AGROINFO - Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê nhiều đứng thứ 2 trong cả nước (sau Đắc Lắc). Những ngày gần đây, bà con nông dân đang rất hoang mang lo lắng về một loại sâu lạ tấn công cây cà phê.
Nhiều chủ vườn đang lo lắng về một loại sâu không được xem là "lạ" đang ráo riết tấn công cây cà phê ở Lâm Đồng. Di Linh là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của loại sâu dại này. Huyện Di Linh là một trong những vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng với khoảng trên 40.000 ha trong tổng số 130.000 ha của toàn tỉnh.Thu nhập chính của gia đình họ chủ yếu dựa vào cây cà phê, nếu không phòng trừ dịch bệnh đạt kết quả cao cũng đồng nghĩa với kết quả năng suất và chất lượng cà phê nguyên liệu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Theo nhận định của Chi cục BVTV (Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lâm Đồng) loại sâu bệnh lạ nói trên chính là sâu ăn lá. Theo kết quả giám định ban đầu của các chuyên gia Hungary tại Viện Bảo vệ thực vật, thì đây là loại côn trùng thuộc bộ cánh vảy Lepidoptera, họ Sphingidae, hiện chưa xác định được loài.
|
Sâu lạ hại cây cà phê (Ảnh minh họa: Internet) |
Nhiều hộ nông dân cho biết loài sâu này trước đây chỉ thấy xuất hiện trên một số loài cây dại và cây rừng chứ chưa bao giờ xuất hiện trên cây cà phê. Ở các loại cây trồng nông nghiệp khác cũng chưa từng thấy xuất hiện loại sâu này. Thực tế tại huyện Di Linh cho thấy, sâu ăn lá cà phê gây hại bằng việc cắn phá đọt non, sau đó ăn dần đến lá bành tẻ và lá già. Những cây mật độ sâu cao, sâu ăn trụi cả lá chỉ còn trơ lại cành. Sâu non có sức ăn lá cà phê rất lớn: bình quân một con sâu từ tuổi 3 đến tuổi 4 có thể ăn từ 3 – 4 lá cà phê trưởng thành/ngày; sâu thường cắn phá lá cà phê vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Chính vì những đặc tính nói trên mà chỉ trong vòng hơn một tháng kể từ ngày chính thức được phát hiện, sâu ăn lá hiện đã gây hại 12 ha cà phê của bà con nông dân trong huyện, với mật độ bình quân 1 – 3 con/cây, có nơi lên đến 8 con/cây. Địa bàn có cà phê cây hại nhiều nhất là các xã Gia Hiệp, Hòa Bắc, Hòa Trung. Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Gia Hiệp, một trong nhiều nông dân trên địa bàn huyện có cà phê bị sâu ăn lá gây hại cho biết, từ khi phát hiện sâu ăn lá đến nay, gia đình anh phải huy động cả nhà bắt sâu bằng tay để cứu lấy rẫy cà phê của gia đình. Theo anh Dũng sâu chỉ cần ăn lá khoảng 4 - 5 ngày là nó to bằng cái đũa, và nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì nó sẽ phá tan tành rẫy cà phê của nhà nông.
Ngay sau khi hay tin sâu ăn lá hại cà phê xuất hiện tại một số xã trong huyện Di Linh, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Di Linh tiến hành kiểm tra thực địa để có hướng hỗ trợ, xử lý và tuyên truyền kịp thời đến người dân. Tuy nhiên, cần phải nói thêm là trước đây, loài sâu ăn lá này chỉ xuất hiện và gây hại trên một số loài cây dại và cây rừng, chưa thất gây hại trên cây trồng nông nghiệp. Vì vậy, các thông tin về loại sâu hại này còn rất hạn chế. Dẫu vậy, trước tình hình sâu ăn lá cà phê có nguy cơ lây lan ra diện rộng, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã đề nghị Trung tâm Nông nghiệp các địa phương tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo mở rộng các khu vực điều tra, phát hiện và chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng trừ để tránh gây hoang mang cho nông dân về đối tượng dịch hại mới. Theo một cán bộ Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, những diện tích cà phê có mật độ sâu ăn lá thấp, bà con nông dân có thể áp dụng biện pháp thủ công bắt diệt sâu non; những nơi có mật độ cao (khoảng từ 30 con/cây trở lên) cần sử dụng các loại thuốc phòng trừ phổ rộng như FM – TOX 50 EC, Sherpa 25 EC pha với nồng độ hướng dẫn trên bao bì.
Trước tình trạng sâu ăn lá tại những diện tích cà phê đã bị sâu lạ tấn công trên địa bàn huyện Di Linh, Chi cục BVTV vẫn đang tiếp tục tăng cường kiểm tra những diện tích trồng cà phê trong tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện sâu ăn lá cà phê để có hướng giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa xác định được loài sâu nên cơ quan chức năng chưa thể đưa ra giải pháp đúng trong biện pháp phòng trừ. Dưới tác động của việc giá cà phê nhân thời gian gần đây khá bấp bênh, nhiều hộ nông dân tỏ ra không mấy mặn mà với cây cà phê, bỏ mặc cho sâu bọ và đất trời....
AGROINFO