Giải pháp tăng năng suất cao su ở Tây Nguyên

22/06/2010

AGROINFO - Theo thống kê, hiện nay diện tích vườn cây cao su kiến thiết cơ bản có các giống mới ở khu vực Tây Nguyên chiếm 15,4%, hứa hẹn tiềm năng tăng năng suất vào những năm tiếp theo khi diện tích này được đưa vào khai thác.

Cuối năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) khai thác 36.665 ha cao su thuộc khu vực Tây Nguyên, đạt 48.243 tấn mủ, năng suất bình quân là 1,32 tấn/ha; thấp hơn so với năng suất bình quân chung của các khu vực khác như Đông Nam bộ (1,93 tấn/ha), duyên hải miền Trung (1,39 tấn/ha).

 
 Cần nhiều giải pháp để tăng năng suất cao su ở Tây  Nguyên (Ảnh minh họa: Internet)
Thực tế cho thấy, cao su ở khu vực Tây Nguyên thuộc VRG được trồng chủ yếu tại 3 tỉnh Dak Lak, Gia Lai và Kon Tum. Đây là những địa phương có điều kiện sinh thái khó khăn như cao trình biến động, điều kiện thời tiết không thuận lợi, đất dốc thoái hóa bạc màu. Các giống cao su mới được đưa vào trồng trên các vùng cao những năm 1996-1998 để mở rộng diện tích vườn cây nay tỏ ra không còn phù hợp và gây hậu quả kéo dài.

Những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây ở Tây Nguyên gồm: vườn cây khai thác ở đây thuộc cơ cấu “trẻ”, chủ yếu đang được khai thác ở miệng cạo thấp thuộc nhóm I và II có tuổi cạo < 10 (chiếm 73%), nhóm tuổi cạo > 10 chiếm 27%. Năng suất, tỷ lệ vườn cây đưa vào cạo mới và mật độ cây cạo bình quân thấp. Trong số 3 đơn vị có năng suất cao của khu vực Tây Nguyên là Ea H’leo (1,7 tấn/ha), Krông Buk (1,75 tấn/ha) và Chư Sê (1,56 tấn/ha) thì Chư Sê có nhóm tuổi cạo > 10 chiếm tỷ lệ cao 47%, Krông Buk 70% nên tiềm năng tăng năng suất hạn chế. Thứ hai là về giống, hiện có hai giống được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên là GT1 và PB235 chiếm 87,7% tổng diện tích, kế đến là giống PB235 và một phần nhỏ VM515, RRIM600 được đưa vào trồng cả trên các vùng cao 700m. Qua thời gian, giống PB235 phát triển kém và cho sản lượng thấp. Nhiều vườn cây giống PB235 đã phải thanh lý hoặc kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản như ở Krông Buk, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang đã làm ảnh hưởng đến năng suất chung. Một nguyên nhân nữa là diện tích cao su kinh doanh bị ảnh hưởng nặng sau cơn bão sô 9 (11-2009); vườn cây được chuyển từ những chương trình phát triển của các thành phần khác (của địa phương và chương trình 327) sang có chất lượng kém. Mặt khác, thời tiết Tây Nguyên khắc nghiệt hơn so với vùng Đông Nam Bộ nên hầu hết diện tích khai thác bị bệnh phấn trắng nặng, rụng lá từ 2-3 lần, kéo dài thời gian nghỉ cạo ảnh hưởng đến năng suất vườn cây, các biện pháp như phun hóa chất tỏ ra không có hiệu quả. Ngoài ra, do địa bàn vườn cây ở vùng sâu vùng xa, lao động tại chỗ có trình độ kỹ thuật kém, dụng cụ cạo mủ không đạt, ý thức kỷ luật chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn tới năng suất thấp…

Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp kỹ thuật và quản lý được xem là hai yếu tố căn cơ nhằm nâng cao năng suất vườn cây tại khu vực Tây Nguyên. Trong đó, giải pháp quản lý chủ yếu là tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nhất là tập huấn công nhân cạo mủ trước khi giao phần cây cạo và trước mỗi mùa cạo mới, đẩy mạnh phong trào thi đua đạt danh hiệu “Câu lạc bộ 2 tấn” đến tận các cấp tổ, đội, nông trường. Cần có kế hoạch thanh lý sớm diện tích vườn cây kinh doanh kém hiệu quả, còn vườn cây có hiệu quả thì thực hiện tốt các quy hoạch về thiết kế mặt cạo hằng năm trước khi mở miệng cạo lại, bảo đảm miệng cạo hợp lý đúng kỹ thuật và phù hợp với thực trạng vườn cây, không lãng phí bảng vỏ cạo, tuân thủ các chế độ cạo D3 (1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ)…

Chú ý phát triển mô hình đào hố tích mùn như khu vực Đông Nam Bộ, áp dụng kích thích sớm đối với vườn cây cao sản từ đầu mùa khai thác. Một số tiến bộ kỹ thuật về kích thích mủ bằng khí etylen chưa được khai thác cần tiếp tục khảo nghiệm và đúc kết để nhân rộng. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhấn mạnh: “Ban lãnh đạo các công ty khu vực Tây Nguyên cần xây dựng chương trình nâng cao năng suất vườn cây 5 năm, có tổng kết hằng năm, phải phấn đấu sau 5 năm đưa vườn cây cao su Tây Nguyên theo kịp vườn cây cao su khu vực Đông Nam Bộ”. Cũng theo ông Thuận, các nguyên nhân dẫn tới vườn cây năng suất thấp ở khu vực Tây Nguyên cũng là bài học kinh nghiệm cho việc phát triển cao su tại các vùng mới trồng như Tây Bắc, Lào và Campuchia.


Lê Huê (Theo Báo Đak Lak)

Tin khác