AGROINFO - Dịch tai xanh kéo dài một cách bất thường, giá thức ăn chăn nuôi từng ngày leo thang và việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm khiến nỗ lực khôi phục đàn gia súc của nông dân sau dịch càng thêm gian nan. Trước thực trạng này thấy ngành chăn nuôi chưa thể tới hồi thái lai trong thời gian gần.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: nhập khẩu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong năm 2010, Việt Nam trở thành nước thứ hai thế giới về nhập khẩu khô đậu tương, lượng nhập khẩu lên tới 2,7 triệu tấn, tăng 130.000 tấn so với năm 2009 và bằng 5% tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Điều này đã khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ đầu năm đến nay, thị trường thức ăn chăn nuôi đã ghi nhận tới 9 lần tăng giá.
Nghe thì có vẻ nghịch lý khi một nước thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu nông sản lại phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhưng đáng tiếc, điều đó đã tồn tại trong một thời gian khá dài mà ngành chức năng chưa có giải pháp khắc phục. Không chỉ có đậu tương, trong khi người nông dân trồng ngô vật vã trên hành trình tiêu thụ sản phẩm thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại nhập hàng trăm ngàn tấn ngô. Lý giải cho nghịch lý ấy, các doanh nghiệp cho rằng, là do nông sản của bà con làm ra chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn. Từ thực tế này, chỉ có thể lý giải rằng, Nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” trong việc điều tiết mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hay nói cách khác, mối liên hệ ấy chưa được ràng buộc bởi cơ chế pháp lý nên vẫn mạnh ai nấy làm.
Nhìn vào sự tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua thấy người chăn nuôi đang phải chịu khó khăn kép. Dịch heo tai xanh tràn qua nhiều địa phương đã khiến chuồng trại tan hoang, hàng trăm ngàn con lợn bị chết hoặc buộc phải tiêu hủy; nguồn giống khan hiếm đã gây khó khăn cho nỗ lực khôi phục đàn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2010, giá ngô tăng tới 32,6%, khô dầu đậu tương 7,2%, bột cá 29,5%, cám gạo 37,5%, sắn lát 73,6% thức ăn hỗn hợp gà thịt tăng 19,6%, thức ăn hỗn hợp lợn thịt 15,7%... Nếu so với năm 2009, giá nông sản phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 10%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đó là giá quốc tế, về Việt Nam phải cộng thêm 4 - 5% phí vận chuyển và những chi phí phi chính thức khác.
Bao giờ khó?
Nhưng dường như khó khăn vẫn chưa hết bủa vây người chăn nuôi khi không chỉ phải đối mặt với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, bà con còn phải “chiến đấu“ với sản phẩm thịt gia súc gia cầm nhập khẩu. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2010, lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu đã lên đến 60.000 tấn, trong khi cả năm 2009 mới là 90.000 tấn. Trung tâm Thú y vùng IV cho biết, mấy tháng gần đây, trung bình mỗi tháng có từ 4.000-5.000 tấn thịt nhập khẩu đăng ký kiểm tra, trong khi đó, giới kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại TP.Hồ Chí Minh thì khẳng định, mỗi tháng có khoảng 500 container (20-30 tấn/container) nhập về các cảng trên cả nước, trong đó chủ yếu là thịt gia cầm, thịt heo, bò, cừu...Không chỉ phải cạnh tranh với sản phẩm thịt nhập nội, người chăn nuôi vẫn chưa hết lo lắng khi dịch heo tai xanh dù đã tạm lắng ở các tỉnh phía Bắc nhưng lại có nguy cơ bùng phát ở các tỉnh phía Nam. Bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị thừa nhận, dịch heo tai xanh đã bùng phát trên địa bàn tỉnh, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại hai xã Triệu Hòa, Triệu Tài (Triệu Phong), đến thời điểm hiện tại đã có trên 250 con lợn bị nhiễm bệnh.
Trong khi đó, tại Tiền Giang, cũng đã ghi nhận 55 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn 4 huyện Cái Bè, Châu Thành, Mỹ Tho, Cai Lậy với tổng đàn 2.361 con có dấu hiệu mắc heo tai xanh. Theo ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do người dân không áp dụng tốt quy trình tiêm phòng bệnh bắt buộc; hiểu biết về bệnh tai xanh còn hạn chế, khi heo bệnh không báo cáo cho lực lượng thú y mà tự chữa hoặc bán chạy khiến dịch lây lan.
Như vậy, cho đến thời điểm này, ngành chăn nuôi vẫn chưa hết khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn “phi mã”, thịt nhập ồ ạt và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, để hạ giá thức ăn chăn nuôi xuống mức hợp lý thì các doanh nghiệp cần giảm thiểu chi phí trung gian.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính cũng đã ngồi lại với nhau bàn giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, trong đó có việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu. Nhưng đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Về lâu dài, muốn ngành chăn nuôi phát triển ổn định thì việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn là rất quan trọng. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép, không chỉ giúp doanh nghiệp có đủ nguyên liệu để sản xuất mà còn giúp nông dân có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi cũng cần liên kết, tạo mối làm ăn liên hoàn từ sản xuất đến thu mua và tiêu thụ.
Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn)