Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững

06/07/2010

AGROINFO - Tại cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 5/7, nhiều ý kiến nhận định sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong sáu tháng đầu năm đã vượt qua khủng hoảng và đang tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Song cùng với đó cũng đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp như khó khăn về vốn đầu tư, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài gây hạn trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh miền Trung... dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng chung cả năm của ngành.

 
                       Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững  (Ảnh minh họa: Internet)

Lấy lại đà tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông lâm và thủy sản đạt hơn 103.000 tỷ đồng, tăng 5,4%, trong đó, sản xuất nông nghiệp đạt gần 76.000 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 3.400 tỷ đồng, và thủy sản đạt 24.112 tỷ đồng.

Đặc biệt sản xuất lúa Đông Xuân vượt qua khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, tổng diện tích cấy lúa vẫn đạt hơn 3 triệu ha, tăng 25.000ha so với vụ trước, sản lượng đạt gần 19,2 triệu tấn, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tình hình sản xuất chăn nuôi cũng đang dần hồi phục sau thời gian bị ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhờ xuất khẩu phục hồi nên tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước cũng gặp thuận lợi, trừ càphê, muối có khối lượng tồn kho cao, các nông sản khác đều được tiêu thụ kịp thời, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Dù một số mặt hàng xuất khẩu còn gặp khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sáu tháng vẫn đạt 8,6 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhận định khó khăn thách thức vẫn còn ở phía trước do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, trong khi giá cả các nguyên liệu, vật tư đầu vào, lãi suất vốn vay tăng cao kéo theo chi phí sản xuất gia tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, xu hướng các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước sẽ làm cho nông sản xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn mới.

Đối phó kịp thời thiên tai, dịch bệnh

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo khó khăn lớn nhất là về thời tiết và thị trường. Theo ông Ngọc, thị trường nông sản còn nhiều bất ổn khó lường. Điển hình như cây càphê, đã có quyết định tạm trữ nhưng tiến độ thu mua quá chậm, doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đã chủ động vốn mua tạm trữ từ rất lâu. Ông Ngọc cho rằng, nếu không làm tốt việc này thì nguy cơ đối với hạt gạo trong tương lai cũng sẽ như vậy.

Theo đánh giá bước đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu không làm tốt chống hạn đợt này, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có nguy cơ mất sẽ mất trắng 100.000ha lúa Hè Thu, tương đương 500.000 tấn lúa, ước khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng.

Ngoài những biện pháp chống hạn trước mặt, ông Nguyễn Trí Ngọc đề xuất cần coi vụ Thu Đông ở phía Nam và vụ Đông ở miền Bắc là vụ sản xuất chính, bởi vụ Thu Đông thuận lợi hơn về thời gian thu hoạch và thị trường tiêu thụ tốt hơn, trong khi vụ Đông miền Bắc có giá trị kinh tế cao có thể bù đắp trong trường hợp mất mùa vụ Hè Thu.

Đồng tình với ý kiến trên nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để chuyển đổi thời vụ như vậy cần phải có thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, các biện pháp canh tác, thu hoạch cũng như thống nhất được các chủ trương, chính sách triển khai thực hiện.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiệm vụ trọng tâm đối với toàn ngành trong thời gian tới là theo dõi sát sao tình hình thiên tai, dịch bệnh để có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn địa phương đối phó kịp thời. Các địa phương miền Trung ưu tiên đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và trồng màu, cứu các diện tích đang bị hạn nặng, đồng thời tổng hợp thiệt hại, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; chuẩn bị các điều kiện sản xuất chăn nuôi trong mùa mưa, bão. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp và nâng cao hiệu quả khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thức phẩm, môi trường.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, đặc biệt chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản; tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.


Phạm Khánh (Theo TTXVN)

Tin khác