Ngoài ra, người già ở độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu sẽ được nhận trợ cấp; người còn khả năng làm việc nhưng không có việc sẽ được hộ trợ bằng “việc làm công”…Bằng các biện pháp hỗ trợ trên, đề án "Hệ thống an sinh xã hội (ASXH) với dân cư nông thôn giai đoạn 2011-2020" (do Viện khoa học LĐ – XH- Bộ LĐ - TB - XH xây dựng) đặt ra mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân nông thôn được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH. Theo dự thảo đề án, sẽ cần huy động tổng ngân sách thực hiện lên tới 879.000 tỷ đồng. Hiện, Bộ LĐ – TB – XH đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo đề án, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 tới.
|
Lao động nghèo, đồng bào dân tộc sẽ được hỗ trợ kinh phí mua BHXH tự nguyện. Ảnh: Trung Kiên |
Mở rộng đối tượng được trợ giúp
Ông Đặng Kim Chung, Phó viện trướng Viện Khoa học LĐ- XH, cho rằng, mọi người dân khi có thu nhập dưới mức sống tối thiểu đều nhận được trợ giúp xã hội (TGXH) là chính đáng. Chính vì thế, ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách, dự thảo của đề án còn mở rộng đối tượng TGXH thường xuyên như: người già không có lương hưu, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu và trong hộ không còn người có khả năng lao động.
Ngoài ra, đề án xây dựng các chính sách TGXH bổ sung cho các mục tiêu dài hạn như: trợ giúp cho các gia đình nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn để họ cho con đi học hoặc các bà mẹ đi khám thai định kỳ và cả trong thời gian nuôi con nhỏ… Trẻ em tại vùng khó khăn sẽ được nhận tiền học và một khoản cho gia đình để không phải đi làm phụ giúp gia đình.
Đặc biệt, các nhóm đối tượng đặc thù như: người khuyết tật không thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi cả cha mẹ hoặc không còn người nuôi dưỡng do bố mẹ bị chết vì HIV/AIDS hoặc đang chấp hành án tù, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ… cũng được xem xét để được nhận TGXH.
Đối với người thất nghiệp ở nông thôn sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhất là các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề. Theo đó, một cơ chế liên thông giữa BHTN, trợ cấp thất nghiệp và TGXH sẽ được xây dựng đề đảm bảo sau thời gian hưởng BHTN mà người lao động vẫn không tìm được việc làm mới và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn thì chuyển sang thụ hưởng các chính sách về TGXH.
BHXH là trụ cột chính
Theo ông Chung, thực tế cho thấy, những chính sách ASXH trước đây đều chưa đánh giá chính xác thực trạng về đời sống, trình độ dân trí, cách tiếp cận thông tin…của các đối tượng. Cách xác định đối tượng từ trước cho tới nay còn mang tính tương đối, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của cán bộ địa phương. Chính vì thế, việc cải thiện công tác xác định đối tượng và quản lý biến động đối tượng cũng được nêu ra trong nội dung của đề án. “Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng bộ công cụ kiểm tra nhanh để bảo đảm rằng những người đủ tiêu chuẩn sẽ nhận được trợ giúp kịp thời không nhất thiết phải chờ đến cuối năm”, ông Chung nói.
“Sẽ có rất nhiều hình thức hỗ trợ, trong đó chúng tôi xác định tập trung vào hướng hỗ trợ tạo việc làm. Nếu hỗ trợ tiền mặt sẽ phải có điều kiện để tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại”- Ông Đặng Kim Chung, Phó viện trướng Viện Khoa học LĐ- XH, cho biết.
Trong trường hợp gặp rủi ro đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, tác động của khủng hoảng, của cải cách kinh tế…người dân cũng sẽ nhanh chóng được nhận sự hỗ trợ từ quỹ dự phòng trợ giúp đột xuất tại các địa phương.
Đề án cũng đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống dân cư vùng nông thôn, song về lâu dài, chính sách thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội vẫn được coi là trụ cột chính của hệ thống ASXH. Giải pháp này bảo đảm cho đại bộ phận người lao động có nguồn thu nhập thay thế khi bị mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn (mất sức hoặc hưu trí), đồng thời giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước trợ giúp khi có rủi ro. “Chúng tôi đề xuất, mức hỗ trợ mua BHXH tự nguyện của người dân tộc thiểu số và lao động nghèo ở nông thôn có thể lên tới 40 - 50% ”, ông Chung cho biết.
Tuyết Trịnh (Đất Việt)