Xây dựng nông thôn mới – cần đánh thức tính năng động của người dân

14/07/2010

AGROINFO - Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, chúng ta phải kéo người dân vào cuộc. Nhưng, để mô hình này phát huy hiệu quả thì điều quan trọng là phải tạo ra được cơ chế để đánh thức tính năng động tiềm ẩn trong mỗi người dân.

Để xây dựng NTM, nông dân cần năng động hơn nữa (Ảnh minh họa: internet)
Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) na ná Chương trình 135, cũng chú trọng vào các dự án, các công trình xây dựng cơ bản, thiếu đi sự quan tâm đúng đắn đối với một vấn đề cốt lõi là đời sống văn hóa làng xã. Chúng ta nói rất nhiều đến giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là đúng. Bởi lẽ trải qua bao cuộc thăng trầm, nhưng lớp lớp, tầng tầng văn hóa giống như các lớp trầm tích hàng nghìn năm lắng đọng sâu nhất và bền vững nhất là ở nông thôn, còn ở thành thị dễ bị mất mát, biến dạng. Muốn tìm cội nguồn văn hóa, bản sắc dân tộc, phải về nông thôn, là nơi chậm phát triển nhất nên còn lưu giữ được cái “hồn” dân tộc.

Ngày nay về nông thôn, đâu đâu cũng bắt gặp những công trình đình chùa, miếu mạo, những lễ hội tưng bừng, những ngôi nhà xây kiên cố, chứng tỏ đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt. Nhưng vấn đề đặt ra là, các công trình kim có, cổ có như thế đã đảm bảo cho một đời sống tinh thần, văn hóa mang bản sắc dân tộc hay chưa? Nền tảng của văn hóa, của bản sắc dân tộc là gì, như thế nào... thì ít người để ý suy nghĩ. Bởi thế, đã có không ít những việc làm thiếu văn hóa, những hành động vô văn hóa, thậm chí bạo liệt có tính băng hoại xảy ra trong xã hội, trong nông thôn, kể cả trong những “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Thiết nghĩ, cần xây dựng văn hóa làng xã trên cơ sở hương ước, vừa có tính kế thừa tinh túy của dân tộc, vừa có bổ sung nội dung văn minh thời đại mới. Trong vấn đề này, vai trò của các cơ quan, đoàn thể vô cùng quan trọng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành văn hóa, giáo dục...

Nói gì, bàn gì đi nữa, chung quy vẫn phải đi vào những đòi hỏi thiết yếu và bao giờ cũng nóng bỏng thời sự. Đó là: Tổ chức sản xuất ra sao để nâng cao thu nhập và đời sống người dân? Làm gì để thu hút đầu tư về nông thôn? Chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ cho người dân bằng cách nào?

Chính quyền cần đi sâu, đi sát hơn vào đời sống người dân (Ảnh minh họa: internet)

Không thể ngồi một chỗ mà qui định thể thức cho thực tế ở địa phương. Cũng như không thể hô hào chung chung lòng yêu nước trong thời buổi kinh tế theo cơ chế thị trường, luôn luôn có xung đột lợi ích giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội. Chính quyền phải thật sự đi sâu đi sát đời sống của người dân, phải thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân, để từ đó đề ra cơ chế đúng. Có cơ chế đúng, tự khắc người dân sẽ nảy ra nhiều giải pháp hợp lý và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng xã hội. Đấy là tính năng động của người dân, là sức sáng tạo mãnh liệt tiềm tàng của người Việt Nam từ đời này sang đời khác.

Điều này có thể minh chứng bằng sức sống kỳ lạ của các làng nghề như luyện sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, nghề làm giấy Phong Khê... Ở Bắc Ninh. Hay điển hình như làng Dương Liễu ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) từ chỗ chỉ chế biến sắn đơn giản đã biến cả một vùng thành tổ hợp chế biến nha, bánh kẹo có thị trường rộng lớn. Bên cạnh đó là hàng trăm làng nghề như Cát Quế, Hữu Bằng, Đa Sĩ, Bình Đà, Kiêu Kỵ và hàng loạt huyện dày đặc nghề như Thanh Oai, ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín... ở Hà Nội.

Hầu như tỉnh, thành nào trong cả nước cũng đã và đang lúng túng trong khâu tạo việc làm cho nông dân. Thực tế, rất nhiều lao động nông thôn bỏ làng ra thành thị kiếm sống, để lại ruộng đồng cho các cụ già, trẻ nhỏ và phụ nữ, gây xáo động và bất ổn về nhiều mặt ở nông thôn. Nhà nước đầu tư khoản tiền lớn để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm 1 triệu người. Chúng tôi cho rằng, đây chỉ là đơn thuốc cứu nguy tạm thời, tốn kém và không hiệu quả. Bởi vì, đào tạo nghề mỗi năm 1 triệu người, nhưng chất lượng đào tạo ra sao? Liệu trong đó bao nhiêu người sẽ có nghề? Cứ cho là 1 triệu người đó có nghề đi nữa thì họ sẽ làm việc ở đâu? Chắc chắn không thể vào được khu công nghiệp và các nhà máy công nghệ cao. Đã vậy, theo tính toán, mỗi năm ở nông thôn sẽ lại nảy sinh thêm 1 triệu lao động nữa. Số lao động này giải quyết ra sao?

Kinh nghiệm từ các làng xã Việt Nam cho thấy, không thể sống no đủ chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, mà phải đa dạng hóa sản xuất bằng nhiều ngành, nhiều nghề. Các làng nghề hiện vẫn tồn tại theo phương thức ấy, nhất là ở những nơi “nhất xã, nhất thôn”. Chúng tôi xin lấy ví dụ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Ngày trước, Hữu Bằng có HTX dệt vải; đến khi HTX dệt giải tán, người dân chuyển sang nghề làm đồ gỗ chuyên phục vụ thị trường trong nước. Vì thế, họ luôn luôn có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua không bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Bây giờ càng có điều kiện phát triển trong phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều đáng quan tâm là, cho đến nay không có người Hữu Bằng nào di cư làm ăn ở nơi khác, mà tất cả vẫn sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại làng xã mình. Các cửa hàng buôn bán đồ gỗ ở phố Đại La (nội thành Hà Nội) về làng Hữu Bằng mua sản phẩm mang ra bán. Trên cơ sở sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, người dân Hữu Bằng không vay tiền ngân hàng, tự đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, chợ búa, xây dựng các dãy phố có qui hoạch khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại, xây dựng nhiều xưởng sản xuất, phát triển ngành nghề dịch vụ, ngay trong làng cũng có cửa hàng sản xuất bánh gatô mừng sinh nhật...

Điều này cho thấy, rõ ràng người dân xã Hữu Bằng không cần “ly nông, ly hương” để kiếm sống. Mà họ vẫn trụ vững trên mảnh đất quê hương, vẫn phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng thành công NTM theo định hướng XHCN. Họ cũng không cần chờ đợi quy hoạch để đô thị hóa làng quê mình. Mặt khác đáng suy nghĩ nữa là, Hữu Bằng không trông chờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài, và cũng không có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước. Riêng ở Hà Nội đã có hàng chục xã tương tự Hữu Bằng, chẳng hạn như La Phù, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Bát Tràng... Như vậy cho thấy, tính năng động của người dân có ở nhiều nơi.

Thiết nghĩ, nếu Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng thí điểm mô hình NTM quan tâm nghiên cứu tính năng động của người dân, mà Hữu Bằng chỉ là một trong số hàng trăm nghìn xã ở nước ta, thì có thể sẽ tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả và không tốn kém trong việc xây dựng NTM.


Lê Huê (Theo VOV)

Tin khác