 3 ngày, giá nhiều loại lúa gạo đã tăng trở lại khoảng 100-200 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL, giá các loại lúa tròn và dài lỡ vụ hè thu 2010 phơi, sấy khô hiện ở mức 3.150-3.300 đồng/kg; lúa hạt dài vụ hè thu 2010: 3.400-3.500 đồng/kg và lúa dài cũ vụ đông xuân 2009-2010 khoảng 3.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại gạo lức nguyên liệu xuất khẩu đang phổ biến 4.300-4.700 đồng/kg. Tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp... giá lúa tươi bán tại ruộng đầu vụ hè thu 2010 ở mức 1.900-2.200 đồng/kg nay đã tăng lên mức 2.500 – 2.800 đồng/kg.
Theo nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo, dù lúa gạo có dấu hiệu tăng giá trở lại sau khi Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ lúa gạo và hỗ trợ 100% lãi suất cho DN mua lúa, gạo tạm trữ nhưng giá lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu còn thấp và bất ổn nên nhiều tiểu thương vẫn còn có tâm lý chờ đợi, chưa dám đẩy mạnh thu mua. Anh Trần Văn Bạch, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đến TP Cần Thơ bán gạo lức nguyên liệu cho một DN chế biến gạo xuất khẩu ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, nhận xét: “Hiện các tiểu thương kinh doanh lúa gạo như chúng tôi bán gạo dễ hơn lúc trước do đã có 90% DN chế biến gạo xuất khẩu mở cửa thu mua gạo nguyên liệu trở lại. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn kén chọn khi mua hàng và nhiều loại gạo tiểu thương đem đến bán bị chê ẩm đục, ngả màu... nên giá bán không tăng so với trước. Do vậy, hiện nay dù lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân nhiều nhưng chúng tôi phải thận trọng mua theo kiểu “chậm mà chắc”, chứ chưa dám đẩy mạnh thu mua ngay với số lượng lớn...”.
Hiện nay, nhiều nông dân còn lúa hàng hóa tồn đọng, đang có nhu cầu bán lúa nhưng chưa bán được do chưa có nhiều thương lái đến mua. Ông Nguyễn Văn Minh, ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ hè thu 2010 tôi làm 15 công lúa, năng suất lúa đạt 30 giạ/công. Nhưng thu hoạch lúa xong, giá lúa liên tục rớt, còn thương lái mỗi ngày càng vắng bóng. Vì vậy, tôi phải cho lúa vô bao, chất đống trong nhà gần một tháng qua. Khoảng 2-3 ngày nay, nghe nói giá lúa nhích trở lại, lúa IR50404 được 3.200 đồng/kg, lúa dài 3.500 đồng/kg. Phấn khởi, nhưng chờ hoài mà chưa thấy ghe của thương lái đến hỏi mua”...
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã thu hoạch được khoảng 100.000/200.000ha lúa hè thu nhưng việc tiêu thụ lúa cho nông dân hết sức khó khăn. Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Gạo xuất khẩu chưa được giá; lúa IR50404 phẩm chất thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Những khó khăn vừa nêu đã đẩy lượng lúa tồn đọng ở Đồng Tháp lên đến 500.000 tấn. Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân đã thu hoạch được gần 50% trong tổng số gần 80.000ha lúa hè thu nhưng không bán được. Đặc biệt, hiện đang vào thu hoạch rộ nên công cắt tăng cao từ 300-400 ngàn đồng/công lúa ngã (tương đương 10 giạ lúa ướt), chưa tính tiền gom, suốt, phơi, sấy... Vì vậy, nhiều nông dân Hậu Giang tính bán lúa hè thu cho vịt chạy đồng. Bởi Hậu Giang chỉ có 1 DN chuyên thu mua lúa gạo là Công ty Lương thực tỉnh nhưng năng lực có hạn và lượng lúa đông xuân đang còn tồn kho nhiều. Việc tiêu thụ lúa đang phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái, DN bên ngoài nhưng cả tháng nay rất ít thương lái hỏi mua lúa, nông dân thấp thỏm đứng ngồi không yên...
Không chỉ vậy, theo nhiều nông dân, giá lúa gạo đã tăng nhẹ trở lại nhưng với giá hiện nay, họ không có lời. Nhiều nông dân đang cố neo lúa lại để chờ giá tăng thêm dù họ đang gặp rất khó khăn về vốn. Bà Nguyễn Hồng Điều, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, làm 10 công lúa trong vụ hè thu 2010, đến nay lúa đã thu hoạch, phơi khô nhưng chưa bán được, phải vô bao, chất đống trong nhà hơn 1 tháng nay. Gia đình bà Hồ Thu Hồng, ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: Vụ đông xuân 2009-2010, 5 công lúa của gia đình bà đạt năng suất 40 giạ/công. Nhưng đến vụ hè thu này năng suất chỉ đạt 20 giạ/công. Do giá lúa thấp nên đến nay cả lúa của vụ đông xuân 2009-2010 và lúa hè thu 2010 bà đều chưa bán. Bà Hồ Thu Hồng bộc bạch: “Giá lúa phải ở mức từ 4.000-4.500 đồng/kg trở lên nhà nông mới khỏe. Chứ giá lúa hiện nay thấp lắm, làm lụng vất vả mà bán với giá hiện nay là coi như trắng tay, đặc biệt là lúa vụ hè thu 2010, vì vậy gia đình tôi cố neo lúa lại. Vụ hè thu 2010, chi phí sản xuất lúa tăng cao, năng suất lúa lại đạt thấp. Theo ước tính của gia đình tôi, chi phí cho sản xuất lúa vụ hè thu 2010 ít nhất cũng phải 1,5 triệu đồng/công. Nếu bán lúa với giá 3.500 đồng/kg mà năng suất lúa của tôi chỉ đạt 20 giạ (400kg)/công, tôi chỉ thu được 1,4 triệu đồng/công, tính ra cầm lỗ là cái chắc...”.
Theo ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, hiện nay, gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam chỉ được chào mua với giá 300USD tấn, còn gạo 5% cũng chỉ có 350USD/tấn, tức đã giảm từ 100-120USD/tấn so với trước. Dù giá đã giảm mạnh, nhưng cũng không dễ để có hợp đồng xuất khẩu nên có thể nói, từ nay đến cuối tháng 9, tình hình xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục gặp khó. |
Về phía DN, ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, chia sẻ: Theo dự kiến, giá mua tạm trữ lúa hè thu 2010 của Công ty Lương thực Sóc Trăng chỉ từ 3.500-3.800 đồng/kg (lúa khô, tại kho công ty). Với mức giá mua trên, không những không đảm bảo mức lãi 30% theo chủ trương của Chính phủ mà phần lớn nông dân sẽ bị lỗ vì giá thành sản xuất 1kg lúa trung bình ở vụ hè thu này trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã vào khoảng 3.500 đồng/kg... Cái khó hiện nay chính là giá thu mua còn thấp sẽ khó được nông dân chấp nhận, nhưng DN không có cách nào khác khi Chính phủ giao DN tự tính toán đưa ra giá thành và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.