Tây Nguyên: Người trồng cà phê gặp… “bài toán khó”

24/02/2010

AGROINFO - Nhắc đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến đây là vùng đất chuyên canh cây cà phê – có thêm nữa cũng là cao su và hồ tiêu. Lợi ích kinh tế từ việc chuyên canh cây cà phê trên vùng đất đỏ ba dan này trong những năm trước, đã rõ.

Nhưng, mặt trái của nó và những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai không phải ai cũng nhìn ra, đó là khi thị trường cà phê trong nước và thế giới biến động, người trồng cà phê luôn bị tác động mạnh vì họ không có sản phẩm nông nghiệp khác để thay thế nhằm giảm bớt thiệt hại. Tiếp đến là những mảnh đã trồng cà phê lần một lại không thể tiếp tục trồng loại cây này thêm lần thứ hai. Thế nên, có câu hỏi đặt ra: Liệu Tây Nguyên đã đến lúc tiến hành đa dạng hóa cây trồng hay chưa ?

Thực tế không vui

Cây cà phê bị chết trên đất đã từng trồng cà phê lần một

Trong 4 ngày từ 21 đến 24/1/2010, theo chân đoàn cán bộ của Viện chính sách chiến lược và phát triển NNNT do Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (Viện trưởng) dẫn đầu, chúng tôi đã tiếp cận nhiều doanh nghiệp, người dân trồng và kinh doanh cà phê ở hai tỉnh Đắk Lắc - Đắk Nông. Hỏi về giá cà phê năm trong 2009, thì ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp nhiều “tiếng thở dài với ánh mắt buồn” của người làm cà phê hơn là “nụ cười tươi” của họ.

Ông Nguyễn Tuấn Hà – Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuật – tỉnh Đắl Lắc nói: “Trong năm 2009, do giá cà phê trên thị trường biến động mạnh đã gây thiệt hại nặng cho đa số các DN chế biến, kinh doanh cũng như xuất khẩu cà phê ở đây. DN nào lỗ ít cũng vài ba tỉ, nhiều thì lên đến con số hàng chục tỉ”. Lô gích tất yếu kéo theo của việc DN kinh doanh cà phê làm ăn thua lỗ là – người nông dân không thể tránh khỏi “rủi ro” về sản phẩm mà mình làm ra. Chẳng thế, khi chúng tôi gặp nông dân hỏi về tình hình, kinh tế từ cây cà phê đem lại, câu trả lời nhiều nhất: “Mấy năm trước còn được chứ bây giờ chán lắm, không ăn thua đâu”.

Thực tế, đã có một số hộ nông dân tự ý đốn bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác như gia đình anh Điệu Lơm, ở huyện Krông Ana. Anh Điệu Lơm ngập ngừng cho biết: “Nhà mình trước đây có 1ha cà phê nhưng vừa chặt đi 7 sào để chuyển sang trồng ngô vì ở đây nhiều nước quá nên cây cà phê không chịu được” – hẳn người đọc cũng biết, những năm gần đây Tây Nguyên luôn rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng ?!

Bên cạnh vấn đề về giá, người trồng cà phê ở Tây Nguyên còn đối diện với một vấn đề khác còn làm cho họ “đau đầu” hơn. Đó là, những mảnh đất (mảnh vườn) đã trồng cà phê một lần đến khi cây già cỗi người nông dân chặt đi nhưng lại không thể trồng cây cà phê thêm lần thứ hai. Bởi: “Cứ trồng xuống là chỉ một thời gian sau cây cà phê tự chết. Công ty chúng tôi thiệt hại hơn 4 tỉ vào việc trồng lại cây cà phê trên những mảnh đất đã trồng cà phê lần một. Không hiểu vì lý do tại sao, đến năm thứ 2, thứ 3 là cây chết hàng loạt với hiện tượng táp lá, khô rễ” - Ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng kế hoạch – Công ty cà phê tháng 10 tỉnh Đăk Lắc, cho biết.

Thiết nghĩ, đây như một bài toán về “bát cơm manh áo” của hàng vạn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên trong tương lai gần mà các nhà khoa học cả nước cần nhanh chóng đi tìm lời giải !

“Bài toán” này đã và sẽ có nhiều lời giải ?!

Trong vài năm qua ở Tây Nguyên xuất hiện một số cá nhân, DN tự tìm hướng đi cho mình bằng việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cà phê sang trồng loại cây khác.

Thăm vườn cây Ca cao 3 năm tuổi của công ty cà phê tháng 10, ông Nguyễn Văn Trung – trưởng phòng kế hoạch công ty hồ hởi giới thiệu: “Thành công vượt qua cả sự mong đợi, đất đã trồng cà phê lần một, không trồng được cà phê lần hai, nhưng lại rất thích hợp với cây ca cao. Cây Ca cao được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển rất nhanh, chỉ 2 năm là bói quả, 3 năm là cho thu hoạch tương đối khá. Công ty chúng tôi đã tiến hành khảo sát và nhận thấy, thị trường thế giới có nhu cầu rất lớn về hạt Ca cao, giá cả của nó cũng có tính ổn định hơn một số lại cây trồng khác”.

 vườn cây Ca Cao của công ty ca phê tháng 10

Ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ thêm: “Ca cao là loại cây trồng có đặc tính ưa bóng – nghĩa là chỉ trồng nó dưới tán của những cây thân gỗ thì cây ca cao mới phát triển và cho quả. Ca cao không thể chịu được ánh nắng chiếu trực diện như cây cà phê”.

