Đất nông nghiệp trước nguy cơ bị nước ngoài thao túng

15/07/2010

AGROINFO - Ngân hàng Phát triển Châu Á đang cảnh báo khu vực đất nông nghiệp nông thôn của Châu Á có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài khai thác trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về an ninh lương thực và nhiên liệu toàn cầu.

Cả Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức về lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc đều nhận định rằng có nguy cơ nguồn tài nguyên đất nông nghiệp của khu vực sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài khai thác và điều này có thể khiến những người nông dân chịu thiệt thòi. Các quốc gia tìm kiếm các quỹ đất để đầu tư bao gồm Trung Quốc, các nước Trung Đông, và thậm chí cả Ấn Độ.

Số liệu chính thức cho thấy 60% số người nghèo và suy dinh dưỡng của thế giới tập trung ở Châu Á. ADB lo ngại rằng môi trường đầu tư hiện nay đang ở trong tình trạng không được kiểm soát. Ông Katsuji Matsunami, đại diện của ADB, cho rằng các thỏa thuận đầu tư được thông qua cần cân nhắc về nhu cầu sản xuất lương thực của Châu Á vốn đang ngày càng đông dân.

Ông cho biết: "Trong một thời gian dài trước đây, nông nghiệp được coi là một lĩnh vực không quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, có lẽ thế giới đã nhận ra rằng nông nghiệp cũng có thể là một hoạt động kinh doanh, một phần nguyên nhân là do mối lo về an ninh lương thực và sự bất ổn của thị trường. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư mới đang bắt đầu rót tiền vào nông nghiệp và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đang là yếu tố làm thay đổi khu vực nông thôn của Châu Á. Theo tôi, điều này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều nguy cơ dẫn đến những tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường và xã hội. Hiện tại không có một khuôn khổ rõ ràng nào, các hoạt động ở mỗi quốc gia được thực hiện theo một cách riêng nhưng các giao dịch nói chung thường thiếu minh bạch."

Tài nguyên đất của một số nước Châu Á có thể bị nước ngoài thao túng, khiến nông dân chịu thiệt thòi (Nguồn ảnh: istockphoto)

Các bản báo cáo cách đây hai năm cho biết, động cơ khiến các nước Ả Rập vốn giàu tài nguyên dầu mỏ đầu tư vào đất tại Campuchia và Philippines là do thiếu nước và lương thực ở Trung Đông. Gần đây lại có tin về các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc vào Myanma và Ấn Độ cũng là một nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng các kế hoạch đầu tư này nhằm mục đích lợi nhuận thương mại hơn là an ninh lương thực. Ông Sumiter Singh Broca thuộc Tổ chức FAO cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại hai quốc gia này đã dẫn đến nhu cầu đa dạng hóa lương thực. Ông nói: "Nếu sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn ở trong nước thì tại sao không đầu tư? Đó là một cơ hội kinh doanh, tôi không nghĩ đó là một hành động hướng đến an ninh lương thực."

Ông giải thích thêm: "Khi các nền kinh tế này phát triển, người dân giàu có hơn và họ bắt đầu có nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa có giá trị cao hơn.. Con người chịu áp lực thời gian lớn hơn. Họ cần những sản phẩm chế biến và đóng gói sẵn vì chi phí cơ hội về mặt thời gian tăng lên và dần dần ngành nông nghiệp phải chuyển đổi. Mô hình bán hàng truyền thống trong đó thực phẩm chưa chế biến như ngũ cốc, rau, hoa quả được bán cho những người nội trợ nay đang dần biến mất và đó là xu hướng tất yếu."


Tổ chức FAO cho rằng Châu Á có thể sản xuất đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhưng vấn đề chính là phân phốilương thực một cách hiệu quả. Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (IFAD) đang phối hợp hoạt động với những người nông dân và chủ trang trại nhỏ ở Châu Á để tăng năng suất. Ông Sana FK Jatta, đại diện của Tổ chức IFAD cho biết điều quan trọng là những người nông dân không bị thiệt thòi vì các hoạt động đầu tư nông nghiệp nước ngoài.

Ông cho biết: "Chúng tôi giúp những chủ đất nhỏ nâng cao năng suất và coi họ như những doanh nghiệp tư nhân có khả năng tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ coi họ là những chiếc 'phao' an toàn về lương thực. Và khi được khuyến khích và được phép chủ động tham gia vào thị trường, họ sẽ có khả năng sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho hàng tỉ người trong khu vực."

* Nguồn Food shortages puts rural Asia at risk of international exploitation


Theo Vietnamnet.vn

Tin khác