|
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT trả lời phỏng vấn |
Bộ trưởng cho biết, trong cơ chế thị trường, việc mua và định giá gạo cũng phải phù hợp, có cân nhắc quan hệ cung cầu trong nước cũng như biến động của thị trường xuất khẩu. Việc cân nhắc này, doanh nghiệp (DN) có thông tin để từ đó điều chỉnh chính xác, linh hoạt hơn.
Mục tiêu của mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là tăng cường sức mua trên thị trường, kích thích giá lên theo hướng có lợi cho bà con nông dân. DN cần triển khai nhanh quyết định của Thủ tướng, điều đó giúp ngăn chặn sụt giảm giá không có lợi cho nông dân.
Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang chất lúa đầy nhà vì giá lúa thấp. DN được hỗ trợ lãi suất để mua theo giá thị trường, còn nông dân đâu được lợi gì?
Theo cơ chế thị trường, trên thương trường, một DN không thể áp đặt giá của riêng mình mà theo mặt bằng chung của thị trường. Mục tiêu hướng tới đảm bảo mức lãi cho nông dân 30% là chủ trương nhất quán của Chính phủ, các DN cần cố gắng thực hiện.
Tuy nhiên, có thời điểm, có những nơi, đặc biệt là như hiện nay lúa hè thu mới được thu hoạch xong, trong khi thị trường đang trầm lắng, giá giảm. Song tôi tin sau khi chúng ta tập trung thu mua, sẽ kích thích giữ giá trở lại.
Làm sao tin giá lúa sẽ lên, vì với DN lợi nhuận là số một?
Theo quy luật, khi thu hoạch rộ, lượng cung sẽ tăng lên. Ở đồng bằng sông Cửu Long, bà con thu hoạch xong vì nhiều lý do thường bán ngay nên áp lực cung rất cao. Trong khi đó, lượng tồn kho trong doanh nghiệp còn rất lớn, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu trầm lắng, nên sức mua chưa tương xứng với nguồn cung. Vì vậy, Chính phủ đưa ra chương trình mua tạm trữ để tăng sức mua của DN, cân đối lượng hàng hóa trên thị trường, kích thích, và giữ giá có lợi cho nông dân.
Thưa ông, theo chính sách phải đảm bảo cho người nông dân lãi 30% nhưng vấn đề ở chỗ không có quy định về giá sàn để nông dân có mức lãi đó. Nông dân hy vọng gì ở chủ trương mua tạm trữ của Chính phủ?
Vấn đề này Bộ Tài chính có hướng dẫn, đề nghị các địa phương có đánh giá cụ thể về giá thành sản xuất lúa ở địa phương mình, từ đó đề xuất giá sàn có lợi cho nông dân, đảm bảo mức lãi tối thiểu 30%.
Căn cứ những đề xuất của các tỉnh đó, các cơ quan chức năng, và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra mức giá trung bình, phấn đấu đạt tới.
Tuy nhiên, giá thời điểm cụ thể, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không thể áp đặt chủ quan. Ngay cả việc, để nông dân lãi 30%, phải phấn đấu theo nhiều hướng, chứ không chỉ hướng tăng giá thu mua. Hướng nữa là giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, đạt năng suất cao hơn.