Lào cai: Cần có sự đột phá để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

01/07/2010

AGROINFO - Ngành nông nghiệp Lào Cai vừa đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn từ 2011 - 2015 với mục tiêu chính là chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại có quy mô lớn, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững.

Lương thực bảo đảm - thực phẩm lên ngôi

Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng mà năng suất và sản lượng lương thực liên tục tăng, an ninh lương thực được đảm bảo một cách bền vững. Đó là điều kiện, lý do cơ bản để ngành nông nghiệp xây dựng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành, tập trung cho sản xuất chăn nuôi, thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Tính đến cuối năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 168 nghìn con trâu, bò và ngựa, trong đó riêng đàn trâu có tới 131 nghìn con. Cùng với đó là 407 nghìn con lợn, trên 2,7 triệu gia cầm và 28 nghìn con dê. Mặc dù gặp dịch bệnh, thiên tai, rét hại thường xuyên diễn ra, nhưng trong giai đoạn 2006 - 2009, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt con số khá ấn tượng. Cụ thể mức tăng: đàn trâu 5,4%, đàn bò 5,3%, đàn lợn tăng 7,7% và đàn gia cầm đạt mức tăng cao nhất là trên 8,2%. Tính đến năm 2009, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt tới 867 tỷ đồng, tương đương với 33,2% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng cao nhất với 529 tỷ đồng (61%), chăn nuôi gia cầm đạt 240 tỷ đồng (27,7%), chăn nuôi trâu là thế mạnh của nhiều địa bàn vùng cao nhưng cũng chỉ chiếm 55 tỷ đồng (6,4%).

Chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh tuy mới hình thành nhưng đã có mức phát triển khá. Biểu hiện rõ nhất là chăn nuôi theo phương thức hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã trở nên ngày càng phổ biến ở nhiều nơi. Người sản xuất mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng vào các mô hình sản xuất tập trung để tạo ra sản lượng lớn, chất lượng cao. Có tới 80% số đầu lợn trên toàn tỉnh đang được nuôi theo hình thức bán công nghiệp, quy mô trung bình từ dưới 10 con/hộ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 23 trang trại nuôi lợn, quy mô đạt mức trung bình 250 con/trang trại. Chăn nuôi gia cầm có bước tiến khá hơn, có tới 15% tổng số gia cầm trên địa bàn đang được nuôi theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp và chiếm 25% tổng sản lượng thịt gia cầm. Trong số đó có 13 cơ sở chăn nuôi đã được công nhận là trang trại đạt tiêu chuẩn về quy mô cấp tỉnh với số lượng trung bình 2.150 gia cầm/trang trại. Đặc biệt hơn là đại gia súc cũng đã được chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, có sự chuyển từ thả rông sang chăn nuôi công nghiệp kết hợp với chăm sóc theo quy trình kỹ thuật mới.

 
 Gia súc trở thành hàng hóa (Ảnh: Báo  Lào Cai)

Sản phẩm chăn nuôi Lào Cai mới tiếp cận thị trường bên ngoài, nhưng sớm khẳng định được vị trí, nhất là các sản phẩm đặc trưng như: trâu, ngựa, dê. Năm 2009, toàn tỉnh xuất bán sang thị trường tỉnh Lai Châu 4 nghìn con lợn thịt (tương đương 240 tấn), 10 nghìn con gia cầm (tương đương 20 tấn) và bán về các tỉnh miền xuôi gần 7.000 trâu, bò và ngựa.

Định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015, cần có sự đột phá

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIII, thì việc tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh là hướng đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Mục tiêu cụ thể xác định chăn nuôi là mũi nhọn để tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và đây cũng là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X ) về  nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu có tính đột phá là tăng số lượng và quy mô trang trại chăn nuôi lợn tăng lên 150 - 200 trang trại. Để đảm bảo tăng tỷ trọng giống lợn lai, lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao, ngành nông nghiệp có kế hoạch xây dựng 1 trang trại nhân giống cấp I, ngoài cung cấp lợn giống cho tỉnh còn cung cấp lợn giống cho thị trường Lai Châu. Định hướng chăn nuôi cũng đã đánh giá cao vị trí, vai trò của gia cầm trong cơ cấu ngành chăn nuôi. Với quan điểm nâng cao năng lực phát triển chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo hướng trang trại tập trung, ngành nông nghiệp Lào Cai phấn đấu tới năm 2015 sẽ nâng mức 13 trang trại nuôi gà hiện nay lên con số 100 trang trại. Việc xây dựng 1 trang trại sản xuất giống gia cầm có quy mô 2.000 gia cầm bố, mẹ sẽ đảm bảo sự chủ động về nguồn giống trên địa bàn. Bên cạnh đó, chăn nuôi đại gia súc tiếp tục được chú trọng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh miền núi. Hướng đi bền vững là chăn nuôi theo hướng chăn thả có quản lý, bảo vệ kết hợp với trồng cỏ và tăng tỷ lệ thức ăn bổ sung, hạn chế thả rông gia súc.

Nếu so sánh với tình hình, quy mô sản xuất hiện nay, những mục tiêu cụ thể như trên là bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Lào Cai đưa ra là tới 2015 tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp mới chỉ chiếm 38- 40% giá trị sản xuất. Mức tăng 4,8 - 6,8% trong cả giai đoạn và so với 35,6% tỷ trọng đạt được vào cuối năm 2008 thì con số trên vẫn chưa đánh giá đúng lợi thế so sánh của địa phương trong lĩnh vực chăn nuôi. Sự dè dặt này có thể là xuất phát từ những trở ngại mà ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và sản xuất chăn nuôi nói riêng đang gặp phải. Đó là: từ năm 2006, tỉnh đã có định hướng phát triển chăn nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết về ngành sản xuất quan trọng này. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chăn nuôi mới tập trung vào đại gia súc, đối tượng gia súc, gia cầm chưa được quan tâm đúng mức. Việc cải tạo và sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao còn dừng lại ở địa bàn hẹp và rải rác.  Các chương trình hỗ trợ vốn, cho vay phát triển sản xuất ưu tiên chủ yếu cho hộ nghèo, gia đình chính sách, nên chưa kích thích mạnh sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực này. Do điều kiện kinh tế, văn hóa, thói quen sản xuất mà quy mô chăn nuôi vẫn phổ biến là nhỏ lẻ, ở vùng cao, vùng sâu sản xuất chủ yếu tự sản, tự tiêu. Ý thức quan tâm phòng, chống thiên tai, tránh rét và dịch bệnh cho gia súc của người dân chưa cao, điển hình là đợt rét hại đầu năm 2008 đã gây thiệt lớn cho đàn đại gia súc của toàn tỉnh. Cùng với đó là khó khăn chung do cam kết sau hội nhập WTO, sản lượng thực phẩm có giá rẻ nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều, đang cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm hàng hóa trong nước.

Ở một góc độ khác, trở ngại nêu trên cũng là thuận lợi nếu chúng ta biết biến thách thức thành thời cơ. Việc đánh giá một cách chính xác, nghiêm túc những khó khăn và chọn khâu đột phá sẽ mở rộng cánh cửa cho một nền sản xuất chăn nuôi hàng hóa phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai.


Phạm Khánh (Theo Báo Lào cai)

Tin khác