"Doanh nghiệp không phải lo lót quan chức"

01/02/2010

Doanh nghiệp (DN) chỉ có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước chứ không phải lo lót các quan chức các bộ ngành TƯ, địa phương và quan chức phải coi hỗ trợ DN là nghĩa vụ của mình, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói.

Phần trước: Nhà nước không can thiệp vào sản xuất kinh doanh

Bỏ tư duy ban phát

Nhà báo Phương Loan: Về chủ trương, chính sách, chúng ta ưu tiên cho SME tuy nhiên có một thực tế, chính sách đi vào cuộc sống không được bao nhiêu. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?

Thứ trưởng CT Lê Danh Vĩnh. Ảnh LAD

Ông Lê Danh Vĩnh: Trong nền kinh tế bao cấp trước đây chúng ta có thói quen các quan chức, lãnh đạo các DN ban phát cho DN. Trong cơ chế kinh tế thị trường, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn, coi các DN đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế.

Ta đã có bước chuyển về nhận thức nhưng đây đó vẫn còn những tàn dư của thời bao cấp tồn tại đây đó trong bộ máy nhà nước. Một bộ phận vẫn nghĩ việc giúp đỡ DN là công của cơ quan nhà nước. Đó là cách nghĩ sai. Chúng ta phải coi hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN là nghĩa vụ của các quan chức nhà nước, các bộ ngành TƯ và địa phương.

Nhà báo Phương Loan: Theo ông, tư duy ban phát cho DN còn tồn tại hay không trong các cơ quan quản lý nhà nước?

Ông Lê Danh Vĩnh: Khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước. Các DN kể cả DNNN đều vay vốn của ngân hang, tự tìm vốn để kinh doanh. Phần tài trợ từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Tư tưởng ban phát là tàn dư từ thời bao cấp, hiện nay đương nhiên vẫn còn nhưng không nhiều như trước đây.

Nhà báo Phương Loan: Thực tế làm việc nhiều với các DN, ông Cao Sỹ Kiêm và bà Phạm Chi Lan có thể nói gì từ góc nhìn DN về cách điều hành quản lý của nhà nước đối với các DN cũng như mối quan hệ nhà nước - doanh nghiệp hiện nay?

TS Cao Sỹ Kiêm. Ảnh LAD

Ông Cao Sỹ Kiêm: Đúng là các chính sách, luật lệ của ta nhiều khi rất kịp thời, rất đúng, nhưng khi va vào thực tế chưa được như mong muốn, nhất là khi người ta trông đợi nhiều quá.

Có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta đưa ra những định hướng, chính sách chung rất nhanh nhưng cụ thể hóa thì rất chậm.

Thứ hai, thủ tục của chúng ta không được cải tiến nhanh. Nó đọng lại rất lâu. Những vấn đề ách bức làm khó khăn.

Mặc dù chúng ta đã quan tâm đến vấn đề này nhiều, chính phủ cũng có nhiều giải pháp nhưng theo tôi nó không nhanh được. Thủ tục còn ràng buộc rất nhiều.

Chính sách ra thì rất phấn khởi nhưng triển khai cứ vướng về cụ thể hóa và thủ tục.

Và thứ ba, điều hành, ý thức trách nhiệm phục vụ của một số cán bộ công quyền, chưa vì dân, vì DN, chưa tích cực khẩn trương và đôi khi có sự biến chất thoái hóa đạo đức làm cho chính sách không đến được DN, hoặc đến nhưng không đầy đủ.

3 cái đó, nếu không giải quyết được thì tình trạng chính sách đúng, chủ trương đầy đủ cũng khó vào được cuộc sống cụ thể. Và những người được thụ hưởng bị thiệt thòi.

Chính sách chưa sát thực tế

Bà Phạm Chi Lan: Tôi đồng ý có những nguyên nhân mà ông Cao Sỹ Kiêm vừa nêu nhưng tôi nghĩ một phần nữa là chính sách sở dĩ thiếu cụ thể và đòi hỏi hướng dẫn bởi vì ngay từ chất lượng chính sách ban đầu có thể thiếu sự nghiên cứu thấu đáo và nhất là thiếu việc tham vấn các đối tượng liên quan.

Ví dụ như Nghị định 56 mà ông Vĩnh vừa nêu, là một nghị định mà chúng ta trông chờ bao nhiêu để ra một khung khổ pháp lý trong đó thừa nhận vai trò của DN vừa và nhỏ, đưa ra những công cụ chính sách để hỗ trợ cho các SME phát triển. Thế nhưng trong quá trình soạn nghị định đó chưa tham vấn thấu đáo.

