Điện Biên: Chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc

26/01/2010

Để bảo vệ đàn gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại bà con nên nhốt tại chuồng, che chắn cẩn thận.

Vụ rét đậm rét hại kéo dài năm 2008 đã làm chết 8.873 con trâu, bò trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là bài học đắt giá cho các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan và các hộ nông dân trong việc chăm sóc đàn gia súc khi mùa rét đến. Rút kinh nghiệm những thiệt của đàn gia súc do thời tiết khắc nghiệt gây ra, bước vào đầu vụ rét năm nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo Phòng NN & PTNT các huyện và Phòng Kinh tế thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và thủy sản trong mùa đông xuân 2009 2010.

Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở NN & PTNT) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 111.052 con trâu, 36.341 con bò, 262.948 con lợn; tổng đàn gia cầm là gần 1,9 triệu con. Nhằm tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, từ ngày 26/11/2009, Sở đã gửi công văn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm tới Phòng chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố nhằm hạn chế thiệt hại đối với cơ nghiệp của người nông dân. Trong đó chú trọng đến việc che chắn, vệ sinh chuồng trại và chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc. Trâu, bò nên chăn thả lúc trời ấm để tận dụng tối đa thức ăn tự nhiên, đêm về bổ sung tại chuồng bằng cỏ khô hoặc phụ phẩm nông nghiệp khác. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C phải dừng ngay việc chăn thả ngoài đồng. Riêng trâu bò cày kéo cần cho ăn no và uống nước ấm; buổi sáng cho đi làm muộn, nghỉ muộn, buổi chiều đi làm sớm nghỉ sớm. Bên cạnh đó cần tăng cường các chất giàu đạm, vitamin, muối khoáng, tinh bột trong thức ăn cho trâu bò để cơ thể có đủ năng lượng chống rét và phòng chống dịch bệnh xâm nhập. Trong mùa rét, ngoài thức ăn thô (5 - 7kg rơm, cỏ khô/ngày) cần bổ sung thêm tinh bột (cám gạo, gạo, ngô, khoai, sắn) với lượng 0,5g/kg thể trọng; uống nước muối ấm với lượng 5g/100kg thể trọng, đạm urê (với lượng dưới 20g/100kg thể trọng/ngày. Ngoài ra, bổ sung thêm thức ăn ủ chua như: thân, lá cây lạc, lá sắn; dây, lá, củ khoai lang.

Với phương châm chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc ngay từ đầu vụ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số gia súc bị chết do đói, rét trên địa bàn, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc vấn đề phòng, chống rét cho đàn gia súc. Huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường cán bộ về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chống rét, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, Phòng NN & PTNT đã hướng dẫn người dân tích trữ rơm rạ, trồng thêm ngô. Đối với các bản vùng cao không có diện tích lúa mùa, cán bộ chuyên môn phối hợp với khuyến nông cơ sở hướng dẫn bà con tận dụng các loại thân, lá cây rừng; cây ngô, lạc, mía khi thu hoạch xong, tận thu về chế biến bảo quản làm thức ăn cho gia súc bằng phương pháp ủ chua. Đến nay tất cả các xã trong huyện đã triển khai phòng chống rét cho trâu, bò; tiêm phòng vắc xin chống các loại bệnh truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm.

 
 Vùng núi nhiệt độ xuống rất thấp, gây rét hại, cần chủ động tránh rét cho gia súc. Ảnh minh họa: Internet

Xã Thanh Xương có cách làm hay là quy định rõ trách nhiệm cho các trưởng thôn, bản thực hiện ký cam kết phòng, chống đói rét cho gia súc tới từng hộ chăn nuôi. Hộ gia đình nào không thực hiện sẽ xét vào các tiêu chí bình xét Gia đình văn hóa cuối năm.

Nhiệt độ xuống thấp kéo dài kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể vật nuôi tiêu hao nhiều năng lượng để chống rét, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp có điều kiện bùng phát. Do đó, Sở NN & PTNT chỉ đạo phòng chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm vắcxin phòng chống các bệnh truyền nhiễm như: tả, tụ huyết trùng; bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán. Trong đó chú trọng tiêm tập trung ở những vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao. Sở NN & PTNT cũng khuyến cáo: Những ngày quá rét, trâu, bò thường bị bệnh cước chân. Biểu hiện là da chân trâu, bò bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết; trường hợp bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng nếu không điều trị kịp thời sẽ làm con vật bị què. Bà con nông dân cần chú ý giữ ấm cho trâu, bò; vệ sinh nền chuồng, trại khô ráo; bổ sung chất muối, khoáng, vitamin vào thức ăn.

Ông Trịnh Quốc Cường cho biết: Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc ngay từ những ngày đầu vụ, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của từng hộ gia đình có gia súc, đến nay toàn tỉnh chưa có trường hợp trâu, bò chết vì rét, góp phần duy trì ổn định và phát triển đàn gia súc trên địa bàn.

Theo Báo Điện Biên Phủ


Tin khác