Mục tiêu quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Song đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa (CPH) gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và những bất cập từ cơ chế.
Bài 1: Thấp thỏm chờ
Vốn thiếu, công nghệ lạc hậu
Theo phân tích của Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sở dĩ việc CPH doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra chậm là do hầu hết các đơn vị có lượng vốn ít, công nghệ lạc hậu, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 20 tỷ đồng vốn, thậm chí có tới 15% số doanh nghiệp có vốn chưa đến 1 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có nguồn vốn ít chủ yếu nằm ở các tổng công ty xây dựng, rau quả, chè... |
Đổi mới công nghệ là yêu cầu cấo thiết đặt ra đối với các DNNN khi chuyển đổi |
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp được chuyển đổi từ nông - lâm trường quốc doanh (NLT) đều gặp khó khăn do vốn Nhà nước chỉ đạt trên 7,2 tỷ đồng/nông trường, 5,5 tỷ đồng/lâm trường, trong khi nhu cầu vốn theo quy định khi chuyển đổi lại lớn hơn nhiều lần. Hệ quả là không ít NLT dù đã xác định được nhu cầu vốn điều lệ nhưng vẫn không thể tiến hành chuyển đổi do không được ngân sách địa phương bổ sung vốn, không xây dựng được phương án trả nợ phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù các tổng công ty đang tích cực triển khai mọi thủ tục theo quy trình để CPH nhưng chưa xác định được giá trị doanh nghiệp Nhà nước do vướng mắc về đất đai.
Ngay cả những nông trường đã chuyển đổi cũng đang gặp khó khăn về vốn. Ông Bùi Văn Kẹn, Giám đốc Công ty Rau quả nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, khó khăn nhất hiện nay là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Công ty xác định giá trị tài sản. Trước đây, khi còn là nông trường thì có thể vay vốn ngân hàng 5 - 7 tỷ đồng, nay với số vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng thì không ngân hàng nào cho vay quá số tiền đó, do đó nếu CPH thì Công ty chỉ còn nước giải thể vì không có xưởng chế biến, chỉ có trụ sở làm việc, 1 ô tô cũ và khoảng 20ha đất mô hình chưa giao khoán.
Bà Nguyễn Kim Toàn, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của khối nông - lâm khi chuyển đổi chính là vốn. Tài sản lớn nhất của NLT là đất nhưng việc xác định giá trị lại vô cùng khó.
Rào cản từ cơ chế, chính sách
Theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiêm Trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa thay đổi. Vấn đề xử lý tài chính tại một số đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong một số trường hợp, Bộ đã phải làm việc với Công ty Mua bán nợ để chuyển đổi và thành lập công ty cổ phần đối với các đơn vị có vướng mắc về tài chính.
Theo lộ trình cam kết WTO, từ 1/7/2010 tất cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có đều chuyển sang hoạt động theo luật doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. |
Ông Tần khẳng định, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các NLT khó khăn do chưa có chính sách rõ ràng về quyền tự chủ trong kinh doanh. Ví như, lâm trường không được chủ động khai thác sản phẩm gỗ do đơn vị tạo ra mà phải phụ thuộc vào chỉ tiêu do Nhà nước phân bổ. Như vậy, nếu doanh nghiệp không được toàn quyền tự chủ trong kinh doanh thì thực chất đang không hoạt động theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ là, khi chuyển các lâm trường thành công ty TNHH một thành viên nên cho phép đơn vị tự chủ trong kinh doanh theo phương án điều chế rừng. Theo đó, các NLT sẽ tự xây dựng phương án điều chế trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, các lâm trường sẽ khai thác theo phương án phê duyệt thay vì xây dựng phương án nhưng không cho phép thực hiện như hiện nay.
Tại một hội thảo mới đây về những vấn đề đặt ra trước và sau chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước, đa số các ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình chuyển đổi. Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam khẳng định: “Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã được triển khai từ năm 1993 đến nay và chưa có năm nào chúng ta hoàn thành kế hoạch theo lộ trình của Chính phủ. Điều đó có rất nhiều nguyên nhân, cả từ nhận thức tư tưởng đến hành lang pháp lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Điều đáng nói là khi thực hiện các thủ tục để thay tên, đổi họ các doanh nghiệp, không ít người xuất hiện tâm lý yên tâm và coi các công ty TNHH một thành viên là điểm dừng trong quá trình cải cách nền kinh tế. Từ đó, rất có thể tốc độ cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên lại rơi vào tình trạng rùa bò như những năm trước đây và không có cá nhân hay cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Bài học nhãn tiền
Không chỉ lường trước được những khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp trước khi tiến hành CPH đã lâm vào cảnh rủi nhiều hơn may. Và hậu quả mà các đơn vị đi trước gặp phải đã khiến cho không ít doanh nghiệp đành khất lần việc CPH. Có thể lấy ví dụ ở Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng. Từ năm 2007, UBND TP. Hải Phòng có quyết định về việc Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng tiến hành CPH ba đơn vị thành viên là Nhà máy Chế biến thủy sản F42, Xí nghiệp Giống thủy sản và Xí nghiệp Dịch vụ khai thác thủy sản Hải Phòng. Song đến nay, mới có Xí nghiệp Dịch vụ khai thác thủy sản Hải Phòng hoàn thành CPH. Nhà máy Chế biến thủy sản F42 sau 2 lần tổ chức đấu giá cổ phần vẫn chưa có người mua do đơn vị sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, trong khi mức giá trị lợi thế đất đai quá cao. Còn tiến độ CPH của Xí nghiệp Giống thủy sản vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Đến cuối năm 2009, Xí nghiệp Giống thủy sản vẫn chưa thể xác định giá trị tài sản do Xí nghiệp đã giao khoán hơn 29ha đầm nuôi thủy sản giống cho 94 hộ dân với thời hạn hơn 30 năm. Không thể xác định được giá trị các hộ đầu tư qua các năm, do vậy không đủ điều kiện để xác định giá trị tài sản doanh nghiệp. Thêm vào đó, Xí nghiệp đang phải gánh khoản lỗ khổng lồ vì trong 2 năm qua, cả 4 trại sản xuất cá giống đều làm ăn thua lỗ.
Như vậy là sau 2 lần điều chỉnh thời điểm xác định giá trị tài sản, Xí nghiệp Giống thủy sản vẫn chưa thể hoàn thành. Việc CPH không biết sẽ kéo dài đến bao giờ?
Như vậy, dù đã lường trước được muôn vàn khó khăn, song khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, các doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi gặp không ít khó khăn. Vấn đề ở đây là phải tìm ra được giải pháp hữu hiệu để hóa giải những thách thức đó.
Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)