Nông dân Đắk Mil – Đăk Nông thi đua làm giàu

25/12/2009

Với sự nỗ lực, cần cù, sáng tạo trong lao động và sản xuất, nhiều hội viên nông dân ở Đắk Mil, Đắk Nông đã ngày càng ăn nên làm ra, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Ảnh minh họa

Ông Y Ngọc ở Chi hội nông dân bon Đắk Sắk, xã Đắk Sắk, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương sinh sống, với tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong sản xuất và nguồn động viên giúp đỡ về vốn, tinh thần của chính quyền, Hội nông dân xã, dần dần đã làm giàu thành công. Nhờ biết cách chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng trọt, nên hiện nay, vườn cà phê 3ha của ông luôn sai trĩu quả, sản lượng mỗi năm gần chục tấn. Bên cạnh đó, ông còn tiến hành trồng xen canh cây sầu riêng; đồng thời, đào ao thả cá và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Y Ngọc cho biết: “Tôi rất vui khi ngày càng ăn nên làm ra, có đủ điều kiện để xây cho mình căn nhà kiên cố và sắm sửa được các vật dụng thiết yếu trong gia đình. Nhiều năm nay, tôi luôn được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện”. Ngoài việc làm giàu cho bản thân thì ông Y Ngọc còn tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể và các phong trào do địa phương phát động. Điển hình như ông đã giúp cho 4 hộ dân có đất làm nhà ở, cho bà con nghèo vay vốn sản xuất không lấy lãi, vận động nhân dân góp công, góp của làm đường giao thông, điện thắp sáng, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc...

Tương tự, ông Trần Đức Trung ở Chi hội nông dân tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Mil cũng là một nông dân thoát nghèo bền vững nhờ trồng rau xanh và hoa. Theo ông Trung thì trước đây, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, song với ý chí quyết không cam chịu đói nghèo, ông luôn ra sức lao động sản xuất. Ông Trung chia sẻ: “Nhờ được tham dự vào các lớp tập huấn về kỹ thuật, tham quan học tập mô hình trồng rau sạch và hoa tại Đà Lạt nên tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào vườn của mình. Đến nay, hơn 5 sào rau và hoa đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, trung bình mỗi năm lãi từ 120-150 triệu đồng”. Trong quá trình sản xuất, để giảm chi phí đầu tư chăm sóc, góp phần cải tạo đất đai thì hàng năm, gia đình ông Trung đã tự sản xuất hàng chục tấn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, thường xuyên đưa những giống rau và hoa mới vào trồng nên năng suất, sản lượng năm sau thường cao hơn năm trước. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp đỡ các hộ lân cận về giống, kỹ thuật,... để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Còn ông Nguyễn Quốc Khánh ở Chi hội nông dân thôn Vinh Đức, xã Đức Minh lại làm giàu nhờ vào nuôi nhím. Theo ông Khánh thì nhờ được đi tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài địa bàn, nên ông nhận thấy phong trào chăn nuôi nhím đang phát triển mạnh, có tính khả thi và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, thời gian đầu, gia đình ông mua 10 con nhím giống về nuôi thử nghiệm, đến năm 2006 thì đàn nhím đã phát triển thành 50 con. Sau một thời gian, thấy nhím là vật nuôi thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương, sức đề kháng cao, sinh sản nhiều và thị trường tiêu thụ tốt nên năm 2007, gia đình ông đã đầu tư mạnh vào chăn nuôi nhím, hiện tại, đàn nhím đã lên tới 180 con. Ông Khánh cho biết: “Loại nhím này mỗi năm đẻ từ 2-2,5 lứa, một lứa từ 1-3 con. Nhím giống có giá từ 9-10 triệu/đôi, còn nhím thịt thì từ 220.000-250.000 đồng/kg, cũng không tốn kém chi phí chăm sóc bao nhiêu nên lợi nhuận rất cao. Sau này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi nhím và sẵn sàng cung cấp con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho những hộ nông dân có nhu cầu”.

(Theo báo Đắk Nông)


Tin khác