Cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

12/07/2010

AGROINFO - Chính phủ đặt yêu cầu phải đảm bảo nông dân có lãi 30% trong sản xuất lúa gạo. Điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu không có một giải pháp đồng bộ cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam.

Cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)
6 tháng đầu năm, mặc dù Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo - đạt 50% kế hoạch cả năm, nhưng so với cùng kỳ năm 2009, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị sụt giảm khoảng 12% về khối lượng và xấp xỉ 30% về giá trị. Bên cạnh lý do dự báo sai lệch về thị trường cũng như nguồn cung thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm giảm cả về lượng và giá chính là khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng xuất khẩu.

Dự báo lệch, giảm cả số lượng lẫn giá cả

Nhìn lại công tác dự báo hồi đầu năm, năm 2010 được nhận định là “năm vàng” của các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu gạo đã giảm cả về số lượng và giá cả.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm 2010 đến nay. Nếu như giá gạo loại 5% tấm tại thời điểm tháng 12/2009 là 517 USD thì đến tháng 5 đã giảm xuống còn 358 USD/tấn (giảm 30,75%); giá gạo loại 25% tấm tại thời điểm tháng 12/2009 là 466 USD đã giảm xuống còn 335 USD/tấn tại thời điểm tháng 5 (giảm 28,11%). Giá gạo trong tháng 6 tuy có nhích lên đôi chút, xong vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm (gạo 5% tấm: 373 USD/tấn; gạo 25% tấm: 340 USD/tấn).

Theo ông Trịnh Văn Tiến - Chuyên gia về ngành hàng lúa gạo thuộc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có 2 nguyên nhân cơ bản cần đặc biệt lưu ý. Thứ nhất, là do dự báo sai lệch: Cuối năm 2009, trước thông tin Ấn Độ, Indonesia bị mất mùa và hiện tượng El Nino có thể xảy ra ở nhiều nước trồng lúa, giới truyền thông đã dẫn lời nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng, năm 2010 là một năm cung thấp hơn cầu về lúa gạo.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường gạo thế giới 6 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình diễn ra hoàn toàn ngược lại so với dự báo. Ấn Độ tuy bị mất mùa vụ Kharif, nhưng sản lượng sụt giảm thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Indonesia đang cân nhắc khả năng tham gia thị trường xuất khẩu gạo, mặc dù trước đó họ đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thái Lan và Việt Nam đang tồn đọng gạo xuất khẩu với khối lượng lớn.

Một nguyên nhân cơ bản nữa được ông Trịnh Văn Tiến nhấn mạnh, đó là: “Hợp đồng giao hàng 6 tháng đầu năm chủ yếu là hợp đồng chính phủ, việc triển khai gặp khó khăn do đối tác trì hoãn giao nhận hàng cũng như tạm ngưng triển khai đấu thầu các hợp đồng mới khi có thông tin sản lượng gạo đã tăng lên sau vụ đông xuân ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Hợp đồng thương mại cũng khó triển khai do trên thị trường có thêm sự tham gia của Bangladesh, Myanmar cạnh tranh trực tiếp với dòng sản phẩm gạo chất lượng thấp và trung bình của Việt Nam”.

Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam

Dự báo, 6 tháng cuối năm này, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về sản lượng 6 triệu tấn có thể đạt được, nhưng về kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ bị giảm sút.

Hiện tại, Việt Nam và Thái Lan đang còn tồn đọng một lượng gạo xuất khẩu khá lớn, do đó sức ép về cung là rất lớn, do vậy, nhiều khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục hạ xuống. Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ nhận định: “Nhìn chung, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì nhiều nước được mùa, nên nhập khẩu sẽ không nhiều. Bên cạnh đó, nếu Thái Lan tung gạo ra nhiều thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, hiện ta đang nhắm tới thị trường châu Phi, thị trường này hiện đang có nhu cầu cao về gạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý khi thanh toán quốc tế, vì phương thức thanh toán của nhiều nước châu Phi còn lạc hậu. DN bán rồi cả năm sau mới thu được vốn thì sẽ rất khó khăn. Mặt khác, Chính phủ cần tìm thêm đầu ra, nếu không, vụ hè thu sẽ ế, nông dân sẽ gặp khó khăn”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tìm cách tiếp cận thị trường Brazil và Nam Mỹ. Nếu khai thông được thị trường này, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đây là một thị trường hoàn toàn mới, thị hiếu của người tiêu dùng ở các thị trường này cũng chưa rõ ràng, nên khả năng thành công cũng chưa thể dự đoán trước được. Thị trường khu vực Trung Đông và châu Phi tiêu dùng gạo đồ và các loại gạo Basmati là chủ yếu nên chúng ta rất khó cạnh tranh với những nước sản xuất loại gạo này là Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.

Trước những dự báo về khả năng khó khăn trong xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị: “Nhà nước hỗ trợ về vốn để thu mua, dự trữ lúa gạo, để DN không bị ép giá. Nếu vốn ít, phải vay ngân hàng với lãi suất cao, thì DN nước ta cạnh tranh không được với nước ngoài”.

Có một nghịch lý trong sản xuất lúa gạo lâu nay là nông dân không được quyền định giá mà rơi vào tay thương lái. Điều này cho thấy vai trò điều hành trong xuất khẩu gạo của ta còn có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Chính phủ cũng đã đặt ra yêu cầu phải đảm bảo nông dân có lãi 30% trong sản xuất lúa gạo. Điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu không có một giải pháp đồng bộ cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc quan tâm về mức độ đầu tư cho sản xuất lúa gạo, cung cấp thông tin thị trường, cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam, bởi hiện nay gạo Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường thế giới đều phải qua các trung gian. Làm được điều này mới có thể nâng được giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.


Lê Huê (Theo VOV)

Tin khác