AGROINFO – Trong năm 2008, Đội quản lý bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm huyện Krông Nô đã phát hiện được 52 vụ phá rừng tại Đray Sáp. Rừng đặc dụng Đray Sáp đang ngày càng trở nên nghèo kiệt, nhiều loại cây gỗ quý hiếm đã bị khai thác, tàn phá nghiêm trọng.
Rừng đặc dụng Đray Sáp một bộ phận của di tích lịch sử danh thắng quốc gia Đray Sáp - Gia Long. Rừng có diện tích 1.300ha, với nhiều loại gỗ quý hiếm như cà te, căm xe, hương, trắc. Ngày 25-2-2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) đã ban hành Quyết định số 603/QĐ-UBND để bàn giao 1.688 ha rừng đặc dụng Đray Sáp (thuộc địa bàn hành chính xã Đắk Sô, huyện Krông Nô) cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Lắk quản lý và bảo vệ. Kèm theo quyết định là biên bản bàn giao về hiện trạng đất và rừng Đray Sáp lúc bấy giờ. Khi tỉnh Đắk Nông được thành lập thì toàn bộ khu rừng này lại được bàn giao cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông quản lý và bảo vệ. Theo đó, khu rừng đặc dụng Đray Sáp gồm có 1.408 ha rừng tự nhiên, 19,5 ha rừng trồng và số diện tích còn lại là đất trống cần được tái sinh rừng.
|
Rừng Đray Sáp đang ngày càng cạn kiệt (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo đề nghị thì Ban quản lý rừng đặc dụng Đray Sáp có từ 7 đến 9 cán bộ kiểm lâm, có nhiệm vụ tuần tra và trực tiếp xử lý những việc liên quan tới vi phạm lâm luật. Ban quản lý Khu du lịch văn hoá Đray Sáp cho biết, vào năm 1999 khi UBND tỉnh Đăk Lăk (cũ) đã ra quyết định quy hoạch 1.400 ha rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm bao bọc xung quanh cụm thác Đray Sáp làm rừng đặc dụng. Mục tiêu của việc quy hoạch rừng Đray Sáp là để bảo tồn và xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái văn hoá mang tầm cỡ quốc gia.Trong đó, toàn bộ 1.408 ha rừng tự nhiên đều có trạng thái là rừng giàu và trung bình, chủ yếu thuộc các nhóm IIIa2, RIIIa2, IIIa3 với các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, cà te, sao, căm xe, giáng hương… Việc quy hoạch, bàn giao rừng đặc dụng cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông là nhằm mục đích gìn giữ, bảo tồn cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đray Sáp; đồng thời tạo điều kiện để cho công ty xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm du lịch sinh thái văn hóa mang tầm cỡ quốc gia. Thế nhưng, từ ngày được bàn giao rừng cho đến nay, do công tác quản lý yếu kém, nên công ty đã để cho người dân chặt phá hàng trăm ha, khai thác các loại gỗ quý hiếm khiến cho khu rừng đặc dụng Đray Sáp trở nên nghèo kiệt.
Ngày 6-4-2010, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra theo Chỉ thị số 12/TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đoàn 12) để kiểm tra về công tác quản lý, bảo vệ cũng như hiện trạng rừng tại khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Ngày 22-4-2010, Đoàn 12 đã có biên bản kết luận về việc “kiểm tra hiện trạng rừng, đất rừng và hoạt động quản lý bảo vệ khu rừng đặc dụng Đray Sáp”. Theo đó, khu rừng đặc dụng Đray Sáp đã bị biến động rất lớn cả về diện tích lẫn trạng thái so với thời điểm được bàn giao cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông. Cụ thể, số diện tích rừng tự nhiên bị giảm 469,5 ha và 19,5 ha rừng trồng cũng hoàn toàn không còn. Cùng với đó, số diện tích rừng tự nhiên hiện còn đã bị biến đổi thành các dạng nghèo kiệt như 1/2IIIa1 và Le+IIIa1 với tỷ lệ 99%. Đặc biệt, cấu trúc tầng tán của rừng bị phá vỡ nghiêm trọng, bình quân 1ha chỉ còn khoảng 30-50 m2 rừng. Độ tản che của rừng cũng đã giảm xuống dưới 0,3% và thiếu cây tái sinh trầm trọng (kể cả các loài cây kế cận và cây mục đích)…Trong năm 2008, Đội quản lý bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm huyện Krông Nô đã phát hiện được 52 vụ phá rừng tại Đray Sáp. Trong đó, có những vụ phá rừng nghiêm trọng với diện tích rừng bị phá rất lớn, khối lượng gỗ bị khai thác nhiều, buộc cơ quan chức năng phải xử lý hình sự… Riêng từ đầu năm 2009 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Krông Nô và Đội quản lý bảo vệ rừng Đray Sáp cũng đã phát hiện được 31 vụ vi phạm lâm luật tại rừng đặc dụng Đray Sáp như vận chuyển gỗ lậu, khai thác gỗ và phá rừng trái phép…
Theo thống kê của Đoàn 12 thì kể từ 2004 cho đến nay, chỉ có 45 vụ phá rừng trái phép và 38 vụ khai thác, vận chuyển gỗ lậu được phát hiện. Các vụ việc này hầu hết đều do Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô phát hiện, chứ không phải do đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Trong số các vụ việc phá rừng được phát hiện thì đến nay vẫn còn 19 vụ chưa được đưa ra để xử lý. Công tác bảo vệ rừng cũng không được triển khai một cách thường xuyên, liên tục nên hiệu quả rất thấp. Theo đánh giá của Đoàn 12, trong những năm qua, công tác bảo vệ khu rừng đặc dụng Đray Sáp gần như bị đơn vị chủ quản phó mặc cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô…
Lê Huê (Theo Báo Đăk Nông)