Dạy nghề cho nông dân để giữ rừng

01/02/2010

AGROINFO- Vừa qua, Tiến Sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện chính sách chiến lược và phát triển NNNT đã dẫn đầu đoàn công tác của Viện đi thăm và tim hiểu về vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn ở khu vực Tây Nguyên.

Đến tìm hiểu mô hình giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bon Bu Nơ – xã Quảng Tân – huyện Quản Đức – tỉnh Đắk Nông, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có ý kiến cho rằng: “Muốn giữ được rừng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề cho người nông dân và công tác kế hoạch hóa gia đình ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề sẽ nhanh chóng kéo được một bộ phận người nông dân chuyên sản xuất nông nghiệp thuần túy sang lĩnh vực công nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Để từ đó, làm giảm áp lực cho rừng trước sức ép của những người nông dân vì thiếu đất nông nghiệp sản xuất nên họ phá rừng lấy đất”.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn trao đổi với ông Biểu Lanh

Ý kiến này đồng chí Viện trưởng Viện chính sách chiến lược và phát triển NNNT dựa trên cơ sở của buổi trao đổi trực tiếp với đồng chí Biểu Lanh – đội trưởng đội tự quản bảo vệ rừng cộng đồng tại Bon Bu Nơ – xã Quảng Tân. Theo đồng chí Biểu Lanh cho biết: “Đội tự quản của Bon Bu Nơ với 16 người dân tình nguyện tham gia công tác bảo vệ rừng hơn 1000 ha rừng của Bon. Từ khi lập đội đến nay, hiện tượng người dân phá rừng làm nương rẫy ở đây tuy có giảm nhưng không triệt để. Cụ thể là, từ năm 2001 đến nay, Bon mất 16 ha rừng. Cùng với đó là chất lượng rừng ngày càng giảm”.

Lý do dẫn đến việc đất rừng tiếp tục bị thu hẹp được ông Biểu Lanh nêu ra: “Quỹ đất sản xuất nông nghiệp của Bon từ xưa đến giờ chỉ có vậy mà dân số thì ngày càng tăng do quá trình di cư của người dân từ nơi khác đến cộng với tốc độ tăng dân số của người dân địa phương trong những năm trước đây quá nhanh đã dẫn đến hiện tượng người dân thiếu đất nông nghiệp để sản xuât. Khi người nông dân thiếu đất sản xuât thì dù có đội quản lý rừng như chúng tôi, họ vẫn tiến hành phá trộm rừng để lấy đất. Nếu không làm như vậy thì họ không biết làm gì để mà sống. Bên cạnh đó, nếu trước đây việc quản lý rừng bằng những tập tục của Buôn, Bon, Làng…có thể thực thi thì nay lại rất khó. Vì quá trình di cư của người dân từ nơi khác đến đây không chịu sự giàng buộc bởi những tập tục của người dân sở tại – ví như người Ba Na không nghe lời già làng của người Ê đê vậy. Tiếp đến là đội tự quản của chúng tôi không được cấp kinh phí, không được trang bị vũ khí, khí tài phòng vệ khi gặp lâm tặc, chúng tôi hoạt động hoàn trên tinh tự nguyện nên cũng gặp rất nhiều khó khăn…”.

Một tình nguyện viên trong đội tự quản của đồng chí Biểu Lanh đứng gãi đầu nói riêng với phóng viên rằng: “Nếu nhìn thấy 10 người chặt cây ở trên rừng và 1 người chặt cây trong vườn nhà mình thì mình phải đi đuổi người chặt cây trong vườn nhà mình trước chứ ?!”.

Phạm Khánh


Tin khác