AGROINFO – Những năm gần đây, Eakar đã mở rộng diện tích trồng cây ca cao. Bước đầu, loại cây trồng này đã đưa lại nhiều kết quả khả quan với diện tích, sản lượng ngày càng tăng dần và đầu ra luôn ổn định.
Từ đầu những năm 2000 – 2001, cây ca cao bắt đầu được đưa vào trồng ở huyện Eakar. Tuy nhiên, các hộ nông dân trên địa bàn chủ yếu trồng theo hình thức tự phát, quy mô chưa được mở rộng. Nhiều chuyên gia khoa học về nông nghiệp đánh giá cây ca cao rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Lãnh đạo huyện Ea Kar đã xác định, đây là loại cây có thể tạo ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp địa phương. Với quan điểm đó, huyện khuyến khích người nông dân trồng trên những vùng đất phù hợp; nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trồng ca cao được triển khai. Trong hai năm đầu thực hiện Dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (Success Alliance) của Sở NN – PTNT Dak Lak thông qua tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA, huyện Ea Kar được hỗ trợ 176.000 cây giống. Ngoài ra, nông dân còn được giúp đỡ về kỹ thuật, phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm. Về phía địa phương cũng triển khai nhiều chương trình, mô hình khuyến nông tập trung vào cây ca cao; đến năm 2009, diện tích đã đạt gần 500 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã: Ea Sa, Ea Đa, Ea Sô, Ea Ô, Ea Tíh, Ea Pal, Xuân Phú. |
Ông Nguyễn Văn Luận (thôn 8, xã Ea Pal, huyện Ea Kar) trong vườn ca cao bắt đầu thu hoạch |
Tính đến thời điểm hiện tại, những diện tích trong dự án trồng năm 2007 đã bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất bình quân ước đạt 2 – 2,5 tấn hạt/ha. Nhận thấy việc trồng ca cao không khó, hiệu quả kinh tế cao (giá bán 50.000 đồng/kg trái), nhiều đơn vị, hộ dân đã chuyển sang trồng ca cao xen dưới tán điều. Các diện tích cà phê, điều già cỗi, năng suất thấp cũng được chỉ đạo thay thế bằng cây ca cao ghép hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Trong năm nay, Công ty cà phê 52 đã chuyển 80 ha cà phê, điều ở xã Ea Đa sang trồng ca cao; nhiều hộ dân cũng mạnh dạn mở rộng diện tích ca cao ở những vùng đất hoang và cây tạp. Theo báo cáo của Trung tâm khuyến nông huyện, trong 6 tháng đầu năm 2010, người dân đã tự trồng mới thêm 250 ha. Với những hiệu quả bước đầu đã được kiểm chứng, diện tích ca cao ở Ea Kar sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, bởi người nông dân cũng đang rất mặn mà với loại cây công nghiệp này.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây ca cao, huyện đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích mở rộng vùng cây này. Để chia sẻ kinh nghiệm trồng ca cao, nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) nông dân giúp nông dân đã ra đời ở các địa phương trong huyện. Anh Nguyễn Văn Luận, thôn 8, xã Ea Pal là một trong những người hưởng lợi từ Dự án Success Alliance khi được cấp cây giống ca cao trồng xen dưới 2 ha điều vào tháng 9 – 2007. Anh được cho đi học về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, lên men ca cao ở Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Tây Nguyên. Với những kiến thức có được, anh trở thành cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chia sẻ cùng các thành viên trong CLB ca cao thôn 8. Toàn xã Ea Pal có 6 CLB rải ra các thôn, đây là điều kiện tốt nhất để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, tham quan vườn cây của nhau học cách trồng, chăm sóc ca cao đạt năng suất cao. Ông Hà Ngọc Thụy, Chủ tịch UBND xã đánh giá về hiệu quả của các CLB này: Việc người nông dân giao lưu, giúp nhau là cách tốt nhất để họ học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trồng ca cao. Mô hình này cần nhân rộng để giúp nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng ca cao theo phương châm: nông dân dạy nông dân, Trung tâm khuyến nông huyện đã giới thiệu 6 vườn mẫu của nông dân ở các xã để mọi người tham quan học hỏi kỹ thuật.
Mặc dù mới thành công bước đầu, nhưng nhiều nông dân thuộc huyện Ea Kar đã được hưởng lợi từ cây ca cao. Điển hình như anh Hoàng Văn Phi ở thôn 4, xã Ea Sa chỉ với hơn 5 sào trồng xen dưới tán điều đã cho thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi năm, hay anh Dũng, thôn 12, thị trấn Ea Knốp hằng năm thu nhập gần 100 triệu từ 6 sào cây này trồng thay cà phê già cỗi…
Từ những thành công bước đầu của cây ca cao trên địa bàn huyện Eakar có thể thấy cây ca cao rất phù hợp với địa bàn và sẽ mở ra những bước đột phá cho nền kinh tế của huyện, nâng cao thu nhập người nông dân. Huyện Eakar có tiềm năng để hình thành vùng chuyên canh ca cao bền vững trong tương lai.
Lê Huê (Tổng hợp)