AGROINFO - Nông dân đồng bằng sông Cửu Long lo gạo rớt giá. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cho bà con trồng lúa có lãi ít nhất 30%. Hàng ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được nhà nước rót cho việc mua gạo trong mỗi vụ, vụ năm nay chắc cũng thế. Liệu bà con trồng lúa có được ít nhất 30% lãi? Liệu nhiều ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi có làm cho cuộc sống của nông dân đỡ chật vật?
Khó trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu điều hành xuất khẩu gạo tốt hơn, nếu không để cho vài công ty khuynh đảo thì chắc chắn tình hình của bà con trồng lúa được cải thiện hơn đáng kể. Rất đáng tiếc vài công ty khuynh đảo đó lại là các doanh nghiệp nhà nước và được giao giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực lúa gạo.
Đấy là hai Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và miền Nam (Vinafood 2), chiếm trên 80% thị phần gạo xuất khẩu. Hai công ty này cũng khống chế Hiệp hội Lương thực, được Chính phủ trao cho quá nhiều "quyền quản lý nhà nước" đối với lúa gạo. |
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Vừa rồi trong cuộc họp họ đã ra dấu hiệu để cho việc buôn bán của họ dễ dàng hơn, và đẩy khó cho chính phủ hay nông dân. Họ bảo "Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu đều lúng túng bởi, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2009-2010, trong khi vụ hè thu đã bước vào mùa thu hoạch".
Theo nhận định của họ "dù giá gạo tăng nhẹ nhưng thị trường xuất khẩu đang sụt giảm. Bên cạnh đó, chất lượng gạo vụ hè thu thấp, trong khi lượng gạo tồn kho vụ đông xuân còn nhiều nên việc tiêu thụ và giá lúa sẽ bất lợi cho nông dân". Khó thế đấy nên chúng tôi có mua rẻ thì bà con hãy thông cảm, chính phủ hãy giúp nông dân bằng cách đưa tiền cho chúng tôi mua gạo giúp bà con nông dân.
Họ thật là khôn và khéo. Dẫu là doanh nghiệp nhà nước, họ vẫn đặt lợi ích của họ lên trên hết, và điều đó chẳng sai. Cái sai là các quan chức nhà nước cứ nghĩ họ phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị nên ưu ái hết mức và dùng như công cụ để dễ bề can thiệp.
Chuyên gia hàng đầu về lúa gạo, GS. Võ Tòng Xuân, đã phải thốt lên, "độc quyền, giá gạo sẽ còn rớt thê thảm" (Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, PLTP, 10-7-2010). Một cựu quan chức nông nghiệp, chuyên gia lão luyện về lúa gạo, ông Trần Đức Tụng (PLTP, 3-7-2010) cũng cực lực phê phán sự độc quyền của hai tổng công ty nhà nước và cho rằng nhà nước còn phải "bù lỗ dài dài vì độc quyền xuất khẩu gạo".
Tiếng nói của hàng triệu nông dân, những góp ý của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này, liệu có đến tai những người có quyền quyết định? Quyết định của họ có thực sự vì dân hay vì một nhóm lợi ích quá ít ỏi về số lượng nhưng lại quá nhiều tiền và nhiều quyền?
Hai ông độc quyền này có "vai trò chủ đạo" hay không trong lĩnh vực này? Họ có phải là công cụ "nuôi ba năm dùng một giờ" như một Phó Thủ tướng tự hào nói về vai trò của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khi nó được dùng để đối phó với những bất ổn kinh tế như lạm phát bùng nổ, khủng hoảng hay khan hiếm lương thực?
Phải lấy nông dân làm gốc
Chắc mọi người còn nhớ, vài năm trước, lúc giá gạo thế giới tăng vùn vụt, các nhóm lợi ích này đã khuyên chính phủ ra lệnh dừng xuất khẩu gạo với lý do "an ninh lương thực", nhưng thực ra là vì động cơ lợi nhuận của chính họ. Ngay khi đó GS. Võ Tòng Xuân đã lên tiếng không có vấn đề "an ninh lương thực" và khuyên hãy tiếp tục xuất để bà con nông dân được lợi. Họ đã chẳng thèm nghe.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tin tạm dừng xuất khẩu càng dễ làm cho giá gạo thế giới tăng nữa, càng gây khó khăn cho thị trường thế giới. Giá gạo càng tăng trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng ngược trở lại thị trường nội địa của chúng ta.
Hẳn còn nhớ mấy ngày căng thẳng mà bà con ở TP Hồ Chí Minh đổ xô đi "tích trữ gạo" giữa thủ đô của lúa gạo. Chính quyền thành phố phải dùng biện pháp hành chính (hoàn toàn đúng trong lúc khủng hoảng như vậy) để lệnh cho các đại gia quốc doanh phải mở kho. Rồi họ làm gì? Họ mang gạo hẩm ra thị trường, đến nỗi chính quyền thành phố lại phải can thiệp, không nhận gạo của họ.
Đấy là ứng xử có thể hiểu được của các trùm tư bản thời chủ nghĩa tư bản hoang dã (không thể là hành xử của các ông doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong một đất nước nơi nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” ở đầu thế kỷ hai mươi mốt).
Hãy nhìn vào những việc có thực đó, mổ xẻ, tìm nguyên nhân và tìm cách cải thiện. Hai ông độc quyền này không phải là giải pháp của ngành lúa gạo. Đã đến lúc nhà nước phải xem lại cách quản lý của mình về lúa gạo trên cơ sở lấy nông dân làm gốc, chứ không phải đi ưu ái cho vài ông quốc doanh độc quyền "giữ vai trò chủ đạo".
Phạm Khánh (Theo Báo Tiền Phong)