Nhìn vào mô hình vườn cây Ca cao của công ty cà phê tháng 10, người viết nhận thấy có ít nhất hai lợi ích đem lại cho khu vực Tây Nguyên nếu mô hình này có được sự hướng dẫn để nhân rộng. Một là sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của vùng, từ đó giúp cho người nông dân giảm thiểu thiệt hại khi giá cà phê biến động bất lợi đối với họ. Hai là, để trồng được cây ca cao, người nông dân buộc phải bảo vệ và trồng thêm những cây thân gỗ lâu năm để lấy bóng che cho cây trồng kinh tế của mình. Như vậy, mầu xanh của tán rừng Tây Nguyên không những được giữ vững mà còn phát triển.

Tiếp đến, chúng tôi đi tìm hiểu mô hình trồng cây chanh dây của HTX Tia Sáng (thuộc xã Kiến Thành - huyện Cư Jut – tỉnh Đắk Nông). Bà Phạm Hương Quê, chủ nhiệm HTX Tia Sáng cho biết: “HTX có 40 hội viên trồng chanh dây, người trồng ít nhất là 2 sào, nhiều nhất là 3 ha. Chanh dây trồng xuống chỉ 8 tháng là bắt đầu cho thu hoạch quả, giá bán bình quân tại vườn ở thời điểm hiện tại là 8 nghìn đồng/1kg. Mà, 1ha chanh dây cho thu hoạch từ 70 – 80 tấn quả / năm”.

 
 Vườn chanh dây của hội viên HTX Tia Sáng

Theo sự dẫn đường của bà Quê, đoàn chúng tôi đến thăm vườn chanh dây 6 tháng tuổi, rộng 2 ha của hộ gia đình ông Lê Văn Quý ( thuộc thôn 3, xã Kiến Thành). Ấn tượng chung của mọi người trong đoàn là chanh dây ở đây rất sai quả. Dù gia đình đã trồng được 2 ha, nhưng Ông Quý vẫn tiếc rẻ nói với tôi rằng: “Muốn trồng thêm nữa nhưng gia đình không còn vốn. Tôi đi vay Ngân Hàng nhưng không được vì chanh dây không nằm trong danh mục cây nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn phát triển”.

Tìm hiểu thêm về cây chanh dây ở đây chúng tôi được biết: Chi phí đầu tư cho 1 ha trồng chanh dây chỉ từ 25 – 30 triệu đồng, nhưng lợi nhuận mà nó đem lại thì lên đến con số hàng trăm triệu đồng. Trước lợi nhuận quá lớn từ chanh dây, một bác nông dân ở đây bộc bạch: “Chắc nó chỉ có tính thời điểm nên đã trồng là phải làm nhanh, làm lớn để ăn lớn”. Đồng chí Phạm Minh Vượng - phó phòng nông nghiệp huyện Cư Jut cho biết: “Chúng tôi rất lo về chất lượng cây giống mà người dân mua về trồng. Giống chanh dây chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm định và bảo đảm chất lượng cây giống cho bà con ”. Như vậy, khu vực này đang rộ nên phong chào “nhà nhà trồng chanh dây” ?. Người dân khu vực có thể sẽ phải đối diện với một loạt vấn đề nếu ngay từ bây giờ chính quyền sở tại không khẩn trương vào cuộc để tìm giải pháp về chất lượng giống, vùng quy hoạch trồng chanh dây nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra của sản phẩm có tính ổn định lâu dài.

Đừng để ra đáp số như … cây vải thiều hay dưa hấu là nông dân mừng

Đem vấn đề này đến trao đổi với một số chuyên gia về nông nghiệp, chúng tôi nhận được ý kiến chia sẻ: “Đa dạng hóa cây trồng là vấn đế cần thiết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, muốn đa dạng cây trồng, trước tiên anh phải xác định rõ đâu sẽ là cây trồng chủ lực của địa phương mình ? Nghĩa là, loại cây đó phải thích hợp nhất với thổ nhưỡng, phong tục tập quán sản xuất của người dân và đem lại hiệu quả kinh tế có tính ổn định cao cho địa phương. Từ đó có thể thấy, cây cà phê vẫn phải là cây trồng chủ lực ở khu vực Tây Nguyên. Vì thực tế đã chứng minh, đây là cây trồng thích hợp nhất với thổ nhưỡng ở vùng này. Thêm nữa là người dân nơi đây đã quen đến mức thành thục tất cả các công đoạn trồng, chăm sóc và chế biến cà phê. Cho nên, không thể bỏ vai trò chủ lực của cây cà phề ở khu vực. Vấn đề còn lại là ở công đoạn tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định. Và, tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết cho vấn đề vì sao cây cà phê không thể trồng 2 lần trên cùng một mảnh đất ?”.

Với hai loại cây trồng mới đang trong quá trình hình thành và phát triển trên khu vực Tây Nguyên là Ca cao và chanh dây Tiến sĩ – Đặng Kim Sơn có ý kiến: “Cần có sự nghiên cứu kĩ về nhu cầu thực sự của thị trường trong nước và thế giới trước khi tiến hành nhân rộng hai loại cây này. Bởi, khi anh đã nắm chắc nhu cầu thị trường, anh mới tính toán được nên phát triển diện tích cây trồng đó ra bao nhiêu ha là đủ, nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra không rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu”. Ý kiến này của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn là hoàn toàn chính xác nếu nhìn vào tình cảnh của nhiều hộ nông dân trồng vải thiều và dưa hấu gặp phải trong một vài năm gần đây.

Phạm Khánh


Tin khác