Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp 2010: VN có nhiều cơ hội "vàng"

17/05/2010

Theo các chuyên gia kinh tế tại buổi hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp 2010” hôm qua 12/5 tại TP.HCM, ngành nông nghiệp được xác định có nhiều cơ hội “vàng” khi nhu cầu nhập khẩu của các nước bắt đầu có dấu hiệu phục hồi…

 

SẢN LƯỢNG XK VÀ GIÁ TRỊ ĐỀU TĂNG

Theo TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (Bộ NN-PTNT), thuận lợi nhất là mặt hàng thuỷ sản, đặc biệt là mặt hàng tôm có triển vọng tốt khi Nhật Bản (thị trường lớn nhất của VN) có nhu cầu nhập khẩu rất lớn tôm với giá bán khá “mềm” từ phía VN. Cùng với Nhật Bản, kinh tế Mỹ cũng đang hồi phục cũng ảnh hưởng tốt đến XK tôm của nước ta và giá bán được nhận định sẽ tăng cao hơn năm 2009. Riêng mặt hàng cá ngừ, cá tra, cá ba sa giá có khuynh hướng ổn định, bền vững.

Các mặt hàng khác như lâm sản cũng rất thuận lợi khi nhu cầu chế biến giấy và ván trên thế giới được dự báo tăng cao. Các mặt hàng đồ gỗ của VN sẽ có giá tốt tại thị trường Mỹ (chiếm 44% đồ gỗ XK của VN) và EU (chiếm 29% đồ gỗ XK của VN). Ngoài ra, mặt hàng cao su sẽ được duy trì ở mức rất cao do nhu cầu cao su toàn cầu tăng và thời tiết lại bất lợi cho khu vực trồng cao su chính. Nhu cầu về mặt hàng hồ tiêu toàn cầu cũng sẽ tăng 3% trong khi nguồn cung XK lại giảm tới 11% khiến giá có thể tăng đột biến trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cùng với thuận lợi thì yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng ngày một khắt khe hơn. Đáng quan tâm nhất là năm 2010, Luật chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp của Liên minh châu Âu (IUU) yêu cầu DN VN phải có giấy chứng nhận khai thác hợp pháp. Cũng trong năm 2010, đồ gỗ XK vào Mỹ và EU phải có giấy chứng nhận nguồn gốc đối với gỗ đã sử dụng. Khi DN VN áp dụng tốt yêu cầu này, đặc biệt là khi áp dụng quy trình quản lý rừng bền vững sẽ tăng chi phí trồng và khai thác từ 5 – 25%. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản khác XK qua Mỹ, EU, Nhật đang được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn về chất lượng và tiêu chuẩn VSATTP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cũng cho rằng, tăng trưởng nông nghiệp của VN cao nhưng sẽ không giữ được nếu không có chiến lược phát triển bài bản. “Hiện đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp còn thấp; thị trường XK của một số mặt hàng như gạo, cà phê còn bấp bênh; giá năng lượng và vật tư nông nghiệp cao; sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nông nghiệp giữa các quốc gia và vô vàn hàng rào kỹ thuật được dựng lên khiến hàng nông sản XK của nước ta đối mặt với rất nhiều thách thức”.

KHAI THÁC TỐT 4 THỊ TRƯỜNG “VÀNG”

Theo TS.Trịnh Minh Anh – Phó Chánh văn phòng UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công thương), DN VN hoàn toàn có thể chủ động được vấn đề XK hàng hoá của mình nếu nắm chắc được các quy định chung của thế giới cũng như những quy định riêng của các nước nhập khẩu. “Nếu nắm chắc và thực hiện đầy đủ những yêu cầu trên, DN VN sẽ còn đầy triển vọng khai thác 4 thị trường lớn nhất gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc để tăng sản lượng và giá trị XK” – ông Anh nói.

Về Hoa Kỳ, đây là thị trường lớn nhất thế giới nhưng cũng là nơi xây dựng rất nhiều rào cản (như thuế chống bán phá giá, yêu cầu về môi trường, lao động…) để ngăn cản hàng hoá các nước đổ vào. Để khai thác tốt thị trường khổng lồ này (năm 2009 giá trị hàng hoá VN XK vào Mỹ đạt gần 12 tỷ USD), các chuyên gia lưu ý DN tìm hiểu nắm rõ các quy định, yêu cầu của Mỹ về sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, quy định về vấn đề khủng bố sinh học, luật và đạo luật về nguồn gốc XK đồ gỗ…

Cùng với Mỹ, Nhật Bản là một thị trường đầy tiềm năng và rất gần với VN. Không có quá nhiều rào cản đủ loại hình như Mỹ, muốn khai thác tốt thị trường này, DN cần đặc biệt chú trọng đáp ứng các yêu cầu mang tính “chìa khóa” về chất lượng và VSATTP. Còn EU, một thị trường truyền thống và khá lớn của VN được đánh giá có các yêu cầu nhập khẩu tương đối ổn định. VN và EU cũng đã có nhiều quy định song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, xuất nhập khẩu nên khá thuận lợi cho hàng hoá VN. Để tiếp tục khai thác thị trường này, các DN cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu “không phạm luật” về vấn đề trợ cấp, bán phá giá và chất lượng VSATTP.

Riêng thị trường gần gũi nhất là Trung Quốc, các chuyên gia nhận định DN luôn có thái độ rất chủ quan, mặc dù đây là nước nhập khẩu một lượng nông sản khổng lồ của VN. Thị trường này cũng được đánh giá có nhiều thay đổi về chính sách và áp lực từ sự “đỏng đảnh” của các nhà nhập khẩu khiến DN VN luôn gặp bất ngờ, khó khăn và thiệt hại. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường còn rất nhiều tiềm năng và khá dễ tính, hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng thô sơ, sơ chế. Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, DN VN cần chủ động tiếp cận thông tin (nhất là tiếp cận các chính sách thay đổi liên tục của Trung Quốc) để có sự điều chỉnh và giải pháp thích hợp trong quá trình XK hàng hoá.

Theo (Đức Cường – Báo Nông Nghiệp)

Cập nhật: Ngày13/05/2010 Lúc 10h:47p


Tin khác