Nghị định ra đời, ngay từ đầu các DN đọc nó đã thấy bất khả thi. Đến lúc đi vào cuộc sống thì trong mười mấy công cụ Chính phủ đưa ra để hỗ trợ SME thì rốt cục sau mấy năm mới có được 2,3 công cụ thực hiện dần dần thôi. Có những công cụ gần như không bao giờ đi vào cuộc sống được.

Hai là, chính sách SME liên quan đến rất nhiều luật và chính sách liên quan khác. Nếu các luật, chính sách liên quan khác tương ứng không điều chỉnh thì sẽ không bao giờ có thể thực hiện được những điều trong nghị định đó nêu.

Ví dụ như cho SME tiếp cận với đất đai để có mặt bằng sản xuất kinh doanh nhưng trong khi luật đất đai lại có những quy định khác và quá trình của chúng ta để tiếp cận với đất đai còn khó như thế này thì vô hình chung, nó tước đi DN một công cụ tốt của chính phủ để thực hiện công việc này.

Tín dụng cũng vậy. Nghị định nêu ưu tiên về tín dụng cho SME nhưng lại có những quy định về tín dụng của luật tín dụng và các cách thức của ngân hàng ví dụ như về truyền thống, ngân hàng thích lấy đất đai, bất động sản làm vật thế chấp cho DN vay. Cái khó về đất đai, bất động sản lại làm thêm cái khó về tín dụng.

Vì thế, có những cái đề ra ý tưởng thì tốt đẹp nhưng khó đi vào cuộc sống được bởi nó không đủ độ sát với thực tế cuộc sống.

Các DN nói rằng nếu như được tham vấn họ chỉ đề nghị với nhà nước hỗ trợ họ vài ba điều thôi nhưng rất cốt lõi, để từ đó có thể tháo gỡ những vấn đề khác, ví dụ như về thủ tục hành chính như ông Cao Sỹ Kiêm vừa nêu.

Nói cách khác, người ta không cần Nhà nước cho những cái gì cụ thể, miễn là nhà nước làm sao để cho môi trường mở ra được và cách thức họ làm ăn... DN nói họ không cần phải giúp cụ thể. Chỉ cần Nhà nước đừng đưa ra những quy định có tính chất rào cản thì cũng là quý rồi.

DN không phải lo lót quan chức

Nhà báo Phương Loan: Thứ trưởng Vĩnh có ý kiến gì về góc nhìn của hai vị khách mời gắn bó với DN Việt Nam?

Ông Lê Danh Vĩnh: Đổi mới là một quá trình chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Bản thân DN phải năng động sáng tạo và các quan chức nhà nước phải vì lợi ích kinh tế, coi DN là người đi đầu trong tạo sản phẩm công ăn việc làm thu nhập cho người lao động.

DN chỉ có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước chứ không phải lo lót các quan chức các bộ ngành TƯ và địa phương.

Nhà báo Phương Loan: Trong trường hợp Bộ Công thương và các DNNN trực thuộc Bộ, mối quan hệ giữa Bộ và DN như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Danh Vĩnh: Theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính của nhà nước, Bộ Công Thương chúng tôi cũng là một trong những bộ đi đầu trong cải cách thủ tục và công bố lên mạng, báo chí những thủ tục mà Bộ đã tiến hành đối với các DN để rõ ràng, minh bạch. DN không phải chạy ngược chạy xuôi. Bộ cũng giám sát anh em làm sao công văn từ DN được giải quyết nhanh nhất.

Nhà báo Phương Loan: Với các cán bộ ngành Công thương và Bộ Công thương, ông đã nhìn thấy sự đổi mới về tư duy, cách quản lý điều hành DN?

Ông Lê Danh Vĩnh: Có thể nói rằng so với yêu cầu phát triển kinh tế thì ta còn có những bước tiến chậm.

Năm 2001, tôi đi sang các nước châu Phi thì thấy những cải cách của chúng ta so với các nước châu Phi là một trời một vực. Các nước châu Phi giành độc lập dân tộc từ những năm 60 nhưng họ vẫn loay hoay tìm con đường phát triển kinh tế và thủ tục còn rất phức tạp nhiêu khê. Bản thân họ chiến tranh liên miên, chính trị không ổn định.

So với họ thì chúng ta có những bước tiến rất lớn nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì kể cả các quan chức Bộ ngành và DN vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để làm sao nền kinh tế của chúng ta phát triển đồng đều thuận lợi như thế thì DN của chúng ta mới làm ăn tốt hơn, đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn.

