Thiếu vốn, doanh nghiệp xuất khẩu trầy trật

12/07/2010

AGROINFO - Tại buổi họp giao ban xuất khẩu 6 tháng tại TP HCM do Bộ Công thương tổ chức ngày 9/7, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh rằng khó khăn lớn nhất hiện nay với họ chính là nguồn vốn. Vì không đủ vốn nên nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua cơ hội mua nguyên liệu giá rẻ và có thể sẽ mất cơ hội có được mức lợi nhuận cao nhờ giá xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh.

Vốn luôn là bài toán khó với doanh nghiệp

Đối với hàng nông sản, ngoài mặt hàng gạo, sắn lát khó khăn về đầu ra thì các mặt hàng khác đều có triển vọng tốt về xuất khẩu trong năm nay. Năm 2010, do thời tiết không thuận nên mùa vụ thất bát. Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ông Trần Đức Tụng cho biết, vụ mùa hồ tiêu năm nay trên thế giới sản lượng giảm từ 20-25%, sản lượng tiêu của Việt Nam cũng giảm xấp xỉ 20%. Sản lượng của ngành điều năm 2010 cũng giảm từ 20-30%.

Do sản lượng giảm nên giá cả xuất khẩu của các mặt hàng nông sản như điều, tiêu đứng ở giá cao. Đại diện Hiệp hội Điều cho rằng, giá điều nhân xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ tăng thêm 14% nữa so với mức giá hiện nay. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp điều đã kí được hợp đồng với giá rất tốt.

Dù tình hình xuất khẩu khả quan về lượng cũng như giá, tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng, do không tiếp cận được với nguồn vốn nên các doanh nghiệp trong ngành không thể dự trữ đủ nguyên liệu cho sản xuất.

 
 Nhiều doanh nghiệp ngành điều lại điêu đứng vì thiếu vốn (Ảnh minh họa: internet)

Ông Phạm Văn Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, năm nay ngành điều dự kiến sẽ đạt tổng sản lượng 300.000 tấn và lượng điều tồn trong dân khoảng 50.000 tấn, trong khi nhu cầu của các nhà máy chế biến là 600.000 tấn điều nhân. Để có đủ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải nhập 300.000 tấn hạt điều thô. Tuy nhiên, ngành điều đang vấp phải khó khăn lớn là 80% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng và có thể sẽ mất cơ hội xuất khẩu khi giá điều được dự báo tăng 14% từ nay tới cuối năm. “Thậm chí, mục tiêu xuất khẩu điều đạt một tỷ USD trong năm 2010 không dễ đạt được, kéo theo nguy cơ doanh nghiệp mất lợi nhuận, hàng trăm nghìn lao động không có việc làm vì nguyên liệu hiện chỉ đủ sản xuất đến tháng 9”, ông Công lo ngại. Do vậy, Vinacas kiến nghị ngân hàng cho các doanh nghiệp vay 1.100 tỷ đồng để mua hết lượng điều còn tồn trong dân, vay vốn USD tương ứng khoảng 5.700 tỷ đồng để nhập khẩu 300.000 tấn điều phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Còn đối với ngành cà phê, do không có tiền nên các doanh nghiệp chỉ mua dự trữ được 7-8% so với kế hoạch là 200.000 tấn trong lúc giá cà phê xuống thấp ở thời gian qua. Như vậy, doanh nghiệp cà phê trong nước lại càng chịu thêm nhiều áp lực với các đơn vị liên doanh với nước ngoài. Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Vinacaphe cho biết, hiện hầu hết doanh nghiệp trong ngành rơi vào thế thiếu chủ động về vốn, dẫn đến thua lỗ triền miên, phải bán hàng kỳ hạn (bán hàng trước), dù giá tăng hay giảm để trả ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận ký hợp đồng xuất khẩu hàng với giá thấp, chỉ để lấy hợp đồng mang thế chấp vay vốn, hậu quả của cách làm này là cả ngành cà phê thua thiệt.

Chủ động điều tiết thu mua hàng dự trữ

Trong lúc các doanh nghiệp trong nước 95% vốn kinh doanh là phải đi vay thì buộc phải bán hàng trước để có tiền, không có điều kiện trữ hàng để bán được lúc giá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài vốn sẵn nên dìm giá cà phê trong nước xuống thấp để gom hàng. Đến lúc doanh nghiệp trong nước tiếp cận được tiền vốn thì nguồn hàng trên thị trường đã cạn.

6 tháng cuối năm là thời gian kinh doanh chính của ngành gỗ nhưng hiện tại các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng không có tiền để nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi nguyên liệu cho ngành gỗ trên thế giới và trong nước đang khan hiếm.

Ông Tụng cho biết thêm đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu được 72.000 tấn hồ tiêu, chiếm gần 80% sản lượng của ngành. Như vậy, từ nay cho đến cuối năm, ngành hồ tiêu Việt Nam chỉ cần tính toán làm sao để bán được giá tốt nhất. Hiện lượng tiêu trong dân còn tích trữ rất ít. Giá tiêu trong nước cũng đang đứng ở mức rất cao, tăng liên tục từ 40.000 đồng/kg lên đến gần 70.000 đồng/kg ở thời điểm này. Năm nay khó có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Bộ Công Thương đề ra là 145.000 tấn.

Không phải năm nào mặt hàng nông sản cũng có được giá xuất khẩu cao như năm nay cho nên cần tận dụng cơ hội để mang về lượng kim ngạch lớn từ xuất khẩu của các ngành hàng có nhiều thuận lợi. Như ý kiến từ đại diện ngành cà phê, cần có phương án chủ động điều tiết thu mua hàng dự trữ, không phải đợi đến lúc thị trường mất giá hàng hóa ế mới bàn đến chuyện mua tạm trữ. Vấn đề dự trữ nguyên liệu phải tính đến mức độ thực hiện thường xuyên. Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam quen kiểu mua đâu bán đó chưa có khái niệm "mua thời vụ, bán thời giá" nên giá trị mang lại chưa lớn.

Ngành rau củ quả được đánh giá là có nhiều đổi mới nhưng kết quả cũng chưa đạt được như sự mong đợi. Do chưa đạt được hiệu quả trong mối liên kết khép kín giữa các khâu từ sản xuất đến nhà máy và xuất khẩu nên chất lượng rau quả tươi không đạt yêu cầu. Ngành cao su và chè đều đạt được mức tăng trưởng về xuất khẩu nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh vốn, để giữ vững tốc độ phát triển về xuất khẩu, đại diện các ngành nghề kiến nghị cần sự hỗ trợ các chính sách của các bộ ngành trong công tác tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường.

Trong sáu tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu đạt 32,47 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kì 2009. Nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông sản, thủy sản phần lớn đều tăng trưởng khá, riêng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm về kim ngạch xuất khẩu.


Lê Huê (Theo Vneconomy)

Tin khác