“Cây sắn trồng ở Đăk Nông dù có năng suất rất tốt, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn đứng thấp nhất, thua xa các cây trồng khác như ngô lai, đậu, chanh dây, khoai lang Nhật Bản, khoai tây Atlantic...Vì thế, chúng tôi không coi đây là cây lợi thế của tỉnh và chỉ muốn duy trì theo hình thức trồng xen canh trên diện tích 8.000 ha”...
Bao nhiêu cũng...ít
Theo Bộ Công thương, dự kiến trong năm 2009 này, giá trị XK sắn của nước ta có thể đạt 800 triệu USD. Lý do nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng mạnh, nhất là để chế biến nhiên liệu sinh học, sản xuất TĂCN…Nhưng không chỉ XK, nhu cầu sắn SX nhiên liệu trong nước những năm tới là rất lớn. Theo ông Phạm Anh Tuấn, GĐ Dự án nhiên liệu sinh học ở Bình Phước (liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí VN và đối tác Nhật Bản), đến năm 2012 nước ta sẽ tiến hành pha Ethanol (nhiên liệu sinh học) vào xăng với tỷ lệ 2% tương ứng với khoảng 300 triệu lit Ethanol/năm. Đến năm 2015, lượng Ethanol trong xăng sẽ là 10%, tương ứng với 700 triệu lit Ethanol/năm.
Để làm ra 1 lit Ethanol, cần tới 6 kg sắn tươi. Như vậy, đến năm 2012, nhu cầu sắn tươi để chế biến nhiên liệu sinh học sẽ vào khoảng 1,8 triệu tấn/năm (20% tổng sản lượng sắn), và đến năm 2015 là 4,2 triệu tấn (40% tổng sản lượng sắn). Hơn nữa theo ông Lê Minh Đức (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - Bộ Công thương), hiện Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng 4 NM Ethanol từ sắn, với tổng công suất 400 triệu lit/năm, trong đó NM Đồng Xanh ở Đại Lộc, Quảng Nam, đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2009.
Dù đã đi vào hoạt động hay còn đang xây dựng, thì 4 NM này đếu dự kiến sẽ tăng công suất lên gấp 2-3 lần so với công suất dự kiến ban đầu, đồng nghĩa với việc nhu cầu nguyên liệu sẽ tăng thêm khoảng 2-3 triệu tấn sắn lát khô/năm từ năm 2015 trở đi. Ngoài ra, hiện có khoảng ít nhất 10 dự án nhiên liệu sin học đang chuẩn bị ra đời nhu cầu thu mua sắn để chế biến nhiên liệu sinh học trong nước sẽ ngày càng gay gắt.
Vẫn “e ngại” cây sắn
Tuy nhiên, do bị buọc tội phá đất nên phần lớn các địa phương phía Nam đang không mấy mặn mà với cây sắn nếu không muốn nói là né tránh...càng xa càng tốt. Ông Nguyễn Đức Luyện, GĐ Sở NN- PTNT Đăk Nông thẳng thắn “Cây sắn trồng ở Đăk Nông dù có năng suất rất tốt, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn đứng thấp nhất, thua xa các cây trồng khác như ngô lai, đậu, chanh dây, khoai lang Nhật Bản, khoai tây Atlantic...Vì thế, chúng tôi không coi đây là cây lợi thế của tỉnh và chỉ muốn duy trì theo hình thức trồng xen canh trên diện tích 8.000 ha”.
|
Cây sắn gắn liền với nhiều hộ nghèo. Ảnh min họa: Internet |
Ở Đồng Nai, dù diện tích sắn năm 2009 có tăng so với năm 2008, nhưng so hiệu quả kinh tế thấp nên tỉnh này cũng không coi đây là cây trồng chính. Tương tự, nhiều tỉnh, TP khác cũng khôngcó chủ trương phát triển cây sắn, thậm chí có nơi như ở Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích trồng sắn vốn đã không nhiều, mà sắp tới còn bị "đe" giảm xuống chỉ còn vài trăm ha.
Một nỗi lo lớn khác đối với cây sắn chính là vấn đề môi trường, nhất là việc “liên can” đến phá rừng. Theo ông Nguyễn Đức Luyện, mấy năm trước diện tích sắn ở Đăk Nông đã từng lên tới trên 20 ngàn ha, nhưng hầu hết đều không theo quy hoạch, mà do nông dân tự phá rừng chuyển sang trồng sắn. Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng cũng cho rằng 50 ngàn ha sắn tăng thêm ở Tây Nguyên trong thời gian qua, phần lớn không phải vì hiệu quả kinh tế, mà là từ việc phá rừng lấy đất nông nghiệp.
Phải có cách nhìn khác
Có lẽ vì "sợ" và đặc biệt cảnh giác với cây sắn mà theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, dù tổng diện tích sắn đạt 560.400 ha, sản lượng 9,455 triệu tấn được Bộ Công thương xếp vào các mặt hàng XK chủ lực năm 2009, nhưng cây sắn vẫn bị "phân biệt đối xử", chưa có chính sách để giúp phát triển.
Nhưng theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, dù bị "lên án" thì chúng ta không thể xoá bỏ cây sắn vì nó gắn với rất nhiều hộ nghèo. Bên cạnh đó, sắn rất cần trong SX TĂCN, nhiên liệu sinh học và XK. Do đó, đối xử với cây sắn thế nào không đơn giản, không thể một chiều. Bộ NN- PTNT không khuyến khích mở rộng diện tích cây sắn mà chỉ chủ trương duy trì 400.000-450.000 ha. Và thay vì mở rộng diện tích, việc thâm canh, tăng năng suất cây sắn sẽ được chú trọng đẩy mạnh, bởi năng ta mới đạt trên 16 tấn/ha, trong khi Ấn Độ đã đạt 31 tấn/ha, Thái Lan 20 tấn/ha...Theo đó, đến năm 2011, năng suất sắn ở nước ta phải vượt ngưỡng 20 tấn/ha, và tới năm 2015 đạt 23-25 tấn/ha.
Bên cạnh đó, Bộ NN- PTNT cũng sẽ áp dụng VietGAP trong SX sắn, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng tinh bột sắn và NM chế biến. Về lâu dài để cây sắn có thể phát triển bền vững, thì sự liên kết giữa DN và nông dân là nền tảng chính. Bộ kêu gọi các DN, nhất là các DN nhiên liệu sinh học trực thuộc Tập đoàn Dầu khí VN chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách đầu tư, hỗ trợ vốn, vật tư cho nông dân. Khi đó Bộ sẽ hỗ trợ giống và kỹ thuật thông qua công tác khuyến nông.
Say sưa với kim ngạch XK sắn tăng cao, Bộ Công thương nghiêng về ý kiến cần mở rộng diện tích. Chẳng hạn, theo ông Lê Minh Đức (Bộ Công thương), để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho SX nhiên liệu sinh học, phải nâng lên ít nhất là 650-700 ngàn ha sắn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng, theo dõi sự phát triển cây sắn trên thế giới mấy chục năm qua, có thể thấy phần lớn các nước không tăng diện tích cây sắn do hiệu quả kinh tế thấp và vấn đề môi trường. Trong khi đó Việt Nam lại tăng là vấn đề phải xem lại. Các nước không tăng diện tích nhưng sản lượng sắn vẫn tăng là do họ đã tăng được năng suất. Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện KHNN Việt Nam, tháng 10 vừa rồi, các nhà khoa học thế giới đã thành công trong việc giải mã bộ gen cây sắn, qua đó có thể giúp cho việc nâng năng suất sắn lên 40 tấn/ha trong thời gian ngắn. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam