Thủy sản lại gặp khó

05/07/2010

AGROINFO - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm, toàn ngành xuất khẩu được hơn 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010.

Nhiều khó khăn chồng chất khó khăn

Theo ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga, trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27 triệu đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2009. Nhưng doanh nghiệp cũng đang gặp khó với thị trường này. Các nhà nhập khẩu ở Nga đang áp dụng chính sách giảm tỷ lệ mạ băng (lớp đá lạnh dùng để ướp cá) trong thủy sản nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%. Do trọng lượng giảm, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm nhưng không được các nhà nhập khẩu chấp nhận. “Với tỷ lệ mạ băng như cũ, giá bán sản phẩm cá tra tại Nga trung bình là 1,65 đô la Mỹ/ki lô gam, nếu bỏ mạ băng đi bắt buộc phải bán giá 2,05 đô la/ki lô gam, chúng tôi mới có lời. Nhưng các đối tác yêu cầu giữ nguyên giá cũ”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga, than thở. Giá thành nuôi cá tra tại ĐBSCL hiện lên tới 16.000 đồng/ki lô gam, và doanh nghiệp cũng không thể hạ giá mua nguyên liệu.

 
 Ngành thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết trong những tháng gần đây doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn do nguyên liệu để chế biến xuất khẩu bắt đầu khan hiếm trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Điều này làm giá mua nguyên liệu tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng euro giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu vào châu Âu (EU). Sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là cá tra, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng xuất khẩu vào thị trường EU. Giá cá tra xuất khẩu sang EU không tăng, trong khi khối lượng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này suy giảm.

Mặt hàng cá ngừ Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thị trường nhập khẩu ngày càng thu hẹp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang tạm dừng xuất khẩu vào thị trường Nhật do mức thuế quá cao. Trong khi Thái Lan xuất khẩu cá ngừ sang Nhật được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 3,2%, và sẽ còn giảm xuống 1,6% kể từ tháng 4-2011 và 0% từ tháng 4-2012; tương tự đối với Philippines là 3,6%, 2,4% và 0% từ tháng 4-2013 thì với Việt Nam, doanh nghiệp vẫn đang chịu mức thuế 7,2%, cao hơn 40% so với các nước trên và không có lộ trình cắt giảm về 0% như những nước này.

Cần tập trung nhiều giải pháp

Ông Hòe cho biết hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 70% dựa vào nguồn nguyên liệu nuôi trồng. Vì vậy, giá thành thủy sản nuôi rất quan trọng trong điều kiện các yếu tố đầu vào đều có dấu hiệu tăng. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua.

Chất lượng và giá thành của thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng là vấn đề quan trọng. “Giá cả thức ăn chăn nuôi trong ngành thủy sản cần được ổn định”, ông Hòe nói. Điều này giúp người nông dân tính toán được giá thành sản phẩm cho đến khi cung cấp cho các nhà máy. Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản theo hướng bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của những nhà nhập khẩu đưa ra cũng là những đòi hỏi cấp bách.

Tại buổi hội thảo “Phát triển thủy sản bền vững” trong khuôn khổ Vietfish 2010 diễn ra tại TPHCM do Công ty Bureau Veritas Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng gia tăng từ các nước nhập khẩu. Các quốc gia nhập khẩu liên tục đưa ra các hàng rào kỹ thuật, thực hiện việc kiểm dịch chặt chẽ và các tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm.Ông Đỗ Thành Muôn, Giám đốc phân ngành thủy sản của Bureau Veritas, cho rằng đối với thủy sản nuôi, việc áp dụng tiêu chuẩn Global GAP đã trở thành một trong những điều kiện mà các khách hàng EU luôn yêu cầu. Từ năm 2009, các siêu thị ở châu Âu yêu cầu nhà cung cấp phải có chứng nhận Global Gap.

Ông Muôn cũng cảnh báo: “Đạt tiêu chuẩn Global Gap không có nghĩa là các sản phẩm thủy sản của Việt Nam có thể vượt qua những rào cản thương mại khác mà các nhà nhập khẩu đưa ra”. Việc đáp ứng tiêu chuẩn Global Gap cũng chỉ là một trong những giải pháp đối phó với những rào cản mà quốc gia nhập khẩu đưa ra.

Về việc các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó ở thị trường Nhật Bản, Vasep đã đề xuất Bộ Công Thương đưa kiến nghị giảm thuế nhập khẩu cá ngừ vào Nhật Bản vào nội dung đàm phán giữa hai nước. Vasep cũng đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bỏ quy định phải đăng ký kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu (được bảo quản ở nhiệt độ dưới -18 độ). Theo các doanh nghiệp, ở nhiệt độ này sản phẩm không còn nguy cơ gây dịch bệnh cho người và động vật. Nếu tiếp tục kiểm tra sẽ gây lãng phí và chậm tiến độ giao hàng của doanh nghiệp. Ngoài ta, Ban điều hành xuất khẩu cá tra cũng đưa ra kiến nghị tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này từ 37 hiện nay lên 49 doanh nghiệp.


Lê Huê (Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn online)

Tin khác