Lời gan ruột cho mô hình kinh tế trang trại!

14/07/2010

AGROINFO - Một thời kinh tế trang trại ở huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương từng có tiếng. Vậy mà giờ đây, nhiều chủ trại đang phải vật lộn để mà tồn tại, để mà thoát khỏi cảnh phải sang tên đổi chủ hay phá sản..

Anh Nguyễn Đình Tính - Phó phòng NN & PTNT huyện Tứ Kỳ(Hải Dương) - một người rất chịu khó lăn lộn với nghề chăn nuôi của địa phương chợt trầm ngâm khi tôi hỏi về tình hình kinh tế trang trại hiện nay. Sau cái nhíu mày hồi lâu, giọng anh chợt chùng xuống: “Nhiều cái gay go lắm cậu ạ! Dịch dã cũng chết mà những người không bị dịch dã cũng dính lây bởi đầu ra rẻ mạt lắm!”.

Rồi như để chứng minh cho lời nói của mình, anh đem ra một bản danh sách gồm 30 trang trại của Tứ Kỳ rồi tự tay cầm bút đánh giá phân tích mức độ hiệu quả. Cái nào bình thường hay hoạt động khá, anh không đánh dấu, còn cái nào trong tình trạng chết ngắc ngoải anh khoanh một khoanh tròn, tình trạng khó khăn anh đánh một dấu nhân. Loay hoay một hồi, số khoanh tròn, số dấu nhân mỗi lúc một dày đặc lên tổng cộng chiếm 10/30 trang trại.

Kinh tế trang trại gặp nhiều khó khăn (Anh minh họa - Nguồn Internet)

Một thời kinh tế trang trại Tứ Kỳ từng có tiếng, giờ đây, nhiều chủ trại đang phải vật lộn để mà tồn tại, để mà thoát khỏi phải sang tên đổi chủ hay phá sản tức tưởi. Còn nhớ cách đây mấy năm anh dẫn tôi đi thăm làng nuôi ba ba Đại Đồng, nhưng giờ đây theo anh nhiều hộ cũng lao đao lắm bởi non kinh nghiệm, bởi manh mún không có hệ thống nước thải và nước dẫn vào riêng biệt, bởi thói quen cứ dùng thức ăn tươi sống băm nhỏ, quăng ào ào xuống ao làm dư thừa, thối rữa nước sinh dịch bệnh…

Cùng một nỗi trăn trở ấy, anh Bùi Hữu Tiếp - Trưởng Phòng NN & PTNT Thanh Miện bảo tôi rằng so với tất cả các ngành kinh tế khác, lợi nhuận kinh tế nông nghiệp gần như thấp nhất trong khi đó rủi ro lại rất cao. “Sản xuất nông nghiệp được ví như một xí nghiệp ở ngoài trời, nhất là ở miền Bắc, diện tích thấp, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai thất thường ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Ví như huyện chúng tôi ngày 17/5 còn đánh giá một vụ xuân thắng lợi nhưng chỉ 5 ngày sau, tôi đi kiểm tra đã muốn phát khóc vì năng suất suy giảm nặng nề bởi một đợt thiên tai bất ngờ”… Nhận xét về kinh tế trang trại, từ những thành công và thất bại của nó, anh Tiếp bảo khi đầu tư phát triển trang trại phải am hiểu kỹ thuật, không am hiểu không được làm chứ đừng làm theo cảm hứng. Thứ hai là phải có tiềm lực vốn. Lãi suất trong nông nghiệp không cao, những năm đầu tiên trong đầu tư nông nghiệp gần như sẽ không có lợi nhuận bởi vậy nếu không có tiềm lực để trụ lâu sẽ rất khó. Làm trang trại đòi hỏi phải nguồn vốn lớn, vay lãi cao bên ngoài để đầu tư gần như sẽ thất bại 100%. Thứ ba là có trình độ quản lý kinh tế, có khiếu kinh doanh chứ độc có kỹ thuật đơn thuần thôi cũng không đủ.

