Nhiều hộ dân từ chỗ nhàn rỗi, thất nghiệp nay bận rộn với việc chăm sóc cây rừng. Đó chính là thành quả sau 6 năm triển khai phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc ở xã vùng sâu này.
Khi mọi người thấy lợi từ trồng rừng
Trên đường vào thăm một số hộ trồng rừng ở xã Ea H’Mlay, anh Lưu Minh Oai, Phó Chủ tịch UBND xã, người dẫn đường cho chúng tôi biết: “Anh Lê Văn Dũng ở thôn 4 là hộ đầu tiên của xã nhận trồng rừng. Diện tích rừng trồng của anh trải dài mấy quả đồi mà chúng ta vừa đi qua. Anh ấy đang lập lán trại khai thác số diện tích rừng trồng từ năm 2005. Vào đây khí hậu khác hẳn vì xung quanh đều là rừng.
Những quả đồi này trước toàn cỏ dại, nay đã in dấu chân người khắp mọi nơi”. Đến nơi gặp và trò chuyện với anh Dũng, được biết gia đình anh cũng có đến 12 ha cà phê, hai vợ chồng làm quanh năm không hết việc, nhưng năm 2005, khi chính quyền xã phát động phong trào trồng rừng, anh Dũng đã mạnh dạn tham gia. Ngoài việc được tập huấn, tuyên truyền về chủ trương, kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ 20.000 cây keo giống và 3 tấn phân vi sinh, còn lại tất cả anh Dũng phải tự “bơi”. “Nhận rồi thì có khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm làm thôi. Ban đầu, tôi dùng tiền tích góp từ các niên vụ cà phê đổ hết vào rừng.
Không chỉ mua thêm cây giống, thuê nhân công gieo trồng, làm cỏ, bón phân mà còn phải thuê máy múc, san ủi làm đường. Trừ những lúc làm cà phê, thời gian còn lại cả nhà dồn vào rừng. Trải qua 6 năm trời ròng rã, đến nay gia đình đã trồng được 48 ha rừng, trong đó có 15 ha đang thu hoạch” - anh Dũng thổ lộ. Để trồng được 48 ha rừng keo lá tràm, anh phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, trong đó riêng tiền san ủi 10 km đường đất đã hết 160 triệu đồng. Trong năm 2010 này, gia đình sẽ khai thác khoảng 15 ha, với giá bán từ 350.000 - 450.000 đồng/ste củi cũng đã thu được 500 triệu đồng, sang năm sau sẽ thu hồi vốn. Khi thu hoạch hết số diện tích rừng trồng, trừ chi phí thuê nhân công, anh cũng có trong tay tiền tỷ và tiếp tục đầu tư trồng rừng.
Hai vợ chồng anh Phạm Tiến Cảnh (thôn 6, xã Ea H’Mlay) đều là công nhân Công ty Cà phê 715. Tuy công việc khá ổn định nhưng khi xã phát động phong trào trồng rừng, thấy được lợi nhuận do rừng đem lại, gia đình anh quyết định nhận trồng 25 ha rừng keo lá tràm. Đến nay, 10 ha đã cho thu hoạch. Anh Dũng tính toán: “Để trồng được 1 ha rừng, tôi phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng/năm mua thêm cây giống, phân bón ban đầu, công chăm sóc. Sau 6 đến 7 năm, rừng sẽ cho thu hoạch, trừ mọi chi phí, tôi cũng thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha”.
Cần tiếp tục nhân rộng phong trào
Điều đáng nói, chủ trương trên không chỉ đem lại lợi nhuận cho những người trực tiếp đầu tư trồng rừng mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi khác. Bởi theo anh Cảnh, để thu hoạch 10 ha rừng trồng, phải thuê khoảng 50 lao động để cưa hạ, bóc vỏ cây, bốc vác, vận chuyển… Chị Đậu Thị Tùy (thôn 14, xã Ea Riêng, huyện M’Drak), người làm công cho anh Dũng nói: “Gia đình tôi trồng 7 sào lúa chỉ đủ gạo ăn thôi nên vợ chồng phải đi làm thuê để có tiền nuôi 2 con học. Trước đây, người đông công việc ít, chúng tôi thường xuyên thất nghiệp. Từ ngày những hộ trồng rừng ở xã Ea H’Mlay thu hoạch rừng, chúng tôi đã có việc làm thường xuyên, mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng trang trải các chi tiêu trong gia đình”.
Qua tìm hiểu được biết, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước phát động phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhận thấy tiềm năng của xã còn rất nhiều diện tích đất hoang hóa, từ năm 2005, chính quyền xã đã phát động phong trào trồng rừng. Tuy nhiên, ban đầu do còn e ngại vì chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài, vả lại trồng rừng là một công việc khá mới mẻ nên rất ít người tham gia. Để nhân rộng phong trào, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể và hệ thống loa truyền thanh. Thêm vào đó, người dân nhận thấy một số diện tích đất ở xã không thể trồng các loại cây khác nên mạnh dạn chuyển qua trồng rừng. Nhờ vậy, đến cuối năm 2009, toàn xã đã có 162 hộ tham gia phong trào trồng rừng phủ xanh đồi trọc với tổng diện tích 785 ha, bình quân mỗi năm trồng được 130,8 ha. Trong năm 2009 và 2010, đã có 280 ha rừng đến tuổi khai thác, không chỉ giúp một số gia đình thoát cảnh túng bấn mà nhiều hộ còn trở nên giàu có. Anh Lưu Minh Oai khẳng định: “Hai năm trở lại đây khi một số diện tích rừng trồng cho khai thác, bà con nhận thấy lợi nhuận do rừng đem lại khá cao, lại ít tốn công chăm sóc hơn các loại cây trồng khác nên nhiều hộ đã mạnh dạn tham gia phong trào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền cho bà con tiếp tục trồng lại rừng ở những diện tích đã khai thác. Từ nay đến 2015, xã đề ra chỉ tiêu mỗi năm trồng mới 20 - 30 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 52 – 53%, tôi tin tưởng rằng cứ với “đà” này, xã sẽ thực hiện được”.