Cà phê, giấc mơ làm giàu của nông dân Mường Ảng

01/02/2010

Xuân này, nếu đến Mường Ảng, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt từng ngày của vùng đất hoang hóa một thời.

Những quả đồi trọc, phủ đầy lau sậy, nay trở thành vườn cà phê xanh bạt ngàn, trù phú, mở ra cơ hội làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân. Mấy năm trở lại đây, giá cà phê nhân dần nhích lên; cùng với những chính sách ưu đãi, Nhà nước hỗ trợ giống, vốn trồng cà phê, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng gắn bó với loại cây công nghiệp ngắn ngày này.

Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm người trồng cà phê hoàn thành việc thu hái, xuất bán cà phê trong năm 2009 và chuẩn bị bước vào vụ mới. Nhưng nụ cười và niềm hạnh phúc còn đọng trên gương mặt của các chủ vườn bởi vụ cà thu hoạch được mùa, được giá.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê, trong tiếng gió xuân nhè nhẹ, anh Phạm Đức Dương, một nông dân trồng cà phê có tiếng ở Mường Ảng giới thiệu: Hai giống cà phê mới được đưa vào trồng đại trà của nông dân là: Catimor và Arabica, ưu điểm chịu rét, kháng sâu bệnh, chịu hạn và cho năng suất vượt trội. Giá cà phê quả và cà phê nhân đều tăng từ 1 - 2 nghìn đồng/kg so với vụ trước đạt giá 5.000 đồng/kg quả tươi và 27 - 29 nghìn đồng/kg cà nhân. Sau khi thu hoạch xong đợt quả cuối cùng, nông dân bắt tay vào việc dọn vườn, phát quang, tỉa cành, tưới nước và bón phân, đảm bảo cho cà phê phát triển xanh tốt. Trong một năm, các chủ vườn thường tổ chức thuê 3 - 4 đợt công nhân chăm sóc và thu hoạch cà phê.

Anh Phạm Quang Tứ, xã Ẳng Cang là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó làm giàu từ cà phê. Nhiều năm bám trụ trên mảnh đất Mường Ảng, gia đình anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng vẫn chịu cảnh “sắn độn cơm” lúc giáp hạt. Nhận thấy tiềm năng đất đai và khí hậu phù hợp cho cây cà phê, năm 2004, với hơn 10 triệu đồng tích cóp của gia đình, anh Tứ mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để trồng cà phê, quy mô 10ha. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm sản xuất, cây trồng thường bị sâu bệnh, năng suất và chất lượng cà phê đạt thấp, đầu ra không ổn định. Có thời điểm cà "rẻ như bèo", bán không có ai mua. Động viên anh quyết tâm học hỏi kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất, diện tích cà phê của gia đình lên xanh tốt. Đến năm 2009, gia đình anh Tứ có 25ha cà phê, trong đó có 10ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 4,5 - 5 tấn cà phê nhân/ha, trừ chi phí thu lãi 70/ha.

Đối với gia đình chị Phạm Thị Ngọc, khối 4, thị trấn Mường Ảng, đây là cái Tết Nguyên đán tươm tất và có ý nghĩa, bởi số tiền thu từ 15ha cà phê đạt trên 800 triệu đồng. Chị Ngọc dự định đầu tư trồng hơn 10ha ở các xã lân cận khu vực thị trấn. Doanh thu từ cà phê, gia đình chị Ngọc không những thoát nghèo mà giờ đây đã trở thành triệu phú giữa vùng cà phê Mường Ảng.

Đánh giá về hiệu quả của cây cà phê, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mường Ảng cho biết: Từ chỗ chỉ có hơn 100ha cây cà phê của người dân khu vực thị trấn trồng trên diện tích đất của Công ty TNHH Cây công nghiệp Điện Biên, sau 10 năm, cà phê nhân ra 7/10 xã của huyện, tổng diện tích đạt 958,3ha. Trong đó, diện tích cà phê thiết kế cơ bản đạt 570,1ha, diện tích đã cho thu hoạch 388,2ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt gần 1.100 tấn/năm; doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 53%, Mường Ảng vẫn là một trong 4 huyện nghèo nhất tỉnh. Do vậy, việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó có cây cà phê được huyện xác định là mũi nhọn để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đối với hộ nghèo tham gia trồng cà phê, huyện có chính sách hỗ trợ một phần giống, phân bón, KHKT cho nông dân. Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2012, Mường Ảng phấn đấu nâng sản lượng cà phê nhân đạt trên 2.000 tấn/năm, dự kiến mở rộng diện tích trồng cà phê đạt 2.000ha. Huyện đã quy hoạch diện tích trồng cà phê tại khu vực đất nương, đất bãi màu, đất đồi của người dân đang sử dụng. Nhằm ổn định đầu ra và tạo thương hiệu cho sản phẩm cà phê trên thị trường, Mường Ảng chú trọng tạo vùng cà phê tập trung vừa thuận tiện cho việc chuyển giao KHKT thâm canh, chăm sóc, thu hái và chế biến; mở rộng mạng lưới tiêu thụ cà phê, liên kết trong kinh doanh cà phê trên thị trường trong nước.

Theo Báo Điện Biên Phủ (Hồng Hải)


Tin khác