“Đấy, như chị H - cựu cán bộ khuyến nông tỉnh, chồng làm cán bộ thú y, giỏi kỹ thuật, chuyên dạy nông dân làm giàu nhưng khi chính mình bắt tay đầu tư làm trang trại ở vùng quê chồng mà chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ vùng đất đó rất trũng và chua phèn. Tất cả bệnh tật hầu như từ nguồn nước mà ra. Đào ao lên trông thấu đáy là dấu hiệu hỏng rồi. Y như rằng, đến khi thả cá rô phi bị nổ mắt, chết sạch, thả con gì xuống không chết cũng còi cọc, chẳng chịu lớn. Ao đã vậy, đất vật lên làm vườn, làm bờ cũng bị chua đến nỗi trồng chuối hột, sắn củ những cây rất dễ sống cũng không thể lớn được. Vật lộn một thời gian mãi mà chẳng thể cải thiện nổi tình hình, cuối cùng chị đành phải bán trang trại đi, lỗ vài trăm triệu đồng…

Hồi tôi làm Bí thư xã Chi Nam có anh Phó Bí thư đoàn xã là bộ đội mới ra quân, là đảng viên, vợ chồng đều trẻ, khoẻ mạnh, rất say mê làm giàu, chịu thương, chịu khó… Nghe tuyên truyền việc nơi này, nơi kia chuyển đổi vùng trũng để phát triển kinh tế trang trại làm giàu thành công họ cũng hừng hực khí thế muốn đi đầu. Mới ra ở riêng, lực mỏng nên đa số vốn hai vợ chồng này phải vay bên ngoài để đầu tư cải tạo cho một diện tích chừng gần 1 mẫu, chuyển từ vùng trũng sang đào ao nuôi thuỷ sản, nuôi lợn. Vay lãi suất ngoài với phần trăm cao, kinh nghiệm chưa có cộng với làm trang trại đơn lẻ. Tự phát đào ao giữa cánh đồng, hệ thống cấp thoát nước gần như không có mà nuôi ở dạng ao tù, nước đọng dễ nảy sinh ô nhiễm đã đành, mỗi kỳ bà con phun thuốc trừ sâu ở những ruộng lúa xung quanh, chất độc cũng tuồn hết cả vào ao khiến cá chết hàng loạt…”.

Hiệu quả từ nuôi trồng thuỷ sản không có, dịch bệnh ngày càng phát triển, lãi ngoài đeo đẳng thúc giục sau lưng khiến cho họ càng nuôi càng lỗ nặng, càng xoay xoả lại càng như rúc đầu vào bụi rậm, không lối thoát. Đến khi không thể cầm cự được nữa, Phó Bí thư đoàn xã vào phòng làm việc của anh Tiếp, ngập ngừng, ấp úng hồi lâu rồi mới nghẹn ngào nói điều khó nói, giọng chực khóc: “Báo cáo Bí thư, dù rất tiếc nhưng hôm nay em đến để xin anh cho em nghỉ việc”.

Nghe mới chừng đó, Bí thư ngạc nhiên quá, bảo đang làm công tác tốt thế, nghỉ việc để làm gì? Bao ấm ức chợt như tuôn trào trong người cậu: “Dạ em xin nghỉ để đi làm cửu vạn trả nợ cho số tiền đã vay đầu tư vào trang trại. Bản thân em không muốn đi. Bố mẹ em còn đây, vợ con em còn đây, công việc em đang đảm trách nhưng giờ không đi không thể có khả năng trả nợ”. Làm trang trại phải có điều kiện cần và đủ chứ không thể chỉ thích mà được. Trước ở một số nơi toàn tuyên truyền những mặt thuận, là nơi này nuôi cái này, nơi kia trồng cái kia, chuyển đổi này nọ thành giàu có nên nhiều người hăm hở làm theo mà không hình dung được những khó khăn, không lường trước những tình huống bất ngờ. Mà không lường được là thất bại ngay. Anh Tiếp đúc kết.


Phạm Khánh (Theo Báo Nông Nghiệp)

Tin khác