AGROINFO - Tối ngày 31/1, tại trường quay S9 – Đài truyền hình Việt Nam, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhất trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hội tụ trong Lễ trao giải thưởng "Sao Thần nông" năm 2009 do Hội Nông dân Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay và Công ty cổ phần Hãng thông tấn Việt phối hợp tổ chức.
Là khách mời danh dự của buổi lễ được truyền hình trực tiếp này, Tiến sĩ Vũ Trọng Bình – GĐ Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn phấn khởi chúc mừng những nông dân tiêu biểu được nhận giải thưởng năm nay. Bên cạnh đó, ông Bình thẳng thắn, cởi mở trả lời tất cả những câu hỏi của người dẫn chương trình truyền hình và của chính những nông dân lên nhận giải thưởng liên quan đến vấn đề phát triển nông thôn.
|
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình trong buổi lễ trao giải Sao Thần Nông |
Trước câu hỏi của người dẫn chương trình: “Vì sao người nông dân không tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà Nước ?” Tiến sĩ Vũ Trọng Bình cho rằng: “Nếu nói tất cả nông dân đều không tiếp cận được với những chính sách, những chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà Nước là không đúng. Nhưng thực tế cũng có một bộ phận người nông dân chưa tiếp cận được với một vài chương trình hỗ trợ nào đó mà Đảng và Nhà Nước đưa ra. Điều này có thể lý giải: Chính sách hay chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Nhà Nước và Chính Phủ khi đưa ra là để phục vụ cho số đông, thế nên nếu có một bộ phận nhỏ vì lý do nào đó chưa tiếp cận được cũng là điều khó tránh khỏi. Muốn giải quyết vấn đề này để tất cả người dân cùng được hưởng lợi, theo tôi cần phải có thêm thời gian và sự liên kết chặt chẽ ở tất cả các cấp, các nghành”.
Trả lời các câu hỏi: “Làm thế nào để người nông dân không rơi vào cảnh được mùa thì mất giá ? Và, làm thế nào để nông dân không bị tư thương ép giá sản phẩm đầu ra?” của những nông dân nhận giải thưởng. Ông Bình cho biết: “Một số nước trên thế giới áp dụng rất thành công mô hình cấp phép cho người nông dân sản xuất – nghĩa là họ tìm ra những cây trồng, vật nuôi đặc trưng nhất của từng vùng miền để cấp phép cho nông dân nơi sản xuất. Ví dụ: Nếu như địa A có thế mạnh trồng cà phê vì cà phê trồng ở đó mới cho chất lượng tốt nhất so với các địa phương còn lại trong cả nước thì họ chỉ cấp phép cho nông dân của địa phương A sản xuất mặt hàng này, không cấp phép cho các địa phương còn lại. Ở nước ta, mô hình cấp phép trong sản xuất nông nghiệp như vậy chưa được áp dụng. Thêm nữa là bản thân người nông dân còn nặng tư tưởng sản xuất theo phong chào, thấy giá cây, con gì đó trên thị trường đang lên là nông dân khắp nơi đua nhau sản xuất. Người nông không tính tới yếu tố đầu ra của thị trường khi cung vượt cầu thì sản phẩm mất giá, mà quả dưa hấu và vải thiều là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này”
Với câu hỏi: “Làm thế nào để nông dân không bị tư thương ép giá ?” Ông Bình phân tích rằng: “Trong cơ thị trường thì người nông dân cần biết chấp nhận yếu tố tư thương. Vì thực tế, vai trò của thương nhân hay doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nông sản rất quan trọng với người nông dân, đó vừa là đầu mối thu mua, tập trung sản phẩm để có một số lượng lớn cung ứng cho thị trường, vừa là nơi làm thương hiệu cho sản phẩm của người nông dân. Nếu người nông dân tự bán sản phẩm ra thị trường với số lượng nhỏ lẻ thì sản phẩm của anh không thể đi xa và càng không thể xây dựng được thương hiệu để giá cả bền vững. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này, trước tiên cần phải có sự liên kết và cam kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua bằng chính chất lượng sản phẩm của người nông dân làm ra… ”
Phạm Khánh