DN dựa quan hệ không phải việc của Bộ Công thương

Nhà báo Phương Loan: Có những phản ánh cho là các DN ngay cả SME tiếp cận được dự án và nguồn lực tài chính còn phải dựa vào nhiều mối quan hệ. DN muốn làm ăn ở Việt Nam phải dựa vào quan hệ?

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Tôi cho đó là dự án đầu tư. Ngay trong Bộ chúng tôi, xây dựng trụ sở phải thông qua đấu thầu. Tôi là người phụ trách nên yêu cầu anh em tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.

Trong suốt 13 năm làm lãnh đạo bộ, nếu dự án đầu tư thì là việc của DN, chúng tôi không can thiệp.

Riêng với năng lượng, nhà nước thực hiện kiểm soát nguồn dầu khí, than cho nên phải làm sao sử dụng có hiệu quả. Còn với các lĩnh vực khác DN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là việc của DN không phải việc của Bộ chúng tôi.

Đi đêm, hầu cánh do không minh bạch

Nhà báo Phương Loan: Với kinh nghiệm làm việc thực tế với các DN, theo ông Kiêm, thực tế có chuyện phần DN Việt Nam dựa vào quan hệ để sản xuất kinh doanh?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Thực tế này mình phải phân tích ở khía cạnh khác. Thí dụ như cơ chế của mình không rõ ràng không minh bạch, công khai rồi cách điều hành không kiên quyết, kiểm tra phát hiện không kịp thời, xử lý không nghiêm. Tất cả những cái đó làm cho kiểu đi đêm, thương lượng,.. ngoài quy định là có.

Có nhiều nguyên nhân: cơ chế chính sách điều hành và những con người cụ thể ứng vào từng nguyên nhân chúng ta phải xử lý. Nếu bảo có một nguyên nhân hay chỉ thực hiện một biện pháp giải quyết một đoạn nào đó thì không được. Phải phân tích toàn diện.

Chừng nào chính sách của chúng ta không rõ ràng, không sát không phù hợp, người thực hiện không đúng không nghiêm, phát hiện không kịp thời, xử lý không nghiêm thì tình trạng đi đêm, hầu cánh vẫn còn.

Nhà báo Phương Loan: Bà Chi Lan có bổ sung gì không ạ?

Bà Phạm Chi Lan: Bộ Công thương giữ cho các dự án tốt đẹp như vậy thì thật là quý. Tuy nhiên phải nói là trên thực tế nhiều cơ quan nhà nước của chúng ta ở TƯ và địa phương đang phụ trách nhiều dự án đầu tư.

Nói không xa, con số đưa ra ở Quốc hội cho biết mỗi năm nhà nước chúng ta là chủ đầu tư của hàng chực nghìn dự án khác nhau, thành ra chuyện DN phải chạy dự án, đi đêm thế này thế khác thì có thể là có.

Có thể lĩnh vực mà ông Vĩnh phụ trách thì không, nhưng số dự án nhà nước còn rất lớn. Ví dụ như chuyện xây dựng các nhà máy điện, các công trình xây dựng lớn nhỏ ở nước ta còn rất nhiều.

Công chức "mang tiếng"

Ông Lê Danh Vĩnh: Nhà nước có đưa vốn ra đâu?

Bà Phạm Chi Lan: Ý tôi là tuy nhà nước không đưa vốn nhưng doanh nghiệp thực hiện các dự án đó muốn tham gia vào bằng nguồn tiền một phần có gốc của nhà nước, như chúng ta dành tiền vay của WB, ADB đầu tư vào dự án.

Ông Lê Danh Vĩnh: Nhưng vốn ODA là nhà nước vay về và cho DN vay lại. Bản thân DN phải tính toán hiệu quả. DN phải tự xử lý chứ chúng tôi không xử lý gì cả.

Tập đoàn còn nói là họ trực thuộc Thủ tướng, chứ không trực thuộc Bộ. Tôi làm Thứ trưởng 13 năm cũng chưa phụ trách dự án nào cả, chỉ trừ các trường, các cục, các viện thuộc bộ.

Các cục, các viện mua sắm gì thì phải qua đấu thầu cạnh tranh.

Tôi nói thật, hiện nay ngay trong cơ quan Bộ nhiều công chức thấy vất vả quá, thậm chí ngay cả lãnh đạo cũng xin ra khỏi cơ quan nhà nước. Đương nhiên công ăn việc làm là quyền của họ nhưng người ta cũng thấy làm ở trong cơ quan nhà nước vất vả nhưng thu nhập hạn chế. Người ta có năng lực nên xin ra các DN nước ngoài, DN tư nhân, công ty cổ phần..

