Xây dựng hệ thống thủy lợi mang tính chiến lược

15/06/2010

AGROINFO - Do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển sẽ dâng cao, nước ngọt khan hiếm hơn, mâu thuẫn giữa trồng lúa và nuôi trồng thủy sản khó có thể dung hòa. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống thủy lợi cần được điều chỉnhđể phục vụ tốt trong tình hình mới.

Nhiều khó khăn

Do đặc thù về vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước. Mặc dù vậy, do nằm ở nơi có địa hình thấp so với mặt nước biển, nhiều nơi cao trình chỉ đạt 20 - 30cm, đường bờ biển dài nên được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH.

Vấn đề bây giờ cần đặt ra là phải xây dựng được hệ thống thủy lợi làm sao đảm bảo cho cả sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Muốn vậy, phải nhận dạng được mực nước biển dâng: đỉnh triều dâng, chân triều dâng, biển Đông và biển Tây dâng như thế nào. Thực tế, ĐBSCL đang có hiện tượng đỉnh triều dâng nhanh, chân triều dâng chậm, do đó biên độ dâng tăng lên nên sức công phá lớn.

Xây dựng hệ thống thuỷ lợi để đối phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cần thiết.

Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Đào Xuân Học cho rằng, thời gian ngập lũ sẽ rất dài, trước đây khoảng 3 - 5 tháng, bây giờ lên tới 6 - 7 tháng. Như vậy có thể khẳng định, chúng ta không có điều kiện để đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa nếu không có giải pháp công trình.

“Cần phải xây dựng hệ thống thủy lợi tại ĐBSCL theo hướng đa mục tiêu, có sự linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội ngày càng cao và thích ứng một cách tốt nhất trong khả năng có thể dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng”, ông Học nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trong điều kiện BĐKH, hệ thống thủy lợi cần được điều chỉnh để phục vụ tốt không chỉ cho sản xuất lúa mà cả cho nuôi trồng thủy sản.

Hiện tại, khối lượng nước bề mặt của ĐBSCL vào khoảng 400 tỷ m3/năm nhưng vẫn thiếu nước để thau chua rửa mặn trước khi vào mùa vụ. Vì vậy, để chủ động nguồn nước, ngoài việc xây dựng hệ thống thủy lợi thích hợp, cần xây dựng hồ chứa để chủ động được nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Làm như thế, ĐBSCL mới chủ động ứng phó với BĐKH nhưng không đánh mất lợi thế sản xuất nông nghiệp.

Nâng cấp hệ thống thuỷ lợi

Hiện, ĐBSCL có trên 4.430km kênh trục và kênh cấp 1, hơn 6.000km kênh cấp 2,7.000km bờ bao chống lũ, 450km đê bao ven biển, 1.290km đê sông, 7.000km bờ bao ven kênh rạch nội đồng ngăn mặn xuất nhập. Trung bình mỗi năm, vùng sản xuất lúa chủ lực của cả nước dành ra 10.000 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp.

GS. Nguyễn Sinh Huy, nguyên Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường đưa ra quan điểm: “Tại ĐBSCL, cho dù mực nước biển có dâng lên từ 1 - 1,5m thì cũng không đến nỗi phải ngăn sông. Nếu chúng ta tận dụng được hệ thống thủy lợi hiện hữu, đặc biệt là các con đê ngăn mặn thì sẽ giảm được công sức và tiền của cho dự án quy hoạch này”.

Ông Nguyễn Hữu Nhạn, Viện Thủy lợi và Môi trường cho hay, cần tôn trọng hệ thống công trình thủy lợi hiện trạng, điều chỉnh, bổ sung để mang lại hiệu quả cao nhất; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi với hệ thống hạ tầng giao thông và bố trí dân cư.

ĐBSCL có nhiều kênh rạch, nhưng không có công trình phụ trợ nào để chủ động nguồn nước. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, nếu xây đập ở hai đầu các con kênh này thì kênh tự nhiên hóa thành hồ, như thế cục diện sẽ hoàn toàn khác. Một khi biến kênh thành hồ thì không những giữ được nước ngọt đổ về từ thượng nguồn mà còn chủ động thoát nước khi có dấu hiệu lũ về.

“Các hệ thống công trình thủy lợi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999 nếu được nâng cấp có thể kiểm soát được lũ đến tận năm 2100”, ông Huy khẳng định.


Phạm Khánh (Theo Thuý Nga – Báo Kinh tế nông thôn)

Tin khác