Nước sạch về với vùng cao Lào Cai

15/06/2010

AGROINFO - Lào Cai là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn để đưa nước sạch về những vùng khó khăn.

Việc đưa nước sạch về với đồng bào không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mà còn từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

 
 Người dân vùng cao Lào Cai sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.    Ảnh: PV

Những năm gần đây, Lào Cai luôn quan tâm việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 66 công trình tự chảy tập trung và hơn hai nghìn công trình nước sinh hoạt nhỏ lẻ hộ gia đình với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn đã có hơn 72 nghìn gia đình được cấp nước bằng công trình hợp vệ sinh, chiếm 75%; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh hơn 65% và 56% số hộ dân nông thôn có chuồng trại và công trình xử lý chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh; 47,5% số trường học, điểm trường có nhà vệ sinh xây kiên cố; 86,6% số trạm y tế đã có công trình cấp nước và vệ sinh kiên cố. Để đạt được những kết quả trên, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn sử dụng các công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường học cho giáo viên và học sinh; tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác truyền thông về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho người dân nông thôn.

Chúng tôi về xã Bản Phố (Bắc Hà), đây là địa phương đã có nhiều thay đổi từ khi có nguồn nước hợp vệ sinh về với người dân. Chủ tịch UBND xã Thào Xuân Thành cho biết, hiện nay, xã có 11 thôn, với 630 hộ/3.148 nhân khẩu, trong đó hơn 50% số gia đình đã có nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Để nguồn nước phục vụ bà con nông dân luôn được bảo đảm, các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã thường xuyên được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng. Gặp chúng tôi trên đường đi mua ống nước về, bác Chấn (dân tộc Mông) xã Bản Phố tâm sự: "Mấy ngày nữa nhà tôi sẽ được dùng nước hợp vệ sinh rồi. Hôm nay, tôi nghỉ đi làm nương, tranh thủ ra chợ mua vài chục mét ống nhựa về lắp nước máy. Mặc dù đường ống nước đã về đến đầu nhà mấy năm nay, nhưng do không có tiền mua ống nên đành phải dùng nước suối, ô nhiễm lắm". Nhìn trên vai bác Chấn, chúng tôi thấy có sáu ống nhựa nhỏ, bác bảo mua hết 65 nghìn đồng, không có tiền thuê thợ, gia đình phải tự lắp lấy...

Theo anh Vần, Trưởng thôn 2B, xã Bản Phố hiện nay, gần 100% số hộ gia đình trong thôn đã được dùng nước hợp vệ sinh. Trước đây, mỗi buổi chiều, trong thôn lại diễn ra cảnh nhà nhà, người người lục đục băng rừng hàng km để lấy một can 20 lít nước suối về sử dụng. Việc làm nương đã mệt, về muộn, cộng với đi lấy nước mất khoảng 30 phút, nên hầu hết các gia đình trong thôn phải đến hơn 9 giờ tối mới được ăn cơm. Nếu trời nắng thì nước suối còn trong, khi có mưa nước đục ngầu, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác. Nay thì không còn chuyện đó nữa, nước máy đã về đến tận nhà. Cũng nhờ có nguồn nước sạch này mà người già, trẻ em trong thôn ít bị những bệnh về tiêu hóa, đau mắt, bệnh ngoài da... như trước đây. Để chứng minh cho những đổi thay đó, anh Vần dẫn chúng tôi vào thăm gia đình bác Giàng Seo Dín, dân tộc Mông. Trong căn nhà gỗ nằm ven suối, mái lợp bằng prô xi-măng, bác Dín cho biết: "Nhà tôi đã sử dụng nước sạch được năm năm nay, chúng tôi chỉ mất kinh phí đi mua ống nước để kéo nước từ ngoài đường ống chính vào nhà thôi. Để kéo được đường ống nước vào nhà, do không có tiền, gia đình phải đi vay ngân hàng một triệu đồng, sau một năm thì trả hết nợ. Hiện nay, sáu người trong gia đình không còn phải dùng nước suối ô nhiễm như trước đây nữa. Điều đáng mừng cho bà con dân tộc Mông tại xã Bản Phố này là được sử dụng nước hợp vệ sinh mà không phải trả tiền".

Tuy nhiên, việc đưa nước sạch về với nông dân vùng nông thôn Lào Cai hiện nay còn không ít những khó khăn. Trong đó, những công trình quy định nhân dân đóng góp một phần kinh phí để xây dựng gặp khó khăn trong việc huy động đóng góp, làm giảm tiến độ xây dựng. Hơn nữa, nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường của một bộ phận nhân dân trong tỉnh còn hạn chế, nên việc thực hiện xã hội hóa công tác nước sạch và vệ sinh môi trường đạt được chưa cao; việc thực hiện báo cáo tiến độ định kỳ của một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc, gây khó khăn cho việc điều hành, nhất là những công trình phân cấp cho xã làm chủ đầu tư…


Phạm Khánh (Theo Báo Nhân Dân)

Tin khác