Tranh chấp mặn ngọt đang xảy ra gay gắt trên địa bàn Bạc Liêu. Người làm lúa thì lo bị nước mặn xâm nhập, kẻ nuôi tôm thì chờ nước mặn để bơm vào cứu tôm.
Mâu thuẫn càng lên đến đỉnh điểm khi có hàng trăm hộ nuôi tôm tại huyện Giá Rai đòi phá đập, mở cống để lấy nước mặn cứu tôm, bởi hàng ngày có hàng chục ha tôm nuôi bị chết ngạt do thiếu nước. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 6.300 ha tôm nuôi bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do khô hạn, thiếu nguồn nước mặn.
Ông Liên An Lộc, Phó phòng NN-PTNT huyện Giá Rai thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại mỗi ngày một tăng, có ngày hàng chục ha tôm nuôi bị chết. Người nuôi tôm ở các xã: Tân Thạnh, Tân Phong, Phong Tân (huyện Giá Rai) ngậm ngùi nhìn tôm chết mà không thể làm gì. Bởi mực nước trên các vuông tôm khô cạn dần, còn nguồn nước trên các tuyến kênh thì cạn kiệt, có đoạn khô nứt nẻ không còn nước bơm vào cứu để cứu tôm nuôi.
|
Người nuôi tôm ở huyện Giá Rai bất lực nhìn tôm chết vì không có nước để bơm cứu tôm |
Theo ông Lộc lý giải, tôm nuôi ở huyện khát nước mặn, chết dần bắt đầu từ khi nông dân trong tỉnh đồng loạt xuống giống vụ lúa ĐX. Bởi vụ sản xuất này có nhiều nguy cơ về sâu bệnh, nhất là không đảm bảo nguồn nước ngọt. Bất chấp chủ trương, gần 44.000 ha được đưa vào sản xuất lúa vụ ĐX, người dân thì ấp ủ nhiều hy vọng sẽ trúng được giá vào cuối vụ. Ngay từ đầu tháng 3, khi trà lúa mới được gần 2 tháng tuổi đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt ở nhiều địa phương, đặc biệt xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn, nước mặn đã lấn sâu vào vùng ngọt ổn định, trên các tuyến kênh nội đồng độ mặn cao nhất lên đến trên 6%o.
Mâu thuẫn giữa hai vùng mặn - ngọt phát sinh gay gắt khi Ban điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu hạn chế việc điều tiết nước mặn để bà con nuôi tôm, vì lo sợ nước mặn sẽ lại xâm nhập vào vùng ngọt ổn định lần nữa. Do đó, vì cứu lúa mà vô hình chung đã làm cho hàng ngàn ha tôm nuôi bị thiệt hại. |
Ông Nguyễn Văn Còn, người nuôi tôm ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai cho biết: “Chỉ trong mấy ngày qua, có hàng chục hộ dân trong ấp tập trung lại đòi kéo biểu tình, đòi phá đập, mở cống lấy nước mặn, vì tôm nuôi của họ đang chết từng ngày mà không có nước mặn để bơm vào vuông cứu tôm. Đầu vụ sản xuất tôm năm 2010, ông Còn thả trên 100 ngàn con tôm sú giống xuống diện tích gần 5 ha, chủ yếu nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến. Đến nay tôm mới được khoảng 2 tháng tuổi nhưng đã nổi đầu chết, nên phải thu hoạch để bán “tôm non”, với giá chỉ 40 ngàn đồng/kg. Hiện tại mực nước chỉ còn vài tấc, cộng với cái nắng như đổ lửa thì con gì mà sống nổi. Có hộ cho nạo vét lại ao, đường dẫn nước nhưng vẫn không có nước để bơm.
Ông Lương Ngọc Lân, PGĐ Sở NN-PTNT, kiêm Trưởng ban Điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để cứu trà lúa ĐX các địa phương có diện tích lúa bị ảnh hưởng lớn như: Phước Long, Giá Rai, Hòa Bình…đã đồng loạt đề nghị xả cống để xổ nước mặn ra cứu lúa. Đứng trước thực trạng trên, BCĐ Điều tiết nước của tỉnh phải cho mở một số cống ngăn mặn dọc theo Quốc lộ 1A để xả nước mặn, kéo nước ngọt về pha loãng khối mặn xâm nhập. Động thái này kết hợp với việc tập trung bơm tát nước mặn tại các đập tạm thời vụ đã nhanh chóng khắc phục được tình trạng xâm nhập mặn, nhất thời “giải cứu” hàng chục ngàn ha lúa ĐX thoát khỏi nguy cơ bị thiệt hại nặng nề về năng suất do nhiễm mặn.
Phạm Khánh (Theo NPV ĐBSCL / Báo Nông Nghiệp)