Diện tích rừng Gia Lai giảm mạnh

21/12/2009

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên với 867.573,6ha. Đến nay, tỉnh đã giao cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng quản lý, sử dụng 437.826,3ha, chiếm 61%; khoán bảo vệ 100.010ha từ nguồn kinh phí dự án 661...

Tuy nhiên, diện tích, chất lượng và tính đa dạng sinh học rừng tự nhiên liên tục bị suy giảm. Năm 2005, độ che phủ rừng của tỉnh là 48,6%; đến năm 2008 độ che phủ còn 46%, giảm 2,6%; năm 2009 diện tích rừng Gia Lai giảm 2.555ha.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, diện tích rừng suy giảm một phần do cơ chế chính sách lâm nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; ý thức bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; việc giao đất, giao rừng, xã hội hóa nghề rừng còn chậm, chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia. Công tác quản lý rừng và lâm nghiệp tuy đã phân cấp cho địa phương nhưng vẫn chưa đủ cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ để phát huy vai trò của mình trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, tình trạng báo động hiện nay là nạn di dân tự do còn tiếp diễn, hiệu quả sử dụng đất nông - lâm nghiệp thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và tất nhiên sẽ uy hiếp cả môi trường sinh thái.

 
Giữ lấy rừng. Ảnh minh họa

Năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 1.477 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 372 vụ so với năm 2008, trong đó nhiều nhất là buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép 1.251 vụ, khai thác gỗ trái phép 70 vụ, phá rừng trái phép 35 vụ khiến diện tích rừng của tỉnh tiếp tục giảm. Ngành chức năng đã xử lí 1.447 vụ vi phạm hành chính, 13 vụ hình sự, tịch thu 1.883m3 gỗ các loại, 138 phương tiện vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 16 tỉ đồng.

Trước thực trạng đó, ngành lâm nghiệp Gia Lai đã đề ra hướng phát triển trong thời gian tới, đó là không ngừng củng cố, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức quản lý, đẩy mạnh giao đất, giao rừng, sao cho mỗi khu rừng đều có chủ quản lý sử dụng. Đồng thời tích cực triển khai các giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, thu hút đầu tư cho phát triển rừng. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên rừng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển lâm nghiệp gắn liền với cải thiện đời sống người lao động.

Năm 2010, phấn đấu trồng 950ha rừng phòng hộ, 4.000ha rừng sản xuất, 25.000ha cao su; giao khoán bảo vệ rừng 97.398ha. Nâng độ che phủ của rừng lên 58,18%...

Hương Trà


Tin khác