Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, đến ngày 12/1, diện tích đất trồng lúa bị khô hạn khoảng 400 ha, trong đó riêng huyện vùng thấp Bảo Yên đã chiếm 312 ha.
Những cánh đồng khát cháy
Xã Xuân Thượng nằm bờ sông Chảy sông nước lững lờ trôi nhưng bên ven bờ, những cánh đồng vẫn đang khô khát. Đám rạ vàng ệch trên đám ruộng nứt nẻ và bạc trắng. Nhiều đám ruộng đất không đủ chút độ ẩm để đám cỏ dại nảy mầm. Đất khô và ngày càng cứng hơn, ruộng trở thành bãi đá bóng lý tưởng cho đám trẻ con.
Ông Lộc Đình Liêm, phó chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 9 tuyến kênh mương đã được Nhà nước đầu tư kiên cố hoá nhưng hầu hết là thiếu nước trầm trọng, chỉ đủ tưới cho các ruộng đầu tuyến hoặc kênh hoàn toàn không có nước. Vụ xuân năm 2010, xã có kế hoạch sản xuất trên 140 ha lúa nước nhưng thống kê sơ bộ đến 13/1 đã có 29,5 ha đất có nguy cơ không thể cấy.
Tương tự, cánh đồng lúa 2 vụ của xã Tân Dương hầu hết nằm bên bờ sông Chảy nhưng xã cũng đang có đến 15/80 ha đất đang có nguy cơ không thể cấy lúa. Anh Lý Ngọc Thắng, cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp của xã cho hay, hầu hết diện tích nói trên rơi vào các tràn ruộng chưa được đầu tư kênh mương kiên cố tại thôn Mảng, Mỏ Đá, thôn Phạ, Cao I và Cao II. Nếu khô hạn không xảy ra thì đến thời điểm này các cánh đồng nơi đây đã được cày ải, song đất khô cứng nên ruộng vẫn trơ gốc rạ.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Yên, tính đến ngày 15/1, các xã đang bị khô hạn nặng trên đồng lúa là Thượng Hà 53 ha, Vĩnh Yên 48 ha, Cam Cọn 37 ha, Xuân Thượng 29 ha, Bảo Hà 27 ha…tổng diện tích bị khô hạn toàn huyện là 312,3 ha. Diện tích này còn có thể tăng nhanh nếu từ nay đến thời điểm gieo cấy (từ 25/1-25/2) vẫn không có mưa.
Nhiệm vụ cấp bách
Tình hình khô hạn ngày càng phức tạp, UBND tỉnhLào Cai đã có công văn chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan về thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục khô hạn và coi đó là nhiệm vụ cấp bách. Ngày 5/1, UBND huyện Bảo Yên đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phòng chống hạn vụ đông xuân 2009- 2010 do đồng chí Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và 12 thành viên khác. Ban chỉ đạo cấp huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương thành lập ban chỉ đạo cấp cơ sở để khắc phục hậu quả của thời tiết, khí hậu.
Sau khi ban chỉ đạo cấp huyện được thành lập, các thành viên của huyện không quản cả ngày nghỉ, thường xuyên có mặt tại cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc việc chống hạn như nạo vét, tu sửa khẩn cấp các công trình thuỷ lợi, hướng dẫn việc sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó là bám sát việc kiểm tra, rà soát những diện tích bị hạn và có nguy cơ cao để xây dựng kế hoạch gieo mạ hoặc chuyển đổi sang sản xuất các cây trồng khác như ngô, đậu tương, rau màu... Phương châm chỉ đạo của huyện Bảo Yên là hạn chế đến mức thấp nhất diện tích đất ruộng bỏ trống, nhất là diện tích trồng lúa hai vụ.
Tạm thời, UBND huyện Bảo Yên xây dựng phương án chuyển gieo trồng 177 ha ngô, 52 ha đậu tương, 82 ha lạc trên 312 ha diện tích đất trồng lúa bị khô hạn.
Rất may là đến thời điểm này, bà con tại Bảo Yên chưa xuống mạ, nên khả năng bị thừa mạ, vỡ kế hoạch diện tích cấy là khó xảy ra.
|
Hệ thống kênh mương khô hạn. Ảnh: Báo Lào Cai |
Hạn hán nặng nhưng cơ sở vẫn “bình chân như vại”
Trong khi các ngành, chính quyền huyện Bảo Yên đang hết sức lo lắng và khẩn trương chỉ đạo, tìm biện pháp khắc phục, nhưng quan sát của chúng tôi là ở một số địa phương, chính quyền, người dân vẫn khá bàng quang với khô hạn.
Tính đến ngày 13/1, xã Xuân Hoà, Lương Sơn và Kim Sơn vẫn chưa thành lập ban chỉ đạo sản xuất vụ xuân và phòng chống khô hạn.
Ông Lộc Đình Liêm là phó chủ tịch UBND xã Xuân Thượng nhưng vẫn chưa hiểu hết khái niệm nên nhầm lẫn giữa diện tích ruộng lúa một vụ sang diện tích đất bị khô hạn. Có tới 22% diện tích đất ruộng của xã có nguy cơ không thể cấy trong vụ tới nhưng ngay gần với trụ sở UBND xã vẫn có công trình kênh mương không được người dân quan tâm, đất và cỏ mọc đầy kênh dẫn nước.
Khô hạn là do khí hậu, thời tiết có biến động, song đây cũng là lúc để người dân nêu cao ý thức hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo và duy trì nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là việc phát huy hiệu quả cao nhất các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, tránh để tình trạng xây rồi mà ruộng vẫn khát.
Theo Báo Lào Cai (Cao Cường)