|
6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: internet) |
Hơn nữa, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không phải để xuất khẩu ngay mà thu mua để trong kho dự trữ. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải thu mua theo một giá nhất định và chờ động tĩnh của thế giới để không bị lỗ. Đến nay, lượng tồn kho dự kiến của các doanh nghiệp khoảng 1.550 triệu tấn. Cùng với lượng gạo đang được tổ chức thu mua, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp sẽ đạt mức hơn 2 triệu tấn. Trong khi đó, hệ thống kho bãi cho tới nay vẫn luôn là một bài toán không dễ giải quyết, ảnh hưởng lớn tới chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết sản lượng vụ Hè Thu ước tính khoảng 8 triệu tấn sẽ là áp lực tiêu thụ rất lớn. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn đều đã nhập xong trong 6 tháng đầu năm 2010 nên nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước cần nhập khẩu gạo trong thời gian tới sẽ giảm mạnh. Chưa kể, các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan đều được mùa.
Năm nay, có thể Ấn Độ cũng quay lại thị trường xuất khẩu gạo càng tạo thêm áp lực về thị trường. Thị trường châu Phi vốn là niềm hy vọng lớn nay cũng chưa có dấu hiệu khả quan nào. Thời điểm giá gạo cao, các nước này đang chuyển sang dùng ngô, lúa mì với giá rẻ hơn nhiều. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, có thể cuối năm tới nhu cầu lúa gạo trên thế giới sẽ tăng trở lại để phục vụ nhu cầu năm 2011, song khả năng này cũng chưa chắc chắn.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng dự báo sáu tháng cuối năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn có thể đạt được, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009. Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cho thấy, giá bình quân của mỗi tấn gạo 5% tấm XK trong 8 tuần tính đến ngày 26 tháng 2 năm nay chỉ là 402,86 USD/tấn và trong 8 tuần tính đến ngày 23 tháng 4 giảm mạnh xuống chỉ còn 369,29 USD/tấn, còn trong 8 tuần tính đến ngày 25 tháng 6 vừa qua đã chạm đáy chỉ với 352,14 USD/tấn. Rõ ràng, mức giá quá bèo đã kéo giá gạo bình quân xuống thấp. Do vậy, trong điều kiện các hợp đồng cung ứng gạo cho thị trường Philippines tính đến thời điểm này đã hoàn thành, chí ít là đã cơ bản hoàn thành, việc giá bình quân của các DN XK gạo nước ta trong những tháng tới sẽ tụt dốc mạnh là điều khó có thể tránh khỏi.
Trong điều kiện như vậy, có lẽ mục tiêu “kép” 6 triệu tấn gạo XK với tổng kim ngạch 3 - 3,2 tỷ USD mà VFA hướng tới trong năm nay tới thời điểm này đã vượt quá tầm với của các DN XK gạo nước ta. Bởi lẽ, để đạt được tổng kim ngạch chỉ 3 tỷ USD trong năm nay, thì giá bình quân của 2,834 triệu tấn gạo XK còn lại từ nay đến cuối năm phải cao ngất ngưởng gần bằng giá gạo cung ứng cho thị trường Philippines mà các DN nước ta trúng thầu trong điều kiện thị trường gạo thế giới đang bị bao phủ bởi nguy cơ tái xuất hiện cơn sốt nóng giá thế giới kỷ lục năm 2008, còn để đạt được tổng kim ngạch 3,2 tỷ USD, thì giá phải đạt mức gần 630 USD/tấn.
Cục diện thị trường xuất khẩu gạo hiện nay cũng cho thấy dự báo này hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt tại thời điểm này, Thái Lan có nhiều động thái đẩy mạnh xuất khẩu. Trong những tháng cuối năm, khi Thái Lan tiến hành xả gạo dự trữ, nguồn cung sẽ tăng cao thì thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn. Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cũng vừa công bố, vụ lúa Hè Thu của nước này dự kiến đạt sản lượng cao hơn năm ngoái (14,7 triệu tấn). Vụ trước Ấn Độ cũng thiệt hại do hạn hán nhưng con số thiệt hại thấp hơn rất nhiều so với dự báo. Do đó sản lượng chung của Ấn Độ trong năm nay vẫn ổn định và nhiều khả năng nước này không thuộc danh sách các nước nhập khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nhắm tới thị trường châu Phi và tập trung cho thị trường này vì đây là thị trường đang có nhu cầu cao về gạo. Tuy nhiên, những bất cập trong thanh toán quốc tế ở thị trường này (phương thức thanh toán của nhiều nước châu Phi còn lạc hậu; đối tác thường thanh toán chậm, có khi bán rồi cả năm sau mới thu được vốn...) cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tìm cách tiếp cận thị trường Brazil và Nam Mỹ. Nếu khai thông được thị trường này, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đây là một thị trường hoàn toàn mới, thị hiếu của người tiêu dùng ở các thị trường này cũng chưa rõ ràng, nên khả năng thành công cũng chưa thể dự đoán trước được.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam xuất được hơn 3,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2009, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 5% về khối lượng. Đáng nói là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay. Giá gạo trong tháng Sáu tuy có nhích lên đôi chút, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm (gạo 5% tấm: 373 USD/tấn; gạo 25% tấm: 340 USD/tấn)./.