Tìm giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, sạt lở đất hạ lưu sông Krông Nô

02/07/2010

AGROINFO - Vài năm trở lại đây, hạ lưu dòng Krông Nô (phía dưới hạ nguồn Thủy điện Buôn Tua Srah), đang có nhiều biến động bất thường. Trữ lượng phù sa cũng như các loại cá, sinh vật dưới hạ nguồn bị giảm từ 70 đến 80% so với trước đây.

Đặc biệt, từ đầu năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở khu vực hạ lưu đang diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do chế độ dòng chảy bị thay đổi khi ngăn dòng và vận hành Thủy điện Buôn Tua Srah. Theo kết quả khảo sát của huyện Krông Nô, tính đến nay đã có hơn 3 ha đất dọc theo hạ nguồn dòng sông bị nước cuốn trôi. Nhiều loại sa khoáng phía hạ nguồn bị tụt giảm nghiêm trọng do chế độ dòng chảy thay đổi. Bên cạnh đó, hàng chục công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất của người dân cũng bị đe dọa do sạt lở hoặc không hoạt động được vì thiếu nước khi nhà máy thủy điện không vận hành. Còn khi nhà máy hoạt động thì có khoảng 61 ha hoa màu của người dân bị ngập chìm trong nước.

 

 
 

Đoạn sông Krông Nô thuộc mốc số 9 (Đức Xuyên)  bị sạt lở nghiêm trọng

 

 Trước thực trạng trên, Ban quản lý công trình Thủy điện Buôn Tua Srah cũng đã có nhiều động thái tích cực như thống kê diện tích hoa màu bị thiệt hại do ngập úng để đền bù cho người dân; đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng tìm hướng khắc phục. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh cũng đã cử 4 đoàn khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại để đưa ra giải pháp khắc phục. Mới đây nhất, vào đầu tháng 6, đích thân đồng chí Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng các sở, ngành liên quan đã có đợt khảo sát để tìm hướng tháo gỡ. Tại buổi làm việc này, sau khi nghe lãnh đạo các ngành và địa phương báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục; đồng chí Trần Phương khẳng định: Việc xây dựng Thủy điện Buôn Tua Srah là chủ trương chung của Nhà nước, mang tầm lợi ích quốc gia. Vì trước khi lập dự án, đơn vị thiết kế, tư vấn lại chưa đề cập đến tác động của nó tới hạ nguồn khi chặn dòng, vận hành nên người dân và chính quyền chưa có sự chuẩn bị trước. Do đó, để góp phần ổn định và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đảm bảo an sinh cho những hộ dân trong vùng ảnh hưởng, điều quan trọng là cần đưa ra hệ thống giải pháp khắc phục. Trước mắt, chính quyền địa phương cần phối hợp với Ban quản lý thủy điện thống kê thiệt hại để đền bù cho người dân, muộn nhất là đầu tháng 7; bố trí lại sản xuất cả về đất đai cũng như lịch canh tác mùa vụ phù hợp đối với những vùng bị ảnh hưởng. Mặt khác, cần gấp rút xây dựng hệ thống cảnh báo an toàn, xác lập biểu đồ số liệu về lưu lượng nước khi xả đập, khoanh vùng ảnh hưởng để có kế hoạch an sinh lâu dài cho người dân. Huyện Krông Nô cần xem lại các công trình thủy lợi đang trong quá trình xây dựng mà nằm trong vùng ảnh hưởng thì gấp rút đình chỉ để tránh lãng phí. Bằng bất cứ giá nào cũng phải duy trì cho được hoạt động của hệ thống trạm bơm để phục vụ tưới tiêu cho hoạt động sản xuất của người dân. Về một số ý kiến như đổ đá chỉnh dòng để chống sạt lở, đắp đê ngăn đập thì không mấy khả quan, vì thủy điện mới vận hành, việc thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở là một tất yếu, nó sẽ dần ổn định theo quy luật tự nhiên, chứ không nên can thiệp… Về lâu dài, phải tiến hành quan trắc kỹ hơn để theo dõi sự biến đổi của dòng chảy, xử lý kịp thời các dự báo, tìm ra hướng khắc phục…

Rõ ràng, việc đưa ra hệ thống giải pháp trước mắt và lâu dài để công trình thủy điện phát huy hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo an sinh cho người dân là vấn đề hết sức cần thiết. Tuy vậy, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, các địa phương cũng nên kịp thời tuyên truyền, động viên người dân trong vùng ảnh hưởng để họ hiểu rõ, hợp tác với chính quyền trong việc khắc phục.

 


Lê Huê (Theo Báo Đăk Nông)

Tin khác