Chúng tôi theo chủ trương của Đảng, của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, không có chuyện vòi vĩnh. Chúng tôi không phân bổ nguồn lực. Cái này phải hỏi thêm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư...

Ở Bộ chúng tôi có ông 29 tuổi đã làm vụ phó nhưng thấy thu nhập thấp, làm ở bộ máy NN chán xung phong nghỉ, vừa rồi có một cục phó cục cạnh tranh xin ra khỏi cơ quan vì lý do thu nhập thấp mà lại mang tiếng thế này thế kia.

Tôi hỏi tại sao họ xin ra khỏi cơ quan. Họ nói thu nhập thấp, làm việc vất vả lại bị mang tiếng trong khi họ thực sự cần mẫn với chức trách của mình.

Tất nhiên là cũng có bộ phận này bộ phận kia nhưng nếu nói tất cả bộ máy đều nhũng nhiễu thì nhiều người bị oan, chứ không phải một vài người.

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là không có ai kết luận tất cả bộ máy đều nhũng nhiễu, hư hỏng hết vì nếu cả bộ máy hư hỏng hết cả thì đất nước này đã tan hoang không được như bây giờ.

Thế nhưng tình trạng người dân, DN gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, những thủ tục giấy tờ khác của nhà nước là một thực tế. Ở các diễn đàn của Quốc hội cũng hay đề cập đến chứ không phải là không.

Các dự án đầu tư của nhà nước, nếu nhìn vào các báo cáo kiểm toán, dù là phạm vi kiểm toán nhà nước trên một số lĩnh vực thì có thể thấy là kiểm toán "sờ đến đâu thì có sai phạm đến đó".

Thanh tra nhà nước, thanh tra của ngành tài chính cũng vậy, Khi đi thanh tra hoạt động ở các nơi cũng thấy có không ít vấn đề.

Ở đây có thể có những khu vực tốt hơn, trong sạch như ông Vĩnh nêu. nhưng ở đây chúng ta đang bàn đến một cái chung trên đất nước này. Nếu không, chúng ta không đặt ra nhu cầu bức bách như hiện nay về cải cách hành chính, hệ thống luật pháp, vì lợi ích chung của đất nước.

Liên quan đến đồng tiền phải minh bạch

Nhà báo Phương Loan: Thứ trưởng có thể chia sẻ bí quyết hoặc kinh nghiệm nào của Bộ Công Thương để tạo môi trường minh bạch như thế để mọi thứ rõ ràng giữa trách nhiệm của DN và chính phủ cũng như hỗ trợ DN phát triển công bằng bình đẳng trong cạnh tranh?

Ông Lê Danh Vĩnh: Trước đây, tôi là Thứ trưởng Bộ Thương mại. Khi vụ quota dệt may xảy ra, tôi được ông Trương Đình Tuyển giao cho phụ trách quota dệt may. Kinh nghiệm của tôi trong vụ điều hành quota dệt may là tất cả các tiêu chí phân bổ quota là phải công khai, lấy ý kiến của hiệp hội dệt may và các doanh nghiệp, sau khi thống nhất tiêu chí chúng tôi phân bổ trên mạng, các DN có thể tự tính quota cho mình. Nếu có chênh lệch giữa chúng tôi và DN tính, tôi có thể sẵn sàng đối chất, nhưng 2-3 năm rồi không thấy xảy ra chuyện đó. Hệ thống tính quota dệt may thời chúng tôi được Hoa kỳ đánh giá là một trong những hệ thống tiến bộ nhất của thế giới.

Kinh nghiệm của chúng tôi là liên quan đến thu nhập, đồng tiền phải minh bạch - là biện pháp để mọi người giám sát, mình không thể lạm dụng. nếu không công khai không minh bạch thì sẽ dẫn đến chuyện này chuyện kia.

Tôi nghĩ rằng đối với cán bộ, công chức, thu nhập chính đáng là bền vững lâu dài còn không chính đánh thì không thể bền vững lâu dài. Người nào có thu nhập không chính đáng thì không bền vững, con cái sẽ hư, anh thu nhập nhiều cũng bằng không. Tôi nghĩ là như vậy.

Không phải là mình thu nhập bằng bất cứ giá nào. Bố làm quan chức kiếm nhiều tiền, con cái dễ hư, vì tiền kiếm được phải tiêu,...

Hiện nay tôi phụ trách mảng tài chính của Bộ Công thương, biện pháp quan trọng nhất là công bố công khai những khoản thu chi ngân sách của Bộ, tiêu chí phân chia như thế nào cho các đơn vị thụ hưởng, phải công khai minh bạch.

(Còn tiếp)

VNN


Tin khác